Những 'ngọn hải đăng' gieo ánh sáng hy vọng

GD&TĐ - Đỗ Hà Cừ là minh chứng sống động cho câu nói ‘Khuyết tật không phải là rào cản, mà chính là sức mạnh tiềm ẩn’...

Không gian đọc hy vọng gần một thập kỷ của Đỗ Hà Cừ.
Không gian đọc hy vọng gần một thập kỷ của Đỗ Hà Cừ.

Như thân cây ưa sáng, kiêu hùng chẳng chịu khuất phục, lay chuyển trước bão táp mưa sa, nhiều trường hợp trong dòng chảy cuộc sống vẫn âm thầm viết nên câu chuyện đầy cảm hứng bằng chính nghị lực phi thường và khát vọng vươn lên của mình.

Gieo mầm niềm tin

Sau những ngày mưa trắng trời biên viễn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai lại tinh tươm trong nắng mới, đẹp như một đóa hoa đa sắc bởi màu ngói, màu tôn lợp trên những mái nhà khang trang, ẩn hiện sau cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm.

Năm học mới đã hơn một tháng rồi, nhưng cô giáo tiếng Anh Ngô Xa Mạ, thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) chẳng mấy lúc được thảnh thơi. Cô Mạ dáng cao, dễ gần, hồn nhiên với cái miệng như lúc nào cũng chực cười đặt dưới đôi mắt trong veo như nước suối. Tuổi thơ của cô là chuỗi ngày tập đứng, tập đi bằng đôi chân không lành lặn. Rồi bằng nghị lực của mình, cô đã học hết THPT và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Giờ Mạ mang tri thức đến với trò nghèo vùng cao.

Ở nữ giáo viên trẻ này, ngoài tâm huyết với con chữ nơi “tiếng phổ thông các em còn ngọng nghịu”, đầy lam lũ, còn chất chứa một nội lực phi thường. Ngô Xa Mạ can đảm vượt qua định kiến hủ tục để cởi bỏ xiềng xích, trói buộc, giam hãm bao trai gái người dân tộc với vấn nạn tảo hôn. Việc trẻ phải “ra đời” kiếm tiền sớm mà không được biết mặt chữ đã thôi thúc Mạ quyết tâm theo đuổi mục tiêu đặt ra.

“Những niềm vui trong từng giờ lên lớp cùng các em học trò người Mông, Dao đã xoa dịu đi mặc cảm của tôi về khuyết tật bẩm sinh”, cô Mạ chia sẻ.

Do đôi chân đi lại khó khăn không cho phép Mạ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nên cô dành hết tâm huyết vào việc chuẩn bị những bài giảng cho học trò. Cũng vì lý do đó, các tiết học ngoại ngữ của cô Mạ không còn là nỗi lo lắng mà trở thành niềm vui mong chờ của bao thế hệ học sinh.

Tại quê hương của cô giáo Ngô Xa Mạ không có nhiều thanh niên theo đuổi con đường học tập. Vượt lên khiếm khuyết của bản thân để học được cái chữ, cô gái người Phù Lá đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo, gieo tình yêu ngoại ngữ và chỉ điểm “sống mới” cho rất nhiều lớp mầm trẻ.

Sách và “cuộc chiến” lớn hơn

Nhắc đến câu chuyện về những số phận vượt lên nghịch cảnh, chàng trai Đỗ Hà Cừ (SN 1984) hiện sinh sống ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình (Thái Bình) cũng là nguồn cảm hứng không kém cạnh cho câu chuyện “trao đi” những tia sáng hy vọng.

Sinh ra trong một gia đình đã không mấy khá giả, mắc bệnh hiểm nghèo từ di chứng chất độc màu da cam, đã khiến tuổi thơ của Đỗ Hà Cừ không được êm đẹp như bao thanh niên khác. Anh chia sẻ, mỗi sáng thức dậy anh đánh vật với việc xoay mình, đợi chờ người thân hỗ trợ từ giường xuống đất, rồi nhích dần lên xe lăn.

Mọi hoạt động thường nhật từ đánh răng đến ăn uống cũng cần phải có người giúp đỡ vì anh chỉ có một ngón tay dùng được. Cứ như thế, việc đi lại của anh diễn ra khó khăn, vất vả. Khổ nhất là khi trái gió, trở trời, cơ thể nhói đau, quặn thắt dữ dội...

