Những mùa khai trường đáng nhớ

GD&TĐ - Không phải cờ hoa, bóng bay rực rỡ hay những tấm áo mới phẳng phiu còn thơm mùi vải, ấn tượng về ngày khai giảng của thầy và trò vùng cao lại là những điều bình dị, giản đơn, nhưng vô cùng đặc biệt.

Với nhiều giáo viên ở Chà Nưa, mỗi mùa khai giảng lại nơm nớp lo lũ về. Ảnh: NTCC
Với nhiều giáo viên ở Chà Nưa, mỗi mùa khai giảng lại nơm nớp lo lũ về. Ảnh: NTCC

Khai giảng với tinh thần chống lũ

Trong kí ức của các thầy cô giáo ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), cơn đại hồng thủy xảy ra ngày 28/8/2018, đến giờ vẫn còn ám ảnh. Cơn lũ ập tới, đúng thời điểm năm học mới cận kề.

“Lúc ấy chúng tôi đang tổ chức dạy học tuần 0. Học sinh đã có mặt tại trường. Nước lũ từ trên cao tràn xuống, học sinh hoảng loạn, nhiều em còn nhỏ, sợ khóc nhao nhác cả lên. Giáo viên cũng không kịp trở tay, lúc ấy chỉ lo tập trung hướng dẫn, sơ tán các em lên cao đứng. Đồ dùng học tập, sách vở, máy móc bị nước lũ cuốn trôi, bùn đất vùi lấp cả” – cô Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa nhớ lại.

Sau khi cơn lũ đi qua, nhìn trường lớp ngập trong bùn đất, đổ vỡ, ngổn ngang, cô Nhung và nhiều giáo viên chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt. Thương học trò, nhưng các cô cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Bao công sức chuẩn bị cho ngày khai giảng bỗng “đổ sông đổ bể”.

Sách vở, bàn ghế lũ cuốn trôi, đồ dùng cá nhân và nhà cửa của giáo viên cũng theo nước mà đi. Các thầy cô dù cố gắng nhặt nhạnh xem có cái gì còn dùng được thì tận dụng. Cả trường chỉ có hơn 30 cán bộ giáo viên, áp lực thời gian lớn, ai cũng nghĩ “có dồn lực bắt tay ngay vào khắc phục, cũng không kịp ngày khai giảng”.

“Thế nhưng điều bất ngờ đã đến khi ngày hôm sau, các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, dân quân, thậm chí phụ huynh học sinh đã có mặt tại trường từ sớm. Mọi người khẩn trương bắt tay cùng nhà trường khắc phục. Có ngày lực lượng huy động lên tới hàng trăm người. Mỗi người một tay chân, phân chia việc dọn dẹp từ sáng tới tối”, cô Nhung kể.

Vất vả nhất vẫn là giáo viên, suốt một tuần ròng, ngày đến trường san gạt, hót bùn đất, rồi rửa đồ dùng; tối về lại lo dọn nhà. Gia đình các thầy cô đều sống quanh trường, nên nhà nào cũng bị bùn đất ngập qua   đầu gối. Tranh thủ lúc rảnh, thầy cô lại lên Facebook kêu gọi hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh do đã bị nước lũ cuốn trôi.

Ngày khai trường năm ấy, với nhiều giáo viên ở Chà Nưa là ấn tượng nhất trong suốt hành trình “gieo chữ”. Song cô Nhung bảo: “Cũng kể từ năm đó, cứ đến mùa khai giảng, chúng tôi lại lo không biết lịch sử có lặp lại? Thế nên giáo viên ở đây lúc nào tinh thần cũng ở thế sẵn sàng chống lũ”.

Chiếc áo đỏ trở thành đồng phục của học sinh nhiều trường học vùng cao.
Chiếc áo đỏ trở thành đồng phục của học sinh nhiều trường học vùng cao. 

