Vận dụng ca dao, thành ngữ, tục ngữ:

Nêu cao hình tượng người lính

GD&TĐ - Người lính là một trong những hình tượng trung tâm của thơ Việt Nam những năm 1945 - 1975.

Anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh tư liệu
Anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh tư liệu

Hình tượng ấy ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc không chỉ ở nội dung phản ánh mà còn ở ngôn ngữ thể hiện.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà những bài thơ viết về hình tượng người lính thời kỳ này đều gặp nhau ở điểm là ngôn ngữ thơ rất chân chất, bình dị, gần gũi với đời sống dân tộc.

Khắc họa hình ảnh người lính từ đồng quê

Trong mỗi chúng ta nói chung, trong các nhà thơ nói riêng dường như không ít thì nhiều ai cũng thuộc nằm lòng các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ phổ biến của dân tộc. Từ lúc còn nằm nôi, chúng ta đã nghe tiếng ầu ơ của bà, của mẹ. Lớn lên đối diện với cuộc sống thực tại, chúng ta lại có những câu tục ngữ, thành ngữ mà ông bà cha mẹ đã đúc kết những kinh nghiệm từ hàng ngàn đời nay cho chúng ta. Những người lính trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ có thể từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam tụ tập về để cùng nhau gìn giữ độc lập Tổ quốc. Đặc biệt là các tác giả khi viết về hình tượng người lính thời kì này phần lớn cũng là những người lính ra đi từ các làng quê hay một phố phường nào đó trên đất nước Việt Nam. Chính vì vậy, vốn ca dao, thành ngữ, tục ngữ trong họ được vận dụng khá nhiều vào thơ thời kì này.

Trong nhiều bài thơ viết về hình tượng người lính, các nhà thơ đã vận dụng khá thành thục những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Những yếu tố này được vận dụng trong thơ khiến các câu thơ khi viết về hình tượng người lính, thì những người lính bỗng trở nên gần gũi, thân quen tự bao giờ. Làng quê Việt Nam đều có những nét chung trong sự vất vả đói nghèo, và chúng được thể hiện khá rõ trong thành ngữ “nước mặn đồng chua”. Chúng ta bắt gặp các thành ngữ này khá nhiều trong các bài thơ của những nhà thơ khác nhau:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

(Đồng chí – Chính Hữu)

Hoặc:

Hải Phòng cuồn cuộn dâng như biển

Nước mặn đồng chua thêm máu người

(Hải Phòng – Trần Huyền Trân)

Hình tượng người lính được khắc họa rõ nét trong thi ca, hội họa.

Hình tượng người lính được khắc họa rõ nét trong thi ca, hội họa.

Nơi các anh sinh ra là những nơi mà cuộc sống khó khăn vất vả dường như đã có từ bao đời. Điều đáng nói ở đây là những người lính sinh ra trên các vùng quê khác nhau: Một người ở mảnh đất miền Trung khô cằn “đất cày lên sỏi đá”, một người ở tận vùng biển xa xôi “nước mặn đồng chua”, đã trở thành những người tri kỉ sống chết có nhau.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng không thể khiến lòng người lùi bước. Những người lính dũng mãnh lao vào trận chiến với tất cả quyết tâm và lòng nhiệt thành. Họ ra đi chiến đấu bỏ lại sau lưng “giếng nước gốc đa” rất đỗi thân quen. Hình ảnh “giếng nước gốc đa” là hình ảnh được dùng nhiều trong ca dao, phải chăng các nhà thơ đã mượn ý từ trong các câu ca dao của dân tộc. Câu thơ có các hình ảnh này trở nên mộc mạc giản dị hơn. Bài “Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ đã sử dụng rất đắc hình ảnh trên.

Không phải chỉ có hình ảnh của “giếng nước gốc đa”, mà còn nhiều những hình ảnh khác như: Mái đình, cây đa, bến đò… cũng được sử dụng nhiều trong thơ thời kỳ này. Người lính lên đường xa quê để làm nhiệm vụ giữ nước, bỏ lại phía sau bao nhiêu hình ảnh thân quen, đã từng gắn bó sâu nặng từ thuở thiếu thời. Giã từ “giếng nước gốc đa” tức là tạm chia xa quê hương bởi những hình ảnh này đã là đặc trưng cho làng quê Việt Nam.

Trên con đường hành quân, các chiến sĩ đã xem chuyện “ngày nắng đốt theo đêm mưa dội” là chuyện thường tình. Nỗi gian truân của các anh cũng sánh bằng nỗi vất vả gian lao “nắng dãi mưa dầu” của những người thân ở quê hương. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã mượn ý từ câu tục ngữ này để diễn tả ý thơ của mình.

Trong bài thơ “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi cũng đã miêu tả sự trỗi dậy, vùng lên với sức mạnh vô biên của dân tộc bằng ý của câu tục ngữ: “Tức nước vỡ bờ”

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

“Người lên như nước vỡ bờ” là sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kháng chiến với nhau để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, làm quân thù phải khiếp sợ.

Anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh tư liệu

Anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh tư liệu

Nghệ thuật được cộng hưởng từ sự hồn nhiên

Tuổi thơ của những người lính có lẽ chẳng giống nhau, nhưng ít nhất trong mỗi lần nghĩ về thuở thiếu thời hẳn ai cũng có những kỉ niệm khó quên. Diễn tả tuổi thơ “nghịch như quỷ sứ” của những người lính, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã có những vần thơ:

Trẻ con xóm đê tất cả như nhau

Da cháy nắng

Tóc râu ngô

Con gái con trai đều nghịch như quỷ sứ.

(Xóm đê)

Đó là những người lính, họ đã có một thời tuổi hồn nhiên tinh nghịch, cùng thỏa thuê đùa giỡn bên nhau. Vào lính rồi nhưng trong họ vẫn còn lưu giữ chút nghịch ngợm này. Không chỉ có người lính mới được các nhà thơ phản ánh trong thơ của mình mà những người hậu phương cũng được các nhà thơ chú ý. Bởi chính người vợ, người mẹ… lại là nguồn động viên lớn cho những người cầm súng.

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Ngôn ngữ thơ bình dị, nhưng lại lột tả được chiều sâu của nỗi nhớ, tâm trạng chờ đợi chồng của những người vợ. Câu thơ không ồn ào mà sâu lắng thiết tha, đọng lại trong lòng người đọc. Trong thơ nói về người lính lẽ đương nhiên không thể thiếu là các nhà thơ nói về cách tỏ tình của ngưới lính, họ có cách nói của con nhà lính. Cũng từ ý của câu ca dao:

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Các anh lính đã tìm ra một cách nói riêng của mình:

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu

(Màu tím hoa sim – Hữu Loan)

Câu thơ man mác chất ca dao nhưng lại sâu lắng hơn, xúc động hơn, và phảng phất một chút buồn.

Trong các bài thơ viết về hai cuộc kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu là người đã sử dụng khá nhiều ca dao vào thơ của mình. Điều này khiến thơ ông trở nên dễ thuộc, dễ nhớ và gần gũi với những người tham gia kháng chiến hơn.

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm

Bầm ơi có rét không bầm!

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

(Bầm ơi)

Những vần thơ của Tố Hữu như là một sự khẳng định thành công cách vận dụng cách nói tục ngữ, thành ngữ… vào trong thơ ca kháng chiến khi thể hiện hình tượng người lính. Đây chính là sự đóng góp giá trị về mặt nghệ thuật của thơ ca thời kì 1945 – 1975.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.