5. Trường Đại học Lao động cộng sản phương Đông
Trụ sở chính của Trường được đặt tại thành phố Mátxcơva và trực thuộc Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Ngoài trụ sở chính, Trường còn có các phân hiệu ở Baku (Azerbaijan), ở Irkutsk và Tashkent (Uzbekistan). Nhiệm vụ của trường đã được xác định cụ thể trong thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga về việc thành lập Đại học Phương Đông: “Nhằm mục đích đào tạo cán bộ đảng và cán bộ Xô Viết cho các nước cộng hòa liên bang và các nước cộng hòa tự trị, các công xã lao động và các dân tộc thiểu số, tại Mátxcơva đã thành lập Đại học phương Đông - trực thuộc Bộ Dân ủy giáo dục quốc dân1”. Ngày 21 tháng 10 năm 1921, Trường đã chính thức mở cửa đón sinh viên vào học tập và nghiên cứu.
Do chú trọng đào tạo cán bộ cộng sản và phong trào cách mạng ở phương Đông, nên chương trình học của Trường rất quan tâm đến những vấn đề lý luận chủ nghĩa cộng sản và thực tiễn đang diễn ra ở châu Âu cũng như châu Á khi đó.
Trường dạy bằng 7 ngôn ngữ khác nhau: Tiếng Nga, Pháp, Trung, Anh, Nhật, Triều Tiên và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài học ngoại ngữ, các sinh viên còn được học một cách có hệ thống các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Lớp học 3 năm: Năm thứ nhất học Kinh tế chính trị, lịch sử phong trào cách mạng thế giới, phong trào công đoàn, lịch sử Đảng Cộng sản Nga; Năm thứ hai học Chủ nghĩa duy vật lịch sử, lịch sử Quốc tế Cộng sản, kinh tế chính trị và xã hội Xô viết, chủ nghĩa Lênin; Năm thứ ba đi sâu vào vào các môn khoa học.
Trong gần 20 năm tồn tại, Trường Đại học Phương Đông đã đào tạo cho các nước phương Đông hàng ngàn cán bộ, trong đó có những người sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo có uy tín của các Đảng Cộng sản ở các nước.
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, nhưng vì Lênin ốm nặng, Đại hội hoãn họp nên Nguyễn Ái Quốc đã tham gia lớp học ngắn hạn của trường. Lần đầu tiên trong đời, Nguyễn Ái Quốc được thấy một trường học kiểu mới. Nhà trường được tổ chức theo chế độ tự quản, học viên tự bầu ra đại biểu của mình tham ga quản trị kinh tế và hành chính của trường, luân phiên nhau làm công việc phục vụ.
Nhà trường cung cấp cho học viên ăn mặc, hàng tháng học viên còn được lĩnh tiền tiêu vặt. Các học viên thuộc cùng một dân tộc hoặc cùng sử dụng quen một ngôn ngữ được ở chung, học tập chung để có điều kiện thông cảm, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Trường có một đội ngũ giáo sư giỏi, phụ trách dạy các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, lịch sử các cuộc cách mạng, lịch sử phong trào công nhân, duy vật lịch sử, kinh tế, chính trị học…
Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên vào học Trường Đại học Phương Đông. Người đã phát biểu về Trường: “Việc thành lập trường Đại học bônsêvích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc địa ở phương Đông và nhà trường đã dạy cho chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi - những người nô lệ, khả năng hoạt động chặt chẽ”.
Hàng năm, nhà trường đều tổ chức kỷ niệm thành lập, ngày 21-4-1924, Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự lễ kỷ niệm lần thứ ba ngày thành lập trường. Sau lễ kỷ niệm, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư cho Pêtơrốp, Bí thư Ban Phương Đông về những cảm nghĩ của mình về ngôi trường và đặt vấn đề: “Trường đại học này là một cái lò đào tạo những cán bộ tuyên truyền đầu tiên cho các nước phương Đông… Để cho công tác được dễ dàng, chúng ta đã lập nhóm Latinh, nhóm Ănglô-Xắcxông,v.v… vậy vì lẽ gì chúng ta lại không lập nhóm châu Á? Vậy tôi đề nghị là trước ngày các sinh viên tốt nghiệp lên đường và trước cuộc Đại hội thế giới, một Tiểu ban phương Đông sẽ được các đồng chí triệu tập để chuẩn bị việc thành lập nhóm châu Á đó”.
