Trí thức với mùa khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

GD&TĐ - Nói về thời kỳ đầu lập quốc (2/9/1945) còn đầy khó khăn, GS Trần Hữu Tá từng nhận định: “Có nhiều bài học sáng giá từ cuộc cờ này nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là bí quyết "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết". Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì kêu gọi toàn dân đồng tâm nhất trí để tạo nên sức mạnh lớn lao vượt qua muôn trùng gian khó. Người không quên một giai tầng, thành phần nào, song với một tầm tư duy chiến lược sâu sắc, người dành nhiều công sức cho việc kêu gọi, tập hợp lực lượng trí thức lúc đó dù còn mỏng nhưng rất quý. Nhất là đối với trí thức cao cấp, uy tín xã hội cao, người có cách tập hợp khá độc đáo: chủ yếu bằng sự tiếp cận bình dị, cởi mở, chân tình, thực sự tin cậy”.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Hùng hậu lực lượng trí thức tham gia giáo dục

GS Trần Hữu Tá nhấn mạnh: Có thể kể đến 3 bộ phận. Lực lượng đông đảo hơn cả là các trí thức tân học, được đào tạo căn cơ ở trong nước hoặc du học nước ngoài về: Các bác sĩ Vũ Đình Tụng, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng; các luật sư Phan Anh, Dương Đức Hiền...; các GS Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum...

Nguồn thứ hai, cũng ở trong nước nhưng khá đặc biệt - các bậc túc nho, đại khoa, các quan lại cao cấp của triều Nguyễn cũ: cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại; và các vị khác: Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố...

Nguồn thứ ba quan trọng không kém: Các vị sau khi du học thành công, có học vị cao, vì những lý do khác nhau đã ở lại nước ngoài, thậm chí có người đã lập gia đình tại đó. Có thể kể đến: Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, GS toán học Lê Văn Thiêm, bác sĩ nông học Lương Định Của, tiến sĩ y khoa Đặng Văn Ngữ … và khá nhiều vị thành tài ở Pháp như GS Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, các bác sĩ Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện...

Hầu hết các vị kể trên đều được chính quyền cách mạng trọng dụng, tạo điều kiện để mỗi người phát huy tối đa năng lực sở trường, góp phần tích cực vào cuộc chiến tranh vệ quốc, cũng như xây dựng nền móng ban đầu cho các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục còn non yếu của đất nước.

Ngoài ra, do thời điểm đó, 95% dân số nước ta còn mù chữ, để trị giặc dốt, Bác Hồ đã hai lần làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và các cộng sự của ông, góp ý và thông qua rất nhanh kế hoạch 3 điểm: (1) Quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm; (2) Xóa bỏ việc dạy bằng tiếng Pháp, thực hiện việc dạy ở tất cả các cấp, kể cả đại học, bằng tiếng Việt; (3) Nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách giáo dục, “thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ, phù phiếm trước đây của Pháp bằng nền giáo dục của chính phủ nhân dân cách mạng theo 3 phương châm: Dân chủ, dân tộc, khoa học.

Tiếp đến là việc Bác Hồ ủng hộ quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục, sớm mở cửa lại trường đại học.

Lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam, khóa đầu tiên dưới thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 13/11/1945
 Lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam, khóa đầu tiên dưới thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 13/11/1945

Mở trường đại học đào tạo trí thức

Ngày 10-10-1945, nghĩa là chỉ sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình hơn 1 tháng, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 45/SL, được đăng trên Việt Nam Dân quốc công báo (số 9). Nội dung cụ thể như sau: “Chính phủ đã cử các ông Cao Xuân Huy, Hồ Hữu Tường, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên làm giáo sư Đại học Văn khoa và các ông Đào Duy Anh, Cù Huy Cận, Trần Văn Giáp, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ giảng về những vấn đề đặc biệt trong chương trình văn khoa. Chính phủ giao cho ông Giám đốc Đại học quốc gia thảo luận với các vị trên về nội dung giảng dạy và về số giờ mà những vị ấy nhận dạy trong niên khóa 1945-1946”.

Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất coi trọng nhiệm vụ giáo dục ở bậc đại học để đào tạo nhân tài phục vụ kháng chiến kiến quốc. Chính phủ quyết định trên cơ sở kế thừa và cải tổ các trường đại học và cao đẳng cũ do Pháp mở ở Hà Nội và phát triển thêm một số trường đại học mới, nhằm tạo dựng một nền giáo dục cao đẳng và đại học dân tộc dân chủ của nước Việt Nam độc lập tự do.

Cần nói thêm, đất nước vừa mới giành được độc lập tự do, nhiều sinh viên và thanh niên học sinh muốn rời ghế trường đại học và cao đẳng để đi vào cơ quan, chiến trường trực tiếp phục vụ nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, song với yêu cầu đào tạo nhân tài của đất nước, Hội đồng Chính phủ quyết định khai giảng ngay các trường cao đẳng và đại học. Theo lệnh của Chính phủ, ngày 8-10-1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hòe đã ký Nghị định, công bố bắt đầu từ ngày 15-11-1945 sẽ khai giảng tại Hà Nội những trường đại học và cao đẳng, gồm các trường: Đại học Y khoa, Dược khoa, Nha khoa, Trường Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng Nông canh, Cao đẳng Thú y, để đón sinh viên trở lại trường học tập. Chính phủ đã lập Đại học vụ do GS Nguyễn Văn Huyên làm Phó Giám đốc để trực tiếp quản lý ngành Đại học và Cao đẳng. Các trường đại học được quyền lập quỹ tự trị theo Sắc lệnh số 43/SL. Tiếng Việt được dùng để giảng dạy tại các trường Đại học - Cao đẳng. Việc lựa chọn, bổ nhiệm giám đốc, giáo sư, giảng viên cũng được Chính phủ bàn định, kể cả nếu cần có thể mời giáo sư nước ngoài vào dạy và ấn định chính sách lương của các giáo sư và giảng viên.

