Những "người lái đò" miền biên ải

GD&TĐ - Những thầy cô nơi biên giới huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) như người lái đò mang kiến thức đến với học sinh. Suốt nhiều năm qua họ như người cha, mẹ thứ hai, quan tâm, dạy dỗ mong các em sẽ có tương lai tươi sáng.

Trong quá trình giảng dạy, cô Nga luôn có nhiều phương pháp tạo hứng thú cho học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, cô Nga luôn có nhiều phương pháp tạo hứng thú cho học sinh.

Người mẹ của Điểu Nhem

Đối với gia đình em Điểu Nhem (người S’tiêng), trú tại thôn 6, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, cô giáo Nguyễn Thị Nga (giáo viên Trường Tiểu học Đắk Ơ) chính là người mẹ thứ hai của con trai mình. Bởi gần 5 năm về trước, Điểu Nhem là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của lớp 1 mà cô Nga chủ nhiệm. Bố mất sớm, một mình người mẹ phải bươn chải để có tiền chăm lo cho hai chị em Nhem. Cũng vì công việc bận rộn mà mẹ Nhem không có thời gian kèm cặp, hướng dẫn nên học lực của em luôn đứng cuối lớp.

Nhem tâm sự: “Nhà con rất khó khăn, bản thân con lại học yếu nên đợt đó đã chán nản và bỏ học. Nhưng may mắn được cô giáo Nga cùng các thầy cô trong trường đến động viên, nên đã quay trở lại lớp. Được sự kèm cặp, hướng dẫn của thầy, cô giáo mà đến nay con đã đọc viết và làm các phép tính thành thạo”.

Nhắc đến Nhem, cô Nga nhớ lại: “Vào học được gần nửa năm thì không thấy Nhem đến lớp, nên tôi đã đến nhà để tìm hiểu mới biết được em không có ý định đến trường nữa. Sau nhiều lần nói chuyện, thuyết phục gia đình cuối cùng Nhem cũng đến trường, nhưng được mấy hôm em lại nghỉ học. Vì vậy thời điểm đó, tuần nào tôi cũng tranh thủ thời gian trước khi vào trường hoặc tan học để đến nhà động viên Nhem đến trường. Nhờ hiểu được ý nghĩa của việc học tập để có một tương lai tươi sáng nên gia đình Nhem cũng quan tâm hơn việc học của con cái, cũng từ đó em đã đến lớp đều đặn”.

Từ Quảng Bình vào giảng dạy tại huyện Bù Gia Mập tính đến nay đã ngót 14 năm, cô Nga luôn xem học sinh nơi đây như những đứa con của mình. Bằng tấm lòng người mẹ, người giáo viên này tận tụy dìu dắt từng thế hệ học trò. Những năm qua, nhiều học sinh ở huyện biên giới này đã tích cực vượt khó, đều đặn tới trường tìm con chữ để xây dựng tương lai. “Việc đi vận động học sinh quay lại trường rất khó khăn, các em học yếu, chán nản nên nghỉ. Trong khi đó, bố mẹ lại đi làm suốt ngày nên cũng không quan tâm đến việc học của con cái. Vì vậy, tôi và các thầy cô trong trường luôn quan tâm đặc biệt đến các em đồng bào dân tộc S’tiêng mà lớp mình chủ nhiệm”, cô Nga cho hay.

Ngoài việc vận động các em đồng bào S’tiêng đến trường, cô Nga luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nhiều phương pháp giáo dục phù hợp với đặc thù học sinh của mình. Những em người dân tộc thiểu số khi mới vào lớp 1 việc nói tiếng Việt cũng đã là một khó khăn. Cô Nga đã áp dụng nhiều phương pháp như trò chơi, tranh ảnh, vật thật trong phân môn học vần, sử dụng phiếu bài tập chia câu, đoạn theo trình độ cá nhân trong một số giờ tập đọc... Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, cô Nga luôn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Ngay từ ngày đầu nhận lớp, cô Nga bắt tay rèn học sinh tính kỷ luật, lễ giáo, ứng xử... Những học sinh chưa ngoan, cô lựa lời nhắc nhở, động viên các em sửa đổi.