Trong thời gian học tập ở Trường Đại học phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã trao đổi với nhóm thanh niên Trung Quốc ở trường, tập hợp những tư liệu do họ cung cấp và viết thành cuốn sách Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc. Cuốn sách trình bày tình hình nước Trung Hoa đương đại và những nhiệm vụ chủ yếu của thanh niên Trung Quốc trong cách mạng dân tộc dân chủ.
Sau này, khi về hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và cử nhiều cán bộ Việt Nam và một số nước khác ở châu Á sang học tại Trường Đại học Phương Đông. Trong số những cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông, nhiều đồng chí sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Như vậy, đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được trực tiếp học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin một cách hệ thống- đó sẽ là hành trang rất quan trọng trong hành trình cứu nước của Người.
6. Trường Quốc tế Lênin
Trường Quốc tế Lênin do Quốc tế Cộng sản thành lập năm 1924. Đây là trường dành cho những người cộng sản nước ngoài, nhằm giúp đỡ các Đảng Cộng sản trong công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Chương trình đào tạo gồm đầy đủ các bộ môn lí luận cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, trong đó có những vấn đề về cách mạng vô sản, về vấn đề dân tộc thuộc địa, công tác xây dựng Đảng, công tác mặt trận, kinh nghiệm hoạt động bí mật… Phương pháp học tập chủ yếu là tự nghiên cứu và thảo luận, giảng viên giải đáp và bổ sung, sau đó học viên đi khảo sát thực tế.
Trường đặt trong một ngôi nhà 2 tầng, nguyên là biệt thự của một công tước Nga, mang biển số nhà 25, trên đường phố mang tên đồng chí Vôrốpxki – một người bạn chiến đấu của Lênin, thủ đô Mátxơcơva.
Tháng 7/1934, sau khi thoát khỏi nhà tù Víctoria của đế quốc Anh tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc về tới Liên Xô. Tháng 10-1934, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản bố trí học tại trường Quốc tế Lênin, năm học 1934-1935. Ban kiểm tra tư cách học viên ra quyết định: “Nhận đồng chí Lin (bí danh của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1934) thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương vào Trường Quốc tế Lênin, số hiệu 375, niên khóa 1934-1935”, kèm theo Quyết định số 45 do Phó Giám đốc trường là Lidốpxki và Chánh văn phòng Makinnhe ký.
Ban đầu Nguyễn Ái Quốc được xếp vào học với nhóm nói tiếng Trung Quốc, sau do thấy không phù hợp, Người chuyển sang nhóm tiếng Pháp. Kết hợp lý luận với thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhóm tiếng Pháp đi tìm hiểu về công tác xây dựng đảng ở nhà máy bánh kẹo “Tháng Mười đỏ”, tham quan các nông trường tập thể… Chính tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã có điều kiện đi sâu vào những vấn đề lý luận của cách mạng vô sản, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để suy nghĩ về con đường sắp tới của cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1935, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu hai đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn vào học lớp văn hóa - chính trị đặc biệt của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với các đồng chí mới đến, giúp đỡ để các đồng chí học tập có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, trong thời gian theo học tại trường, Nguyễn Ái Quốc cũng không quên trách nhiệm bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên đang công tác ở trong nước, để giúp các đồng chí nhanh chóng chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận, tránh được sai lầm cũng như tổn thất.
Kết thúc khóa học tại Trường Quốc tế Lênin, Nguyễn Ái Quốc nóng lòng trở về Tổ quốc, nắm thời cơ, thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước. Người đã vạch ra nhiều dự án, kế hoạch để lên đường, nhưng lại chưa nhận được sự đồng ý của Quốc tế cộng sản, vì vậy chuyến đi của Người bị hoãn lại.
Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên vào học Trường Đại học Phương Đông. Người đã phát biểu về Trường: “Việc thành lập trường Đại học bônsêvích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc địa ở phương Đông và nhà trường đã dạy cho chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi - những người nô lệ, khả năng hoạt động chặt chẽ”.
(Còn nữa)
-----------------
3 A. A. Xô cô lốp: Quốc tế Cộng sản và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.19.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 466, 468.