Những người nhặt rác giữa khuya

GD&TĐ - Đêm về khuya, vẫn có những người cặm cụi với công việc không một phút ngơi nghỉ. Họ là những người phụ nữ, đêm đêm neo mình giữa lòng thành phố trong khung cảnh phồn hoa đầy âm thanh để nhặt rác mưu sinh. 

Những người nhặt rác giữa khuya

Nhặt nhạnh những giá trị nhỏ bé còn sót lại trong đống rác thải hỗn độn, gắn mình với những thứ bỏ đi của người khác chính là cách mưu sinh của không ít người phụ nữ lớn tuổi ở Đà Nẵng.

Neo mình trong đêm

Khi ánh nắng chiều gay gắt vừa tắt cũng là lúc bà Phan Thị Ni (50 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu một ngày mưu sinh. Bà lang thang khắp công viên Biển Đông (Đà Nẵng) để lượm lặt những chai lọ, thùng giấy, hộp nhựa người ta bỏ đi về bán.

Bà Ni tâm sự: “Không chồng cũng chẳng có con, sức khỏe thì yếu nên không ai thuê làm gì cả. Tôi chỉ biết nương nhờ vào cái nghề nhặt ve chai này mà sống qua ngày. Chân bị khớp đau nhức thường xuyên nên tôi chẳng đi nhặt đâu xa. Quanh quẩn ở công viên này gom góp 2 đến 3 đêm rồi bán cũng được vài chục ngàn; ăn uống tằn tiện lắm cuối tháng mới đủ trả tiền trọ cho người ta”.

Nhìn bà với dáng người nhỏ bé gầy guộc, đôi bàn tay nhem nhuốc, đôi bàn chân lấm lem đất cát, bụi đường không khỏi khiến người ta ngậm ngùi. Anh Trần Hữu Tại, bảo vệ tại công viên Biển Đông cho biết: “Đêm nào cũng vậy, mặc cho mưa gió vẫn thấy bà Ni lang thang nhặt vỏ chai ở đây. Có những hôm mưa lớn cứ ngỡ bà sẽ không đi được thế mà đến tận khuya khi cơn mưa nặng hạt tan dần thì lại thấy bà lọ mọ bên những thùng rác nằm dọc công viên nhặt nhạnh. Thấy mà thương quá đỗi!”.

Con mắt trũng sâu vì mệt mỏi, chị Huỳnh Thị Sương (42 tuổi, thuê trọ tại phường Hòa An (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bảo rằng cái nghề “bới móc” này cũng chẳng sung sướng gì. Vì thứ “cơm từ rác” của thiên hạ ấy mà các chị đã lao vào vòng xoáy mưu sinh mê mệt từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ. Và cũng vì thứ ve chai lúc nửa đêm này mà nhiều nỗi cơ cực và cả những câu chuyện đời, chuyện nghề của các chị cứ thế được bộc bạch ra.

Đa phần những người phụ nữ nhặt đồng nát về đêm ấy đều có những hoàn cảnh éo le. Người thì chồng mất, người thì quá nghèo khổ, người thì bệnh tật nên thất nghiệp triền miên. Họ đến từ khắp các nơi, có người ở ngoại thành, có người trong hẻm phố, có người ở tỉnh khác cũng về thuê trọ và mưu sinh. Khi đèn phố đã lên, cũng là lúc họ bắt đầu công việc, đến khi chiếc xe chất đầy những thứ nhặt nhạnh thu vén được thì đồng hồ cũng đã điểm 1 - 2 giờ sáng.

Với nhiều người phụ nữ làm công việc này, mỗi đêm với họ chỉ dám lót dạ bằng ổ bánh mì không, nếu sang hơn thì có chút thịt, chút rau trong đó và giá cả không quá 3 ngàn đồng. Mỗi đêm nhặt nhạnh cũng chỉ được chừng 30 - 40 ngàn đồng, họ không dám tiêu pha phung phí, vì sau lưng các chị vẫn là một gia đình là những đứa con mơ được đến trường, là người chồng bệnh tật với những đơn thuốc lên đến tiền triệu mỗi tháng, là người mẹ già mong tấm áo ấm mùa đông.

Đời người xoay những vòng xe

Đêm, họ thong dong trên những chiếc xe đạp, tỏa đi khắp các ngõ kiệt của Đà Thành. Nhưng ít ai hiểu rằng làm việc trong điều kiện không có những vật dụng bảo hộ, lại ở ngoài trời vào ban đêm, nên những người phụ nữ ấy phải chịu nhiều nguy cơ do tai nạn nghề nghiệp mang lại như các bệnh về da do tiếp xúc với các chất độc hại, các vết thương do sơ sẩy lúc nhặt rác.

Tai nạn lúc nhặt rác là một chuyện, nỗi sợ hãi bóng tối mới là chuyện đáng nói. Làm việc về đêm, các chị phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, thậm chí một số người còn bị những kẻ “dê xồm”, những kẻ nghiện ngập hay những gã đàn ông say rượu trêu chọc, hãm hại khi đi làm về quá khuya.

Thế nhưng, bên cạnh những hiểm nguy rình rập ấy, các chị vẫn có một niềm tin để hy vọng, đó là gia đình nhỏ bé của mình, là những đứa con với tương lai rạng người. Với những người phụ nữ nhặt rác mưu sinh đêm ấy, chính những đồng tiền chắt chiu từ phế liệu kia đã nuôi nhiều người con khôn lớn, đứa vào đại học, đứa thành tài, đứa lập nghiệp, đứa dựng vợ gả chồng.

Tôi nhìn chiếc xe chở đầy phế liệu của các chị lạc lõng giữa màn đêm, nơi ánh đèn vàng vọt của phố thị giữa mùa đông mà lòng ấm lại. Trên ghi đông của những chiếc xe đạp nghèo ấy treo lúc lỉu chai nước, ổ bánh mỳ.

Đó là bữa lót dạ đêm của các chị sau những phút mệt nhoài nhặt nhạnh. Đêm bớt lạnh hơn khi cuộc mưu sinh một ngày kết thúc bằng những giọt mồ hôi nhễ nhại chảy trên khuôn mặt đen nám vì bụi bẩn của những người phụ nữ ấy.

Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ngày bao đêm như đêm nay, bỏ đằng sau những vất vả và hiểm nguy, mỗi người phụ nữ nhặt phế liệu về đêm vẫn tìm thấy niềm vui nho nhỏ và yên bình của mình. Tôi vẫn thấy các chị cười, nụ cười rực sáng dưới ánh đèn khuya…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