“Muốn dạy học sinh, mình phải là tấm gương sáng. Mình phải nói năng chuẩn mực các em sẽ học theo và nghe lời dạy của mình. Tôi luôn quan sát, lắng nghe những câu chuyện, cách ứng xử của các em. Những em có cách ứng xử chưa đúng, tôi sẽ trò chuyện để giải thích đúng, sai cho các em hiểu và thay đổi tích cực”, cô Nga cho hay.

Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Hương còn tận dụng thời gian rảnh đến thăm hỏi gia đình học sinh.
Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Hương còn tận dụng thời gian rảnh đến thăm hỏi gia đình học sinh.

Nỗ lực giúp học sinh tiến bộ

Gắn bó với huyện biên giới Bù Gia Mập từ năm 2011, trải qua không ít vất vả nhưng cô Trịnh Thị Hương (quê ở tỉnh Thanh Hóa), giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Đắk Ơ chưa bao giờ nản lòng. Suốt hơn 10 năm giảng dạy, cô Hương luôn quan tâm hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là các em dân tộc thiểu số.

Cô Hương tâm sự: “Lớp 7 tôi chủ nhiệm hiện nay với 33 học sinh trong đó có 8 em là người S’tiêng. Đa phần các em có hoàn cảnh gia đình đều rất khó khăn. Vào vụ thu hoạch điều, tiêu hàng năm, các em thường lên rẫy phụ giúp ba mẹ nên thường xuyên vắng học”. Không để học sinh vì mưu sinh mà quên chuyện học hành, cô Hương luôn nắm bắt tình hình rồi đến nhà vận động gia đình để các em đến lớp. Tấm lòng nhiệt huyết vì học sinh thân yêu của cô đã được đền đáp, khi các em đi học đều đặn, nỗ lực học bài chăm chỉ.

Cũng theo chia sẻ của cô Hương, tại Trường Trung học cơ sở Đắk Ơ, mỗi giáo viên bộ môn đều có một phương pháp truyền đạt kiến thức khác nhau nhằm phù hợp với hoàn cảnh, tình hình lớp. Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, cô Hương luôn cố gắng quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống gia đình từng em. “Em nào khó khăn gì tôi có thể giúp đỡ thì hỗ trợ hết mình, còn những cái vượt tầm của bản thân thì tôi trình bày với cấp trên nhờ giúp đỡ. Trong lớp, tôi thường xếp 1 em học tốt ngồi với các em S’tiêng để các em cùng nhau trao đổi, thực hiện “đôi bạn cùng tiến”. Riêng môn của tôi, em nào yếu quá thì tôi xin phép cha mẹ học sinh đón ra nhà để kèm thêm vào những hôm cuối tuần”, cô Hương chia sẻ.

“Bao nhiêu năm công tác ở vùng biên giới này, trong thâm tâm tôi chỉ mong muốn học sinh đến trường đều đặn và được học tập với những điều kiện tốt nhất có thể, được ăn no, mặc ấm... Trong giảng dạy, tôi luôn động viên các em nỗ lực vượt khó, chăm chỉ học tập để có một tương lai tươi sáng”, cô Hương tâm sự.

Chị Điểu Thị Yên (người S’tiêng) trú tại thôn 6, xã Đắk Ơ, cho biết: “Con tôi đang học lớp 1, nhưng do cuộc sống khó khăn, cả hai vợ chồng phải đi làm thuê từ sáng sớm đến tối muộn mới về nên không có thời gian hướng dẫn con học. May mắn được cô giáo Nga kèm cặp nên cháu ngày càng tiến bộ. Giờ đây thấy con đã biết đọc, biết viết vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi và các phụ huynh ở đây biết ơn cô Nga và các thầy, cô giáo nhiều lắm!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