Những người “gánh dưa hái Tết”

GD&TĐ - Khi màn đêm buông xuống, mọi người chìm trong giấc ngủ thì đoàn người lại tất bật gánh dưa. Công việc của họ chỉ kết thúc khi trời tờ mờ sáng, rồi mỗi người giăng một chiếc võng dưới tán vườn cao su để ngả lưng

Khi màn đêm buông xuống, đoàn người đội đèn đi gánh dưa với hy vọng có cái Tết đủ đầy.
Khi màn đêm buông xuống, đoàn người đội đèn đi gánh dưa với hy vọng có cái Tết đủ đầy.

Ngủ ngày, đêm thức

Suốt đêm, với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai những người lao động nhọc nhằn “hái Tết”.
Suốt đêm, với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai những người lao động nhọc nhằn “hái Tết”.

Chiều cuối năm, phố xá tấp nập hơn với những dòng người qua lại. Mọi người hối hả để hoàn thành những công việc còn lại ở năm cũ. Người thì dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa để Tết Nguyên đán được đủ đầy, ấm cúm hơn. Ở một góc thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), hơn chục chiếc xe máy - mang biển số Phú Yên, Bình Định - chở theo đôi sọt và chiếc quang gánh vội vã hòa vào dòng người. 

Gương mặt phờ phạc, mệt mỏi sau nửa ngày chạy xe, anh Nguyễn Đình Phong (48 tuổi, trú huyện Tây Sơn, Bình Định) cho hay, anh cùng hơn 20 người chạy xe từ Bình Định vòng qua Gia Lai rồi lên Kon Tum để gánh dưa hấu thuê.

Phủi chiếc quần bám đầy bụi bẩn, anh Phong cho biết, trong đoàn đều là người ở tỉnh Phú Yên và Bình Định. Mọi người đã bàn bạc, thống nhất ngày đi và hẹn nhau ở Bình Định để đến vườn dưa. Từ 8 giờ sáng, mỗi người với hành trang là một chiếc xe máy, đôi sọt, chiếc quang gánh, chăn, võng và một ít đồ khô bắt đầu cuộc hành trình. Hơn 20 chiếc xe máy nối đuôi nhau vượt quãng đường hơn 230km để đến TP Kon Tum.

Có những người trong đoàn chưa một lần đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên nên đường sá còn lạ lẫm. Một số người bị “rớt” lại phía sau do lạc đường nên cả đoàn dừng lại chờ. Ròng rã suốt 8 tiếng đồng hồ trên đường, đoàn người mới đến được vườn dưa thôn 5 (xã Hòa Bình, TP Kon Tum).

“Chủ vườn sẽ hái dưa vào buổi tối vì khi đó trời hết nắng, nhiệt độ mát mẻ dưa không bị nứt, vỡ. Khi đó, chúng tôi gánh dưa ra các điểm tập kết để xe tải vào chở đi bán. Chính vì vậy, công việc của chúng tôi chỉ làm vào ban đêm, còn ngày ngủ.

Hy vọng năm nay dưa được giá, được mùa thì các chủ vườn mới thuê nhiều người hái. Như năm ngoái, tôi cũng lên đây để hái dưa những ngày cận kề Tết. Tuy nhiên, giá dưa thấp, tiền bán không đủ trả công. Do đó, các chủ vườn đành bỏ trắng dưa ngoài đồng. Đoàn chúng tôi vượt hàng trăm km lên đây, nhưng rồi lại công cốc quay trở về”, anh Phong chia sẻ.

Ước mong cái Tết đủ đầy

Đoàn người nối đuôi nhau vượt hơn 200km từ Bình Định lên Kon Tum để “gánh Tết”.
Đoàn người nối đuôi nhau vượt hơn 200km từ Bình Định lên Kon Tum để “gánh Tết”.

Ăn vội chén cơm nguội sau hành trình dài, anh Huỳnh Tấn Minh (41 tuổi, huyện Tuy An, Phú Yên) cho hay: “Sáng sớm, nhà tôi dậy nấu cơm, chuẩn bị ít đồ ăn mặn, rau sống cho tôi mang theo ăn dọc đường để tiết kiệm chi phí lại đảm bảo sức khỏe.

Bụng dạ tôi yếu nên không dám ăn cơm trên đường, sợ làm trễ hành trình của mọi người. Sáng ăn trễ quá nên trưa khi cả đoàn dừng lại ăn cơm tôi chỉ uống nước, nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành trình.

