Những người phụ nữ đơn thân nhưng không đơn độc

Những người phụ nữ đơn thân nhưng không đơn độc
(GD&TĐ)- Chiều nay 7/3, Triển lãm “Chuyện những bà mẹ đơn thân” được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm được xem là món quà tinh thần dành tặng cho những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le, có nghị lực vươn lên thay đổi cuộc sống của mình nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. 
Từ tháng 12/2010, sau 2 đợt tập huấn chụp ảnh, 20 phụ nữ đơn thân Tân Minh đã được giao máy ảnh trong vòng 2 tháng để ghi chép lại cuộc sống của mình cũng như chị em đơn thân khác bằng các bức ảnh và câu chuyện kể. Với sự trợ giúp của một nhóm cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, các chị đã chụp được 1000 ảnh và cùng nhau chọn ra 100 ảnh với những câu chuyện chân thật về cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, ước mơ vào tương lai và sự thay đổi của mình theo thời gian.
Những người phụ nữ bên những kỉ niệm của mình một thời từng gắn bó.
Những người phụ nữ bên những kỉ niệm của mình một thời từng gắn bó.
Với gần 200 hình ảnh và hiện vật, triển lãm đã khắc họa chân dung của 18 người phụ nữ mà trong cuộc sống họ phải gánh trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha, vượt qua những định kiến và sự mặc cảm, tự ti để tìm hạnh phúc cho bản thân. 
Những câu chuyện đời thực, lời chia sẻ từ cuộc sống “một vai hai gánh” đã được thể hiện sinh động trong 3 chủ đề của triển lãm là: Bối cảnh sống, Điều chúng tôi muốn nói, Cộng đồng chia sẻ. Đồng thời, triển lãm cũng thể hiện sự thay đổi về nhận thức và hành động của cộng đồng đối với những phụ nữ đơn thân, kêu gọi mọi người chung tay xóa bỏ mọi rào cản và định kiến góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. 
Điều đáng nói là những bức ảnh và hiện vật được trưng bày do chính những người phụ nữ xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là tác giả. 
Câu chuyện những người phụ nữ đơn thân
Đến bây giờ, cái tên “Hợp tác xã phụ nữ đơn thân Tân Minh” đã không còn xa lạ. Hơn 200 người phụ nữ đơn thân xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội là hơn 200 cảnh đời khác nhau nhưng cùng chung nghị lực vươn lên sự nghèo khó và mặc cảm xã hội. Họ đã thay đổi số phận của mình, thay đổi cái nhìn của xã hội bằng chính nghị lực và tình yêu thương cuộc sống. 
Những người phụ nữ đơn thân nhưng không đơn độc ảnh 2
 Do nhiều hoàn cảnh, nhiều phụ nữ phải sống đơn thân nên các công việc nặng nhọc của đàn ông họ đều phải gánh vác hết. Ảnh chụp tại triển lãm
Chị Ngô Thị Vân ở thôn Sơn Đông lấy chồng năm 1981 và có một bé trai. Ở với nhau chưa đầy hai năm, biết chồng có con với người khác, chị đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Nghe lời bố, chị mang con gửi lại nhà chồng nhưng khi lên thăm thấy con khóc sưng cả mắt, chị quyết định đem con về nuôi.  Chị Vân tâm sự: “Lúc đó cực lắm, tiền không có, xe đạp cũng không... Tôi nhớ bà bác cho vay được thúng thóc thì gánh đi bán. Bà còn cho con mèo, tôi nuôi lớn thành đàn rồi cũng đem bán. Sau đó tôi đi hàng xáo để kiếm thêm tiền nuôi con”.
Trải qua một thời gian dài bươn chải, đến nay chị đã có một ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Chị Vân kể “Năm 1996, từ dự án Phần Lan tôi được vay 500.000đ, lúc đó là quý lắm. Tôi thêm tiền vào mua mấy con lợn về nuôi. Thấy đàn lợn của mình nhanh lớn tôi mạnh dạn mở đại lý bán thức ăn gia súc, sau đó tôi mở đại lý bán thêm gạo và phân bón. Từ đó kinh tế khá lên và tôi mới có được cơ ngơi như thế này”. 
Chị Nguyễn Thị Tiếp ở thôn Xuân Dục, xã Tân Minh bế đứa cháu ngoại hơn 3 tuổi chia sẻ với chúng tôi, “Vì con mà mình có nghị lực vượt qua những năm tháng đau khổ khó khăn nhất tưởng chừng không vượt qua nổi. Hạnh phúc không có gì hơn khi về già có con cháu xum vầy”. Nhớ lại hơn 20 năm trước: rời quân ngũ khi đứa con cứ lớn dần trong bụng, lại bị làng xóm dị nghị, gia đình không thông cảm. Chị sống lầm lũi, không muốn giao tiếp với mọi người. Chị tự nhủ: “ mình phải thay đổi, không để người ta coi thường, phải sống thế nào để nuôi con nên người ”.  Nghĩ là làm, chị lăn lộn kiếm sống nuôi con, tự đóng gạch xây nhà. 
