7. Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa
Từ năm 1921, những người cộng sản ở các nước Đông Dương và thuộc địa được cử sang học tập ở Liên Xô thường học trong một ban đặc biệt của Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông (tiếng Nga viết tắt là KYTB).
Đến năm 1932, Ban này tách ra thành Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (tiếng Nga viết tắt là NINKP, đọc là Ninkapê), trực thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa có địa chỉ tại số nhà 25, đại lộ Tvécxkaia, Mátxcơva.
Khoảng mùa thu năm 1936, trong khi chờ đợi thời cơ về nước, Nguyễn Ái Quốc vào nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tại đây, Người vừa giảng dạy vừa tranh thủ học tập để nâng cao trình độ lý luận của mình.
Danh sách giảng viên theo bộ môn cho quý I - IV năm 1937, của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Lin - Nguyễn Ái Quốc, với số giờ dạy là 120, dạy bằng tiếng Pháp. Đồng chí Lin cũng có tên trong danh sách giáo viên và cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, lập tháng 1 năm 19371.
Bản sao Kế hoạch công tác của Phòng Đông Dương, năm 1937, được đồng chí P.A.Miph, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa phê duyệt ngày 25/1/1937, trong đó có Lin- Nguyễn Ái Quốc được phân công chuẩn bị một cuốn sách phổ thông về: Tình hình nông dân ở Đông Dương2.
Cuối năm 1936, Người trúng tuyển lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tổ chức, nhằm đào tạo giảng viên có trình độ cao cho Viện. Danh sách Nghiên cứu sinh năm 1937-1938 của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (tính đến ngày 17 tháng 11) có Lin- Nguyễn Ái Quốc (số thứ tự 12), năm thứ nhất.
Bảng điểm của Nghiên cứu sinh Lin, học kì I và II, năm học 1937-1938 đạt kết quả tất cả các môn, trong đó có môn đạt điểm xuất sắc3. Nhà báo Hồng Hà cho biết Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tài liệu để viết luận án về đề tài “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”.
Trong thời gian học tập và nghiên cứu tại Viện, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được về nước hoạt động. Đã có lần đề đạt của Người được đưa ra bàn ở bộ phận tổ chức, cán bộ của Viện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các đề đạt đó không được đáp ứng.
Tháng 7 năm 1937, phát xít Nhật chiếm đóng Bắc Kinh, Thượng Hải, Hoa Trung… tình trạng chiến tranh ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng trở nên hiện hữu. Trước tình hình ấy, Nguyễn Ái Quốc không thể yên tâm ngồi học hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh… Ngày 6/6/1938, Người ký tên LIN gửi thư cho Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh của mình và bày tỏ nguyện vọng về nước hoạt động.
Ngày 8/6/1938, Phòng Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản có công văn gửi Tổng Bí thư Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản Đimitơrốp đề nghị giải quyết dứt điểm cho đồng chí Lin về nước công tác. Đích thân Tổng Bí thư Đimitơrốp và đồng chí Manuinxki, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, đã trực tiếp bút phê đồng ý với đề xuất này4. Ngày 29/9/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Thời gian học tập tại Trường Quốc tế Lênin (1934-1935) và Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (1936-1938) đối với Nguyễn Ái Quốc có lẽ là bất đắc dĩ, song với thái độ cầu thị và tôn trọng tổ chức, Nguyễn Ái Quốc đã học tập, nghiên cứu nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm.
Kết quả giảng dạy và học tập của Người đã minh chứng điều đó. Trong thời gian học tập này, Người đã được nâng cao kiến thức về chủ nghĩa Mác- Lênin ở một cấp độ cao hơn, tạo một nền tảng vững chắc về lý luận cho Nguyễn Ái Quốc, để từ đó Người vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện thực tế của Việt Nam, từng bước xây dựng và hoàn thiện lực lượng cách mạng, đưa cuộc đấu tranh của đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
---------------
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, Sđd, tr. 124, 125.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, Sđd, tr. 126.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, Sđd, tr. 129.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, Sđd, tr. 132.