Giờ thì đói quá rồi, chân tay run lẩy bẩy. Tôi tranh thủ ăn để xuống kia mắc võng nằm nghỉ một lúc rồi tối gánh dưa. Đêm nay, hàng cao su dưới kia là khách sạn ngàn sao của anh em chúng tôi”, anh Minh chỉ tay về phía rặng cao su lồng lộng gió.

Anh Minh cho hay, do mỗi vườn chỉ hái dưa khoảng 2 – 3 đêm là xong, do đó cả đoàn chỉ mang theo võng và chăn để ngủ. Để tiết kiệm chi phí, mỗi người mang thêm gạo, cá khô, ruốc… để ăn trong những ngày làm việc.

“Tối nay, đoàn chúng tôi gánh khoảng 80 sào dưa hấu. Sức mỗi người gánh được khoảng 2 sào, mỗi sào cũng được khoảng 300.000 đồng. Hôm nay đi xe cả ngày nên anh em chắc không gánh nhanh được. Tình hình này chắc phải gánh đến gần sáng mới xong. Ngủ dưới hàng cao su kia chắc lạnh lắm. Nhưng làm mệt rồi, mọi người đặt lưng xuống là ngủ, còn biết gì là lạnh nữa”, anh Minh cho biết thêm.

Sau bữa cơm chiều vội vàng, đoàn người kéo nhau về lô cao su cạnh vườn dưa để mắc võng nghỉ ngơi. Mặt trời dần khuất sau những dãy núi, cơn gió cuối năm rít từng cơn. Những người đàn ông nằm vắt vẻo bên hàng cao su co ro trong cái lạnh.

Ngả lưng sau một ngày dài ròng rã trên đường, anh Nguyễn Văn Tuấn (45 tuổi, trú tại huyện Tuy An, Phú Yên) chia sẻ, nhiều lúc bản thân cảm thấy buồn và tủi thân. Bởi nghề của các anh chủ yếu toàn người nghèo làm. Những người khác làm ban ngày rồi tối nghỉ ngơi. Khoảng thời gian các anh chật vật kiếm đồng tiền tiêu Tết thì mọi người đang chìm vào giấc ngủ. Ngay cả chỗ ăn, ở của các anh cũng tạm bợ, mùa đông thì lạnh tê tái.

Khi màn đêm bao phủ là lúc đoàn hơn chục người kéo nhau ra ruộng dưa. Với chiếc đèn pin le lói trên đầu, họ mò mẫm trong màn đêm, hái những trái dưa căng tròn chất vào sọt để đưa về điểm tập kết.

Nhẹ nhàng đặt trái dưa vào sọt, anh Nguyễn Văn Tình (48 tuổi, huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết, nghề này ngoài sức khỏe cũng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi nếu không sẽ làm dưa bị bể. Nếu dưa bị hư ít chủ vườn không bắt đền nhưng lần sau sẽ không được thuê nữa.

“Hai sọt dưa này nặng khoảng 70 – 80 kg. Ban đầu mới gánh tôi chưa quen, trời lại tối nên bị trượt chân té ngã. May mắn chỉ bị trầy sước nhẹ, khi đó bản thân chỉ sợ bể dưa, chủ vườn bắt đền thì coi như mất Tết. Làm một thời gian tôi cũng quen dần, cố gắng gánh nhanh và cẩn thận để có thể nghỉ ngơi sớm.

Đến nay, tôi đã có thâm niên hơn 20 năm gánh dưa thuê nên được anh em bầu làm trưởng đoàn. Mỗi khi có ai cần, tôi lại tập trung mọi người lại rồi vượt quãng đường hơn 200km lên các tỉnh Tây Nguyên để gánh dưa. Chứ cận Tết ở quê cũng chẳng có việc gì làm. Chúng tôi đi xa, làm vất vả tí nhưng bù lại gia đình có cái Tết đủ đầy hơn”, anh Tình tâm sự.

Dưới màn đêm tĩnh mịch, người hái dưa, tốp gom lại gánh đến điểm tập kết. Mọi người phối hợp đều đặn, thoăn thoắt với nhau. Trời về sáng, đoàn người cũng từ vườn dưa mệt mỏi trở về hàng cây cao su. Mỗi người treo cho mình một chiếc võng lên hàng cây, rồi đặt lưng nghỉ. Phía xa xa vọng lại tiếng ếch nhái và côn trùng kêu râm ran.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.