Có trình độ ngoại ngữ tốt, Cao Bảo Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ngôn ngữ tại University of Giessen, Đức, thường làm thêm công việc phiên dịch cho các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp của Việt Nam.
Phòng cabin nơi Ngọc đọc phiên dịch cho buổi hội thảo. Ảnh: NVCC. |
Ngọc vẫn chưa quên cảm giác hào hứng khi được mời phiên dịch cho đoàn doanh nghiệp cấp cao của Việt Nam trong chuyến thăm Đức tháng 11/2015. Vào phòng cabin với trang thiết bị chuyên nghiệp, nữ sinh có dịp vận dụng hết vốn từ vựng về kinh tế, xã hội của mình để cùng lúc phiên dịch cho cả 2 phía.
Cô cho biết, ở Frankfurt hay có hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam sang đây tìm đối tác thường thuê sinh viên người Việt phiên dịch và trợ giúp đoàn.
Trong khi đó, Châu Thanh Vũ, cựu sinh viên Đại học Princeton, Mỹ chọn trợ giảng và chấm bài cho sinh viên. Đây vốn là công việc dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhờ thành tích học tập xuất sắc nên Vũ được đặc cách nhận việc từ khi là sinh viên.
"Làm phục vụ ở quán ăn, lương chỉ khoảng 8 USD/giờ, còn giảng hay chấm bài như mình thường được trả tới 80 USD mỗi tuần, trong khi thời gian làm việc thực sự chỉ 2 đến 4 tiếng", Vũ chia sẻ về công việc thời sinh viên của mình.
Cũng làm việc dạy học như Châu Thanh Vũ, nhưng thay vì giảng bài ở các lớp đại học, Võ Túc Ngân (du học sinh Pháp) lại tìm đến từng gia đình người bản xứ làm gia sư. Ngân chia sẻ, đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo và khả năng truyền đạt tốt.
Công việc gia sư và trông trẻ đã gắn bó với Túc Ngân suốt những năm tháng sinh viên ở Pháp. Ảnh: NVCC. |
"Mình từng làm gia sư cho một bé người Pháp học lớp 5. Tiền lương mỗi buổi là 25 euro. Nhiệm vụ chủ yếu là hướng dẫn em hoàn thành phiếu bài tập về nhà, gồm mục chính tả, ngữ pháp và toán; cũng như giúp học sinh này tập đọc diễn cảm hơn", Túc Ngân chia sẻ.
Nghề trông ký túc xá
Dành 12 tiếng mỗi tuần cho việc trợ giảng, Nguyễn Linh Chi (sinh viên Đại học Colgate, Mỹ) còn làm thêm quản lý ký túc xá sinh viên. Công việc giúp Chi được miễn phí tiền ăn, ở, tiết kiệm cả nghìn USD mỗi năm.
Trong vai "tổ trưởng dân phố", nhiệm vụ của Chi là trông nom cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo sinh viên trong khu vực mình sống không vi phạm nội quy.
"Công việc có vẻ đơn giản nhưng cần nhiều kỹ năng. Mình phải chú ý đến sức khỏe, điều kiện sống của mọi thành viên trong ký túc xá, ví dụ vấn đề tâm lý bất ổn, mâu thuẫn giữa bạn cùng phòng...", Chi chia sẻ.
Một trong những nghề đặc thù, ít người lựa chọn là lập trình phần mềm. Nguyễn Đức Minh, sinh viên Đại học quốc gia Irkutsk, Nga, đã "sắm" được 4 chiếc máy vi tính nhờ công việc này, trong đó có 1 chiếc gửi về Việt Nam cho người thân.
Minh kể, một lần trường cử đi thực tập ở công ty phần mềm Forus, cậu được trưởng nhóm lập trình mời cộng tác. Từ đó, nam sinh say sưa với công việc làm thêm này, mỗi tháng kiếm được khoảng 4.000 rúp.
"Cộng với tiền học bổng, mỗi tháng mình tiết kiệm được 9.000 rúp. đến hết học kỳ, mình lại dùng tiền tiết kiệm để mua máy vi tính phục vụ công việc", Minh chia sẻ.
Làm thêm để tranh thủ học
Bên cạnh kiếm thêm thu nhập, những sinh viên giỏi như Cao Bảo Ngọc, Châu Thanh Vũ còn cố gắng lựa chọn công việc liên quan ngành học của mình để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ngoài việc giảng bài, Thanh Vũ còn soạn giáo án, tự nghĩ bài tập, tạo đề thi thử... Công việc trợ giảng mang lại cho cậu nhiều niềm vui, nhất là khi nghe sinh viên nhận xét cách giảng của cậu dễ hiểu. Đôi khi thi cử xong, sinh viên còn gửi thư cho Vũ để cảm ơn.
Còn đối với Võ Túc Ngân, công việc gia sư và trông trẻ chỉ vì nữ sinh rất quý trẻ con và muốn giao tiếp nhiều hơn với người bản xứ. "Bên cạnh đó, nói chuyện, đọc sách và dạy cho trẻ cũng giúp mình tăng vốn từ vựng tiếng Pháp", nữ sinh nói.