Và khi cộng đồng dang tay chia sẻ
Tân Minh là một xã nghèo của huyện Sóc Sơn, Hà Nội có hơn 200 phụ nữ đơn thân. Từ 1996 được tham gia dự án tín dụng tiết kiệm do Đại sứ quán Phần Lan hỗ trợ cho phụ nữ đơn thân, 184 hộ đã được nâng cao mức sống. Số vốn của họ từ 49 triệu đồng đến nay đã tăng lên 400 triệu đồng. 
Năm 1996, chị Tiếp tham gia Hợp tác xã đơn thân, cùng với chị em trong xã được tập huấn và hỗ trợ vốn vay, chị bắt đầu mạnh dạn giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế. Chị cùng với chị em Hợp tác xã phụ nữ đơn thân xã Tân Minh làm gối ngủ xuất khẩu sang thị thường châu Âu. Đến nay, mặt hàng gối ngủ của chị em phụ nữ đơn thân hợp tác xã Tân Minh đã phát triển mạnh, được khách hàng ưa chuộng.
Những người phụ nữ đơn thân nhưng không đơn độc ảnh 3
 Phụ nữ đơn thân đi hái ngô. Ảnh chụp tại triển lãm
Chị Tiếp kể lại: “Trước kia trong hàng xóm ngồi với nhau cũng thấy ngại. Từ khi có nguồn vốn của Phần Lan cho chúng tôi được học hỏi, biết cách nuôi dạy con, có vốn để làm kinh tế nên cuộc sống của chị em trong HTX có cuộc sống khá hơn, được tập huấn chăn nuôi, trồng cây hiệu quả, làm những cái gì có năng suất. Từ đấy tôi phát triển được, tôi tự tin hơn. Ngày xưa, không có nguồn vốn nào, tôi không biết trông cậy vào ai thì rất là khổ. Đến bay giờ tôi đi đâu, tôi làm gì cũng không e ngại gì cả”. 
Chị Nguyễn Thị Lê ở thôn Sơn Đoài cũng là một trong những phụ nữ đơn thân ở Hợp tác xã phụ nữ đơn thân Tân Minh.  22 tuổi, chị Lê lấy chồng mà không có tình yêu. Thêm vào đó, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ngày càng xấu đi. Năm 2006 chị ly hôn, về nhà mẹ đẻ khi mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng. 
Cuộc sống của chị đã thay đổi từ khi tham gia hợp tác xã phụ nữ đơn thân. Chị được vay vốn chăn nuôi gà, lợn, mua máy khâu để may túi ngủ. Lê còn làm thêm 5 sào ruộng nên kinh tế đã bớt khó khăn. Giờ đây chị cũng đã vợi bớt nỗi buồn và sống khoan dung hơn. Quan trọng hơn hết là giờ đây chị cảm thấy hòa nhập với chị em, có thể chia sẻ cùng nhau những câu chuyện đời thường. Chị kể: “Bình thường tôi không dám ra chỗ đông người vì sợ họ hỏi cuộc sống riêng tư, động đến nỗi đau của mình. Song tham gia dự án các chị chỉ bàn về công việc thôi nên tôi rất thích. Mặc dù con trai mới 5 tuổi lại đang bị viêm tuỵ nhưng lòng tôi đã bớt hận thù, chỉ mong ước làm được nhiều tiền để nuôi con ăn học, chữa khỏi bệnh cho con”.
Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: cuộc sống của các chị bây giờ tự tin và hòa nhập cộng đồng hơn nhiều. Xã hội cũng có cái nhìn cởi mở hơn với các chị. Cuộc triển lãm chính là cầu nối quan trọng mang đến cho mọi người thông điệp về sự sẻ chia, tình nhân ái và bao dung với những số phận không may mắn như các chị. Đó còn là sự cảm phục đối với những người phụ nữ có bản lĩnh vươn lên bằng chính nghị lực của mình. 
Hơn 200  phụ nữ là thành viên của Hợp tác xã đơn thân Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội là hơn 200 câu chuyện cảm động về sự hi sinh và nỗ lực vượt lên định kiến xã hội. Bản lĩnh và nghị lực cộng với sự giúp đỡ của cộng đồng, những người "một vai hai gánh"- vừa làm mẹ vừa làm cha ấy đã thoát khỏi mặc cảm tự ti, cùng giúp đỡ nhau vươn lên hoàn cảnh.
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