Tuy thời gian học tập tại các trường học không nhiều, nhưng bằng trí tuệ anh minh, một tinh thần ham học hỏi và khả năng tự học thiên tài, những kiến thức được cung cấp tại các trường học luôn được Người tiếp thu một cách tối đa và vận dụng sáng tạo vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Ngay từ khi còn nhỏ, cha Người là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sớm nhận thấy tài năng và chí hướng của người con trai thứ nên Cụ luôn tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc được học tập một cách đầy đủ.
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã theo học tại 4 trường: Trường Tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh, Trường tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên, Trường Quốc học Huế và Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn.
Sau khi ra đi tìm đường cứu nước, trở thành một chiến sĩ cộng sản, Người đã ba lần được học trong các ngôi trường của Quốc tế Cộng sản đó là: Trường đại học Phương Đông, Trường Quốc tế Lênin và Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số thông tin về các ngôi trường này cũng như những hoạt động chính của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tại đó.
1. Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh
Tháng 9-1905, thực hiện Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, loại trường Pháp - bản xứ (École franco-indigène) được mở tại Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị (Cours préparatoire). Chương trình học nặng về tiếng Pháp, chỉ có một số ít giờ học chữ Hán.
Ngay khi trường mới được thành lập, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nhìn thấy dòng chữ “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Đối với Nguyễn Tất Thành, đó là những điều hoàn toàn mới lạ, vì vậy, rất tự nhiên, anh nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Tuy nhiên, chưa hết năm học, khoảng cuối tháng 4-1906, Nguyễn Tất Thành dừng học ở trường Pháp - bản xứ tại thành phố Vinh để cùng cha lên đường vào Huế khi ông Nguyễn Sinh Huy vào nhận chức quan sau nhiều lần lữa việc.
2. Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên
Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba) được thành lập năm 1905, trên nền Đình chợ Đông Ba cũ, lúc đầu trường có tên “Thừa Thiên Pháp - Việt trường”. Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Trường dạy cả ba thứ chữ: Chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
Tháng 5-1906, ông Nguyễn Sinh Huy vào kinh đô nhận chức. Nguyễn Tất Thành cùng với anh trai được cha cho đi học Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị (cours préparatoire, tháng 9-1906), lớp sơ đẳng (cours élémentaire, tháng 9-1907). Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn thường xuyên nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc mở mang kiến thức, hiểu biết.
Ngoài những kiến thức được học tại trường, những sự kiện chính trị mới cũng có tác động rất lớn người thanh niên trẻ Nguyễn Sinh Côn. Ngày 15-8-1906, Phan Châu Trinh gửi một bản điều trần cho Toàn quyền Đông Dương Paul Beau tố cáo chính sách cai trị tàn bạo của Pháp và sự bất lực của quan lại Nam triều, yêu cầu thực hiện những chính sách cải cách dân chủ.
Tháng 3-1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được mở ra tại Hà Nội, truyền bá nhiều tư tưởng mới tiến bộ, cổ động cho phong trào cải cách dân chủ theo kiểu các nước phương Tây. Tháng 4-1908, kinh đô Huế xôn xáo, náo động vì sự kiện: Do bị mất mùa liên tiếp 3 năm, nông dân sáu huyện của tỉnh Thừa Thiên kéo nhau về kinh thành, bà con vây quanh tòa Khâm sứ ở cầu Tràng Tiền để đòi giảm sưu, giảm thuế.
Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành khi đó đang học gần cuối năm học sơ đẳng tại trường Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên cũng tham gia những cuộc biểu tình này, khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì quyền lợi của nhân dân lao động. Vì những hoạt động yêu nước đầu tiên này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bị thực dân Pháp để ý theo dõi.
3. Trường Quốc học Huế
Trường Quốc học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành học tập trong những năm 1907-1908
Trường Quốc học Huế được thành lập theo Nghị định ngày 18-11-1896 do Toàn quyền Đông Dương A.Rousseau ký. Trường Quốc học được lập ra nhằm đào tạo một lớp công chức mới, vì vậy ngay tại Điều 1 của Nghị định đã quy định rõ: “Nay thiết lập tại Huế, do Chính phủ Nam triều chủ trương, một học đường lấy tên là Quốc học (Quốc gia học đường).
Trường này sẽ đặt dưới quyền kiểm khán của ông Khâm sứ Trung kỳ. Pháp văn sẽ chiếm phần lốn trong chương trình dạy, tuy Hán văn vẫn được chú ý để cho các học sinh sẽ vào ngành quan lại có thể dùng đồng thời hai thứ chữ”.