Chẳng có cờ hoa nhưng đủ đầy ấm áp

“Là giáo viên mầm non, lại “cắm bản” có lẽ giáo viên quen cảnh tự tổ chức lễ khai giảng. Tôi gọi đó là lễ khai giảng “number one”: 1 cô, 1 lớp và tự tổ chức 1 lễ khai giảng đặc biệt” - cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) chia sẻ.

Trong kí ức của mình, cô Phương vẫn nhớ như in lần đầu về nhận công tác tại Trường Mầm non Tả Sìn Thàng vào tháng 8/2003. Vì đi theo chương trình xóa bản trắng, cô Phương được giao phụ trách 1 bản.

Dù quyết định chính thức từ 1/9, nhưng cô Phương bố trí lên điểm trường trước mấy ngày để có thời gian chuẩn bị. Chưa kịp “hoàn hồn” về chặng đường hàng chục km “thượng sơn” toàn đá hộc, cô Phương lại thêm cú sốc về lớp học 5 không (lớp, học sinh, nước, điện thắp sáng, sóng điện thoại).

“Lớp học được mượn tạm từ 1 gian bếp của trường tiểu học. Khi tôi bước vào, cả phòng đen kịt vì bồ hóng bám khắp trần và vách nhà. Để đồ vào một góc, tôi bắt tay lau dọn, rồi xin vôi về quét tường. Phải quét tới 3 lần, tường mới sáng lên được”, cô Phương kể.

Có lớp học, cô giáo trẻ bắt đầu cuộc hành trình đi tìm học sinh. Không thuộc địa bàn, không biết tiếng, cô nhờ một cậu học sinh tiểu học đi cùng để kết nối. Đến từng nhà rà soát xem có con em trong độ tuổi thì vận động ra lớp. Vừa vận động trò ra lớp, cô Phương cũng tranh thủ xin vỏ, nắp chai nhựa, lon nước ngọt, hoặc thanh tre, gỗ vụn… để về thiết kế đồ dùng dạy học.

Sau những mông lung ban đầu, ý tưởng về lễ khai giảng đầu tiên được cô Phương xây dựng từ những kí ức, hồi tưởng của bản thân. “Chỉ khác là học sinh của mình nhỏ hơn rất nhiều, và mọi thứ ở đây đều thiếu thốn. Chính vì thế, mình cố gắng làm mọi thứ đơn giản nhất, nhưng dễ thương và trong sáng như chính đôi mắt của các em”, cô Phương nói.

Ngày khai giảng đến, cũng là thời điểm cô Phương vừa kịp hoàn tất công tác chuẩn bị. Bọn trẻ được bố mẹ đưa tới, đứa nào đứa nấy “mắt tròn mắt dẹt” nhìn những đồ chơi trang trí trong lớp học. Cô Phương kể: “Tôi đếm từ em thứ nhất, vừa đếm vừa lo không biết có nổi chục học sinh. Cho tới em cuối cùng là con số 36, tôi mừng rơi nước mắt”.

Mỗi học sinh mang một lá quốc kỳ

Đặt bàn tay lên ngực trái, giấu trái tim thổn thức trong chiếc áo in hình ngôi sao 5 cánh, Hờ Thị Chía, Trường THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cất vang những ca từ đầy hào hùng của bản Quốc ca Việt Nam. Trong kí ức của cô học trò vùng cao, hình ảnh và xúc cảm về những ngày khai giảng được mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng luôn đẹp đẽ, và đầy tự hào…

Nhà thuộc diện nghèo, bố mẹ Chía tối ngày chỉ quẩn quanh với mảnh nương cằn. Lo bữa ăn cho mấy chị em Chía đã là việc khó, nói gì đến chăm chút, sắm sửa quần áo mới cho con. Dù là khai giảng, nhưng năm nào cũng vậy, Chía không có sự lựa chọn khi cả 3 chiếc áo đều sờn, rách.

“Khai giảng năm học trước, em được thầy Nguyễn Tuân tặng chiếc áo mới in hình cờ đỏ sao vàng. Em mừng lắm, mặc luôn. Các bạn trong trường đều được tặng, cả trường em hôm ấy đẹp lắm”, Chía nhớ lại.

