Vì cuộc sống mưu sinh, họ lên miền biên viễn xa xôi công tác, để rồi yêu thương đám trẻ và đồng bào vùng cao lúc nào cũng chẳng hay. Họ cùng nhau nguyện gắn bó, dựng xây mảnh đất này...
Chẳng được gặp bố lần cuối...
Rời trường đại học, chàng trai trẻ Hà Trung Thành (sinh năm 1985) phiêu bạt khắp nơi ở Hà Nội để tìm việc làm. Duyên số đưa đẩy, năm 2007, bố mẹ Thành kết nối và làm đơn xin cho anh lên Điện Biên công tác theo đúng chuyên ngành đào tạo.
“Bố mẹ nói ở trên đó thiếu giáo viên, lên mới có cơ hội theo nghề. Nghe nói, từ trung tâm vào đến trường chỉ chừng 20km, ai ngờ khi hai bố con đi, cứ hun hút đường rừng. Hỏi ra mới biết, Mường Nhé cách trung tâm thành phố 200km”, thầy Thành vừa cười vừa nhớ lại.
Tháng 10/2007, khi vào nhận công tác, thầy Thành được phân công dạy tại Trường Tiểu học Mường Toong số 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Sau chia tách địa giới hành chính, ngôi trường này đổi tên thành Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, thuộc xã Huổi Lếch ngày nay. Huổi Lếch và Pá Mỳ cho đến nay vẫn là 2 xã thuộc diện khó khăn nhất huyện.
Vào trường, những ngày đầu với con số “0” tròn trĩnh. Không điện, không đường, không sóng điện thoại... thanh niên quê “đất Tổ” chỉ biết ôm mặt khóc vì nhớ nhà. “Mấy đêm đầu, tôi khóc suốt. Rồi bạn bè đồng nghiệp động viên cũng thành quen. Bố mẹ còn bảo: “Nếu khổ quá thì về nhà làm công việc khác!”. Tôi cứ dạ, vâng cho ông bà yên tâm, còn mình thì cứ giảng dạy. Thế rồi cuốn mình theo công việc, bản thân thích đám trẻ và yêu nghề từ lúc nào cũng chẳng biết. Dần dần chẳng muốn trở về nữa”, thầy Thành tâm sự.
Trong dịp hè được về thăm quê, thầy Thành quen rồi đem lòng yêu thương cô gái trẻ Phùng Thị Huyền, cùng quê Tân Sơn (Phú Thọ). Năm 2011, hai người “góp gạo thổi cơm”, cùng lên Mường Nhé. Năm 2015, cô Huyền lên nhận công tác, được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non Huổi Lếch. Sinh sống và làm việc tại Mường Nhé được 4 năm, năm 2018, cô Huyền cùng hai con nhỏ có nguyện vọng chuyển về quê Phú Thọ công tác để tiện chăm sóc bố mẹ đã tuổi cao, sức yếu.
“Mấy năm dịch bệnh, Tết mới về thăm con. Năm ngoái dù được nghỉ hè song còn một số công việc muốn làm nốt để về cho yên tâm. Khi đi được nửa đường, nghe tin bố ốm, về đến nhà đã liệm rồi, thành ra chẳng được nhìn mặt bố lần cuối”, thầy Thành nghẹn ngào kể.
Là giáo viên Mỹ thuật, thầy Thành còn được giao làm công tác điều tra phổ cập kiêm Tổng phụ trách Đội của trường. Thế nên, việc này chưa xong, việc khác lại đến. Công việc nhiều, điều kiện làm việc dù cải thiện nhưng còn không ít khó khăn so với vùng thuận lợi song thầy Thành xác định sẽ ở lại đây công tác cho đến khi nghỉ hưu.
“Bà con ở đây tốt lắm, sống tình cảm. Sáng sớm giáo viên ra tập thể dục, thấy bà con mang thóc ra giã, chúng tôi đến vừa là thể dục, vừa hỗ trợ để bà con dành thời gian làm việc khác. Mỗi lần giã xong cối gạo, bà con bớt lại một phần như trả công cho thầy”, thầy Thành kể.
Chữ hiếu chưa tròn
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Sơn (Phú Thọ), năm 2007, cô Trần Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương lên Lai Châu lập nghiệp.
Thân gái một mình nơi sơn cốc, cô Dung không thể quên được những đêm dài dằng dặc. Cả điểm trường nơi cô dạy chìm trong hoang sơ, tĩnh lặng. Nỗi sợ hãi không tên giữa mưa rừng, gió núi khiến nhiều đêm cô không thể chợp mắt. Nhớ nhà, nhớ người thân, đêm về cô lại lăm lăm trên tay chiếc điện thoại ngoài vùng phủ sóng, chui vào chăn xem lại ảnh kỷ niệm với bạn bè, bố mẹ. Cũng có khi lại nghe nhạc cho bớt cô quạnh.
“Nhiều lúc ốm, mệt chỉ muốn được bố mẹ vỗ về như hồi còn nhỏ. Mỗi lúc buồn, tôi lại bấm máy gọi về để tâm sự với mẹ, nhưng chẳng được vì không có sóng. Thế nên cứ phải đợi hôm nào thời tiết đẹp, chạy đi hứng được sóng là gọi. Chứ không thì quanh năm chỉ nghe tiếng suối chảy, thú rừng kêu, buồn lắm!”, cô Dung tâm sự.
Trường Mầm non Nậm Chà có gần 30 cán bộ giáo viên, phần lớn là người dưới xuôi lên gieo chữ. Xa gia đình, xa người thân. Trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, làm con… giờ đây các cô chưa thể vẹn toàn, bởi vẫn còn nhiều trẻ em dân tộc đang khát chữ. Bởi thế, ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, các cô vẫn thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình, thầm lặng cống hiến cho giáo dục vùng cao.
Còn nhớ, có lần may mắn được cùng cô Dung rong ruổi trên con “ngựa sắt” đi thăm một vài điểm trường ở các bản nghèo. Có những điểm bản chỉ hun hút phía sau những cánh rừng già. Bóng đêm buông xuống, trên đường trở về điểm trường trung tâm, chú “ngựa sắt” chở 2 chúng tôi cứ gầm rú liên hồi, phanh kêu kin kít vì liên tục phải tụt dốc để xuống chân núi. Cô Dung không một chút biến sắc với mỗi tình huống nguy hiểm bởi đã quá quen cung đường này.
Vừa đi, cô vừa kể về câu chuyện của những giáo viên cắm bản. Cô kể cả những chuyện mà bản thân đã trải qua. Có lẽ, đến bây giờ cô vẫn chưa thể quên được thời khắc mà người cha già nơi quê nhà trút hơi thở cuối cùng. Đó cũng là lúc ở trên biên giới, cô Dung đối diện với muôn vàn khó khăn. Gia đình muốn liên lạc phải gọi bằng máy cố định lên trường, rồi trường lại nhắn bằng lời nhờ dân bản đi ngựa đến điểm trường để báo tin. Vì thế, tin từ khi truyền đi đến khi tiếp nhận được cũng mất vài ba ngày dù chỉ là từ huyện đến xã.
“Nhận được tin từ gia đình báo lên “Con phải về Phú Thọ ngay, bố đang ốm”. Mất hai ngày nữa di chuyển về quê, khi đó bố đã mất được ba ngày. Tôi chỉ biết ra mộ bố, ôm đống đất mới đắp lên rồi khóc không thành tiếng, trách bản thân đã bất hiếu với bố lúc tuổi già”, cô Dung ngậm ngùi nói.