Trong những năm tháng tập thích nghi với cuộc sống “hiện đại”, anh Cừ đã nghĩ có thể làm được gì với một cơ thể đầy khiếm khuyết như thế này? Nhưng trong lúc khốn cùng nhất, chàng trai trẻ đã tìm thấy sức mạnh vô hình. Sức mạnh ấy đến từ sự giúp sức và tình yêu thương từ người thân trong gia đình.

Khả năng cầm bút bị hạn chế, nhưng Đỗ Hà Cừ không cho phép điều đó trở thành rào cản ngăn anh tiếp cận tri thức. Với lòng kiên trì và ý chí sắt đá, anh đã cố tập giở từng trang, sử dụng voice chat và không ngừng học hỏi từ mọi người.

Tháng ngày chăm chỉ ấy không chỉ mang đến cho anh con chữ, mà còn là niềm tin rằng cuộc đời này vẫn mở ra nhiều cơ hội cho bất kỳ ai, bất kể hoàn cảnh có khắc nghiệt thế nào. Chính cái yêu “nguồn sống trí tuệ” của chàng trai Đỗ Hà Cừ đã thôi thúc anh quyết tâm mở kho sách và xây dựng Câu lạc bộ Không gian đọc hy vọng tại chính quê nhà của mình.

Giá sách của anh Cừ được nhiều người biết đến bởi sự đa dạng với số lượng lên tới 5.000 cuốn. Câu lạc bộ này là nơi mà anh và những người có cùng đam mê chia sẻ “kho báu thông tin”, lan tỏa văn hóa đọc thông qua xây dựng các tuyến sách và tủ sách trên khắp mọi miền.

Sự tồn tại và phát triển của Không gian đọc hy vọng trong gần một thập kỷ là minh chứng cho sức mạnh cộng đồng mà anh Cừ đã gây dựng. Đây là nơi không chỉ để sẻ chia, mà còn là nơi mọi người tìm thấy niềm vui, sự an ủi và những bài học quý giá.

Chị Lê Huyền Trang, thành viên của Câu lạc bộ Không gian đọc hy vọng chia sẻ rằng, từ khi tham gia, chị đã học được rất nhiều điều, không chỉ về kiến thức, mà còn về nghị lực sống, sự lạc quan và cách nhìn cuộc đời với đôi mắt tích cực.

Cừ như một ngọn đèn hải đăng dẫn lối cho cộng đồng người có hoàn cảnh kém may mắn, là tấm gương sáng về thái độ sống tích cực. Hành trình truyền cảm hứng đã giúp Cừ nhận được nhiều phần thưởng, bằng khen cao quý của Đảng, ban, ngành, đoàn thể.

“Đỗ Hà Cừ là minh chứng sống động cho câu nói ‘Khuyết tật không phải là rào cản, mà chính là sức mạnh tiềm ẩn’. Từ một người gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống, anh đã vươn lên để không chỉ gieo mầm hy vọng cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.

Cuộc đời anh chính là bài học về sự kiên trì, nghị lực, và tinh thần vượt lên số phận mạnh mẽ - một câu chuyện mà ai cũng nên biết, để thêm yêu và trân trọng cuộc sống này”, chị Lê Huyền Trang - thành viên của Câu lạc bộ Không gian đọc hy vọng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảm biến đo độ ngọt của xoài

GD&TĐ - Dựa trên cảm biến đo bước sóng, không cần tác động vào trái xoài, các nhà khoa học vẫn đo được lượng đường, nước, để đánh giá chất lượng trái cây.

Võ Quang Phú Đức - Trường THPT chuyên Quốc học Huế giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2024. Ảnh: VTV

Vì sao miền Trung nhiều quán quân Olympia?

GD&TĐ - Xét về số quán quân, 18 địa phương có quán quân Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 3 nhà vô địch...

Ảnh minh họa.

Café chủ nhật: Học cách lắng nghe

GD&TĐ - Lắng nghe không chỉ giản đơn là thái độ ứng xử văn minh, văn hóa của một người. Lắng nghe còn là để thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ người khác.