Những cô bé, cậu bé học trò vùng cao vốn rụt rè, nhút nhát, nay khoác trên mình tấm áo in cờ đỏ sao vàng lại rạng rỡ, tự tin hơn hẳn. Góp phần làm nên nét riêng ấy, là thầy giáo vùng cao suốt 5 năm lặng lẽ theo đuổi dự án “Mỗi học sinh là một lá quốc kỳ”.

Điểm xuất phát đầu tiên của dự án này vào năm 2016, khi thầy Tuân, giáo viên Trường THPT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) xin được từ một tổ chức từ thiện vài trăm chiếc áo in cờ đỏ sao vàng. Thầy chọn Trường THCS Tênh Phông, nơi có hơn 200 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học để tặng, chỉ đơn giản muốn các em có tấm áo mới trong ngày khai giảng.

“Khi nhìn các em trong chiếc áo in cờ đỏ sao vàng, rạng rỡ, nổi bật lên giữa làn sương mờ đục của buổi sớm tháng 9, tôi thực sự rất xúc động. Có cảm giác, mỗi em là một lá quốc kỳ, và dường như các em đều cảm nhận được điều đó, nên rất trang nghiêm, tự hào. Lúc ấy, trong đầu tôi đã lóe lên ý tưởng sẽ xây dựng thành một hoạt động thường niên”, thầy Tuân tâm sự.

Kể từ đó, người thầy giáo vùng cao tranh thủ mọi mối quan hệ bạn bè, trên mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ. Những hình ảnh học sinh vùng khó rạng rỡ trong chiếc áo cờ đỏ sao vàng mà thầy chia sẻ, đã tạo thành trào lưu tích cực cho nhiều học sinh trên địa bàn.

Thầy Tuân cho biết thêm: “Nhiều cá nhân, tổ chức khi thấy những hình ảnh đó, đã tự liên hệ với tôi để tặng tiền mua áo, hoặc tặng áo với số lượng lớn. Tôi nhận hết, từ nghìn chiếc, trăm chiếc, thậm chí là một chiếc”.

Những chiếc áo theo chuyến xe khách, ngược ngàn lên với vùng cao Tuần Giáo vào giữa đêm. Lần nào cũng vậy, thầy Tuân ra đường đón sẵn, tự mình vận chuyển, rồi liên hệ các trường để trao cho học sinh vào đầu năm học, để các em kịp mặc trong ngày khai giảng.

Cứ thế, suốt 5 năm qua, thầy giáo trẻ đã rong ruổi khắp các trường học vùng khó ở Tuần Giáo, với hành trình trao tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh miền núi. Hơn 10.000 chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng được trao, đã làm nên lễ khai giảng đặc biệt ở nhiều trường học vùng khó.

Theo thầy Tuân, không chỉ xuất hiện trong lễ khai giảng, giờ đây chiếc áo có hình cờ đỏ sao vàng được đông đảo học sinh mặc trong tất cả các dịp lễ quan trọng, hoặc trở thành đồng phục của nhiều trường.

“Nhiều người hỏi tôi được gì? Tôi chỉ cười, với tôi được cho đi đã là hạnh phúc. Mỗi dịp khai giảng, các trường lại gửi hình ảnh về cho tôi. Trong chiếc áo đỏ thắm, tôi có cảm giác mỗi em như một lá quốc kỳ. Và tôi tin, mỗi em đều sẽ cảm thấy yêu hơn lá cờ Tổ quốc, yêu hơn đất nước mình”,  thầy giáo trẻ trải lòng.

Trải qua gần 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Tủa Chùa, gần phân nửa trong số đó cô Phương đã tự tổ chức những lễ khai giảng cho mình và cho trò. Thế nhưng, cảm xúc và hình ảnh về một lễ khai giảng “không phông bạt, cờ hoa, tăng âm loa đài” vẫn ấm áp và tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.