Người thầy gieo ánh sáng

Người thầy gieo ánh sáng

(GD&TĐ) - Lớp học chỉ có 10 HS nên nghe rất rõ tiếng giảng bài của GV và những âm thanh rất lạ từ phía bàn HS. Không có phấn trắng bảng đen nhưng vẫn có rất nhiều hình vẽ hiện lên trên tấm bảng mà cả lớp đang dùng. Đó là tiết học“có một không hai” của thầy Nguyễn Quyết Thắng - GV dạy toán Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Đang học lớp 8 trường làng, đôi mắt của cậu học trò Trường THCS Hà Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bỗng nhiên bị mờ dần. Mỗi lần cầm sách đọc, Thắng cảm thấy như những con chữ đang nhảy múa quay cuồng trước mắt rồi sau đó không nhìn thấy gì hết. Chỉ vài tháng sau, bóng tối cứ len dần vào đôi mắt và con đường đến trường của Thắng đã bị số phận nghiệt ngã chặn lối. Một năm sau, bố mẹ đưa Thắng vào TP.HCM gửi vào Mái ấm Huynh đệ nhân nghĩa thuộc huyện Bình Chánh. Từ đây, sống trong bóng tối nhưng em được đón nhận nhiều ánh sáng tri thức từ lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị. Thắng coi đây là ngôi nhà đầu tiên, khi em bất đầu bước vào thế giới của màn đêm. Dù sau này được về học Trường Nguyễn Đình Chiểu có đủ điều kiện hơn nhưng trong tận đáy lòng, Thắng vẫn không quên tổ ấm đầu tiên ở một huyện ngoại thành đã mở rộng vòng tay vỗ về và cưu mang những đứa trẻ thiếu may mắn trong cuộc đời này. Khi vào Trường THCS Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh học lớp hòa nhập, trong lúc các bạn khác thích các môn xã hội thì Thắng đã rất mê môn toán.

Lên lớp 10, Thắng càng thích thú hơn khi được “tiếp cận” với môn triết học. Tuy không phải là “anh em họ hàng” nhưng cậu học trò khiếm thị cảm thấy giữa toán và triết học cũng có mối quan hệ với nhau rất gần gũi. Đó là phép quy luật biện chứng, là sự bất biến giữa các cặp phạm trù và cả tính ứng dụng hữu ích trong cuộc sống giữa 2 bộ môn có vẻ như chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhất là sau này khi được làm quen với hình học không gian, Thắng như bị ma lực của môn toán lôi kéo vào thế giới hình khối đầy hấp dẫn và mặc sức tưởng tượng. Mỗi khi nghe thầy cô đọc giả thiết trong đề bài là trong đầu cậu học trò mù hiện rõ mồn một những hình tròn, đường thẳng, hình chóp, khối vuông… giống như có một màn hình 3D đang hiện ra trước mặt. Thế nhưng theo Thắng, để có được niềm đam mê và duyên nợ như hôm nay không thể không kể đến công lao của các thầy cô bộ môn đã dìu dắt cậu học trò từ hồi mới biết đếm từng con số trên đầu ngón tay.

Người thầy gieo ánh sáng ảnh 1
 

Yêu thích đến say mê nên sau 3 năm học ở trường phổ thông, Nguyễn Quyết Thắng quyết định đi theo môn học công cụ này. Và ước mơ đã chắp cánh khi Thắng được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng vào học Khoa Toán - Tin. Nguyễn Quyết Thắng là SV khiếm thị đầu tiên theo học khoa này, trước đó chưa có một ai dám bước chân vào. Chính vì thế, biết bao khó khăn đã đến với cậu. SGK chữ nổi không có, tài liệu tham khảo cũng không. Thắng phải sắm một chiếc máy ghi âm để làm bạn. Nhờ về nhà nghe lại băng ghi âm các bài giảng trên lớp của thầy mà Thắng đã hiểu kỹ hơn các định lý, khái niệm và cách giải bài tập… Đến năm thứ hai Thắng đã gia nhập vào nhóm học tập có rất đông thành viên.

Là một người kém may mắn nhưng Thắng không ngờ mỗi bước chân em đi giữa cuộc đời có biết bao nhiêu tình thương yêu nâng đỡ và dìu dắt như chính người thân trong một gia đình. Đồng hành với Thắng trong suốt 4 năm học còn có Quỹ học bổng khuyến tài của Hội khuyến học TP.HCM mà người giúp đỡ chính là Hội phu nhân Tổng lãnh sự quán TP.HCM.

Tuy công việc đã tạm ổn định, nguyện vọng được dạy toán cho trẻ khiếm thị đã được thành sự thật nhưng thầy giáo Nguyễn Quyết Thắng vẫn “tự đốt cháy mình” bằng những hoài bão lớn lao như: được tiếp tục học lên nữa không chỉ để tự khẳng định bản thân mà giảm bớt gánh nặng cho gia đình khi ở nhà cha mẹ còn nuôi tiếp 2 đứa em mù lòa còn đi học. Thắng cũng đang vẽ tương lai của mình bằng hình ảnh đầy tính nhân bản: một thầy giáo sáng đi dạy chữ chiều còn thời gian bắt tay làm công tác xã hội không ngoài mục đích hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Nếu được tự mình mở một trung tâm dạy nghề vì theo Thắng nhiều em dù đã được đến trường nhưng học xong vẫn chưa có nghề nghiệp, phải sống phụ thuộc vào cộng đồng. Tôi thật bất ngờ khi biết Thắng vẫn phải đi xe buýt gần cả chục cây số để đến trường dạy học. Thì ra Thắng ở trọ ở tuốt huyện Bình Tân chỉ vì mục đích duy nhất là để có thêm cơ hội và thời gian giúp các em trong cơ sở Huynh đệ nhân nghĩa theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Nguyễn Dung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