Điều 3 của Nghị định quy định về tuổi: “Ngoài học sinh trường Quốc Tử Giám và Trường Hành Nhơn cũ, không một học sinh nào được nhận vào Trường Quốc học nếu chưa đủ 15 tuổi và quá 20 tuổi trừ trường hợp riêng ghi ở Điều 6”. Là một loại trường đặc biệt, nên đối tượng được chọn vào trường Quốc học được nêu trong Điều 4 như sau:
“Được nhận vào Trường Quốc học:
1. Các công tử con hoàng thân.
2. Các tôn sinh con cháu các chi nhánh trong hoàng gia.
3. Các ấm tử hoặc những con quan mà được hưởng đặc quyền.
4. Học sinh trường Hành Nhơn và học sinh trường Quốc Tử Giám.
Các học sinh trên đều được Chính phủ Nam triều phụ cấp theo thể lệ đinh.
Điều 5 của Nghị định còn ghi rõ: “Có thể được nhận để theo học các khóa dạy ở Trường Quốc học những thanh niên bản xứ muốn theo đuổi học vấn và được nhìn nhận sau một kỳ khảo thí là đủ trình độ Hán học để theo dõi các khóa học”. Theo hồi ức của một số cựu học sinh Trường Quốc học, thì trường có 4 lớp: Lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất.
Tuy bắt đầu bị thực dân Pháp theo dõi, song tháng 8-1908, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Sinh Côn vẫn được ông Hiệu trưởng Quốc học Chouquet tiếp nhận vào học tại trường. Tháng 9-1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (lớp nhì) (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế. Trong thời gian học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc nhiều với sách báo Pháp.
Các thầy giáo của Trường Quốc học Huế có cả người Pháp và người Việt Nam, trong đó có những người yêu nước như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến. Chính nhờ ảnh hưởng của những người thầy giáo yêu nước, có tư tưởng tiến bộ đó mà ý muốn sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước hình thành và lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
Năm Nguyễn Tất Thành vào trường Quốc học cũng là thời kỳ mà Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã thức tỉnh một số không nhỏ những người có học.
Đất Thừa Thiên cũng dấy lên các phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cả cuộc vận động cắt tóc ngắn. Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào cắt tóc ấy. Sau này, có lần Người kể lại, ngoài giờ học, Bác cũng cầm kéo ra chợ, vận động đồng bào cắt tóc, vừa cắt tóc giúp đồng bào vừa đọc bài vè cổ động cắt tóc:
Tay trái cầm lược
Tay phải cầm kéo,
Cúp hề, cúp hề!
Bỏ cái ngu này,
Bỏ cái dại này,
Cúp hề, cúp hề.
Tuy thời điểm này vốn tiếng Pháp còn ít ỏi, nhưng Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp, bao gồm cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp.
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6-1909, Nguyễn Sinh Huy có mặt ở Bình Định để chấm thi, sau đó được bổ nhiệm chức đồng tri phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê. Cùng năm đó, Nguyễn Tất Thành cũng rời Trường Quốc học, theo cha vào Bình Định.
4. Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn
Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn cũng được thành lâp theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương về việc thiết lập tại tỉnh lỵ các tỉnh trên toàn cõi Việt Nam loại trường Pháp - bản xứ được từ năm 1905.
Năm 1909, Nguyễn Tất Thành đến Bình Khê. Ông Nguyễn Sinh Huy hiểu được chí hướng và khả năng của người con trai thứ nên đã gửi Nguyễn Tất Thành học tiếp chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur) với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (Ông là thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó đang là trợ giáo hạng nhì (instituteur auxiliaire 2e classe) của Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
Không lâu sau đó, tháng 1-1910, Nguyễn Tất Thành nhận được một tin không vui, đó là ông Nguyễn Sinh Huy bị “triệt hồi” chức tri huyện Bình Khê, bị triều đình gọi trở về kinh đô để xem xét. Cha của Nguyễn Tất Thành (ông Nguyễn Sinh Huy) và anh trai của Người (Nguyễn Sinh Khiêm) trở về Huế.
Với sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình tiểu học vào khoảng tháng 6-1910. Trước biến cố mới của gia đình, Nguyễn Tất Thành quyết định không theo Cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam.
(còn nữa)