Những ‘ngã rẽ’ sau khi trượt lớp 10 công lập

GD&TĐ - Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2023 – 2024, hơn 33.000 em không có cơ hội vào trường công lập.

Năm 2023, Hà Nội có khoảng 72.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập. Ảnh: Minh Hà
Năm 2023, Hà Nội có khoảng 72.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập. Ảnh: Minh Hà

Sau khi con trượt, rất nhiều gia đình lo lắng, hoang mang, thậm chí xoay đủ mọi cách để tìm kiếm suất vào công lập hoặc săn lùng những trường ngoài công lập được đánh giá tốt.

Kỳ vọng dẫn đến thất vọng

Ngay khi con nhận kết quả trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT công lập mà gia đình định hướng, vợ chồng anh Đinh Minh (Gia Lâm, Hà Nội) đã không thể tin bởi con anh nhiều năm liền là học sinh giỏi, điểm thi luôn đứng top đầu của lớp.

Anh Minh tâm sự: “Con tôi năm nay đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Viên, điểm chuẩn của trường là 36,75 điểm. Tuy nhiên, con được 36,50 điểm. Vì yên tâm với thành tích học và những lần thi thử của con, gia đình tôi đã không nghĩ đến tình huống trượt. Do đó, khi hay tin, vợ chồng tôi đều hoang mang”.

Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi này của con, gia đình anh đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó, anh Minh nghĩ nếu học tại trường công lập, thầy cô và bạn bè tốt sẽ là động lực cho con học tập, phấn đấu để tìm kiếm cho mình một tấm vé vào đại học tốt.

"Giờ đây khi con trượt, tôi chưa biết sẽ định hướng con đi bước tiếp theo ra sao?”, anh Minh chia sẻ.

Không chỉ gia đình anh Minh mà nhiều gia đình ở Hà Nội có chung tâm trạng như vậy. Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, Cố vấn giáo dục cấp cao tại tổ chức giáo dục UPO Việt Nam cho rằng: “Khi con không trúng tuyển nguyện vọng mong muốn, phụ huynh buồn bã, lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những cảm xúc của người lớn vô tình gây thêm áp lực, dẫn đến tâm lý tiêu cực cho con trẻ”.

Do đó, bố mẹ cần lưu ý, dù kết quả thế nào, nó cũng đã diễn ra. Thay vì mắng chửi, trách móc hay lo lắng thái quá gây ra mâu thuẫn trong gia đình, bố mẹ hãy động viên, đồng hành cùng con vượt qua cú sốc lớn đầu đời; cùng con ngồi lại để tìm phương án sao cho phù hợp với năng lực của con. Lúc này, phụ huynh chính là chỗ dựa, động lực để cổ vũ, giúp con chinh phục tương lai. Trường THPT công lập đâu phải là cánh cửa cuối cùng quyết định tương lai con trẻ.

TS Giang chia sẻ thêm, trong quá trình làm tư vấn, bà đã gặp không ít trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi vì trượt lớp 10 công lập. Các em mang theo mình tâm lý thất vọng về bản thân, lo sợ bố mẹ trách mắng,.. Hay rất nhiều em, trượt trường công lập nhưng vào các trường ngoài công lập, sau khi tốt nghiệp THPT, các em vẫn đậu vào nhiều trường đại học lớn, thậm chí dành học bổng đi du học.

“Phụ huynh hãy nhớ, thất bại lần này có thể là bài học quý giá giúp con có nghị lực, sức mạnh vượt qua nhiều thử thách khó khăn trong tương lai, hãy đồng hành cùng con để con vượt qua những áp lực này, đừng để con trẻ phải cô đơn đối mặt”, TS. Giang nhắn nhủ.

Trường công không phải con đường duy nhất

Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Minh Hà
Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Minh Hà

Anh Vũ Lương (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa quên cảm giác hoang mang, lo lắng khi biết tin con mình thi trượt trường THPT công lập ở Hà Nội năm 2018. Tuy nhiên, thay vì buồn rầu, đổ lỗi thì anh và vợ đã cùng nhau nghiên cứu các trường ngoài công lập để nộp hồ sơ cho con.

Anh Lương tâm sự: “Nói không buồn thì không đúng, nhưng tôi cũng cảm nhận được những áp lực mà con phải trải qua trong kỳ thi này. Nhìn con khép mình lại sau khi trượt trường công lập, tôi lo con sẽ trầm cảm mà nghĩ quẩn nên vợ chồng tôi đã chủ động lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của con’’.

Anh Vũ Lương cho biết, sau khi học một trường THPT ngoài công lập, gia đình đã động viên con tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ của trường; tăng cường học Tiếng Anh để tìm kiếm cơ hội sau khi tốt nghiệp THPT.

“Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, con đã gặt được quả ngọt khi trúng tuyển Học viện ngoại giao với 27 điểm khối D1 (Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ). Điều này chứng tỏ, không phải trường công lập mới là con đường duy nhất giúp con đến với ước mơ của mình”, anh Lương chia sẻ thêm.

Theo ông Phan Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ (Hà Nội), hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.

Ngoài khối trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn, e ngại khi cho rằng hướng đi này chỉ dành cho những học sinh có đầu vào thấp.

Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, phụ huynh nên nhìn vào các lợi ích mà các Trung tâm GDTX mang lại cho học sinh như: thời gian học rút ngắn, vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên các bậc học cao hơn. Đặc biệt, học sinh còn được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề theo nghị định 81 của Chính phủ. Về học phí các môn văn hóa, học sinh chỉ phải đóng mức gần như tương đương với các trường công lập.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ, mặc dù điểm đầu vào của học sinh theo học ở các trung tâm này thấp hơn so với các trường công lập, nhưng số học sinh đậu tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn chiếm tỉ lệ cao. Con số này khoảng 96-97 %. Trong đó, có khoảng 20% học sinh có đủ điều kiện học lên đại học.

“Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Phụ huynh nên cân nhắc để lựa chọn con đường phù hợp nhất với con em mình", ông Tuấn Anh nói.

Năm 2023, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội khoảng 72.000 trong đó hơn 33.000 học sinh phải học ngoài công lập.

Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Sở GD&ĐT cho phép mỗi em được đăng kí tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: NV1, NV2, NV3. Trong trường hợp không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có những lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề; các trường ngoài công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.