Hệ thống Đại học của thực dân Pháp không lập Trường Đại học Văn khoa (Khoa học Xã hội và Nhân văn). Với tầm nhìn đúng đắn về vai trò quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong đời sống xã hội của một quốc gia độc lập, ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban Văn khoa Đại học ở Hà Nội do một học giả cách mạng có tri thức uyên bác về văn hóa cổ, kim, Đông, Tây là GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc. Ban Văn khoa Đại học Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo giáo sư văn khoa bậc trung học và nâng cao nền văn học Việt Nam cho xứng đáng với một nước độc lập để theo kịp các nước tiên tiến trên toàn cầu.

Ban Văn khoa Đại học Hà Nội có các chuyên khoa Triết lý, Việt học, Hán học, Sử ký, Địa dư. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng Văn khoa Đại học sĩ (Cử nhân). Trường cũng đào tạo và cấp bằng Cao học và có thể tổ chức học để thi bằng Văn khoa bác sĩ (Tiến sĩ). Các quy định về chương trình học tập, giảng dạy, thi tốt nghiệp, bảo vệ Văn khoa bác sĩ, cấp bằng tốt nghiệp được quy định một cách khoa học, chặt chẽ trong Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ngày 3-11-1945.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 15-11-1945, tại cơ sở Trường Đại học Đông Dương số 19 Lê Thánh Tông Hà Nội, lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Đại học Việt Nam dưới chế độ dân chủ cộng hòa đã được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chủ tọa buổi lễ, một số quan khách quốc tế cũng tham dự. Giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên đọc diễn văn khai mạc. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe trình bày về nhiệm vụ Trường Đại học Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với GS.VS Trần Đại Nghĩa (Hà Nội, 1960)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với GS.VS Trần Đại Nghĩa (Hà Nội, 1960) 

Trường Đại học Việt Nam gồm có 5 ban: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị Xã hội và Mỹ thuật. Ban Văn khoa hoàn toàn mới. Mục đích của ban này nhằm đào tạo một số giáo sư trung học và một số thanh niên có một kiến thức vững bền để tham gia nghiên cứu và phát minh triết học, xã hội, văn chương, sử ký, địa dư góp phần vào công cuộc kiến thiết văn hóa của nhân loại như Giám đốc Nguyễn Văn Huyên đã trình bày trong bài phát biểu tại lễ khai giảng: “Dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc. Chúng tôi là một dân tộc văn hiến có nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc ven bể Thái Bình Dương này”.

Sự ra đời của nền đại học Việt Nam ngay từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đã đem lại cho giáo sư Nguyễn Văn Huyên và sinh viên các trường đại học lúc bấy giờ niềm tự hào sâu sắc về một nền đại học của nước Việt Nam độc lập tự do và là một động lực lớn để giáo sư và sinh viên nêu cao quyết tâm xây dựng nền đại học dân tộc và sẵn sàng đi vào cuộc thử thách vô cùng gian khổ của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Với ý nghĩa đó, lễ khai giảng ngày 15-11-1945 đã mở đầu kỷ nguyên mới cho nền đại học Việt Nam. Sau này, đánh giá tổ chức và hoạt động của nền giáo dục Việt Nam trong năm đầu dưới chế độ mới, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”.

Hồi ức mùa khai trường độc lập đầu tiên

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại: “Năm 1945, tôi vừa học hết lớp 4. Cách mạng đến, có chính quyền mới với cờ đỏ sao vàng. Tôi rất vui vì có đội thiếu nhi tháng Tám, có mũ ca lô và trống ếch. Ngày khai trường năm đó, Bác Hồ viết bức thư đầu tiên gửi cho học sinh. Tôi xúc động và nghẹn ngào khi nghe thư của Bác. Sau này, tôi được biết, trong năm học đó, Bác đã làm việc với một số cán bộ giáo dục về cuộc thi tốt nghiệp PTTH và thi vào ĐH. Bác ra chỉ thị, bài thi được làm bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp để học sinh hiểu được. Lễ khai giảng Đại học Việt Nam - nền Đại học mới của một nước độc lập - ngày 15-11-1945 được tổ chức rất to ở số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Hôm đó, Bác Hồ chủ trì, còn ông Nguyễn Văn Huyên đọc diễn văn. Nếu trước 1945, giảng viên ĐH chủ yếu là người Pháp và chỉ có một ít người Việt thì từ 15-11-1945 có 100% giảng viên người Việt như GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Mạnh Tường, một số người học ở Pháp về như GS Ngụy Như Kontum, GS Nguyễn Văn Thiêm, GS Đào Duy Anh, GS Đỗ Xuân Hợp, GS Hồ Đắc Di, GS Đỗ Tất Lợi, GS Đặng Vũ Hỷ.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học ngoài công lập kể về một trường hợp chi tiết hơn: “Tôi còn nhớ khi đó ở trong Nam, thầy cô giáo thường đào nhiều hầm tránh bom xung quanh lớp học. Trong buổi học nghe tiếng máy bay là học sinh phải sơ tán ngay xuống hầm. Nhiều lúc quá vội, thầy cô nằm trên nắp hầm che chở cho học trò của mình. Giờ nhớ lại những hình ảnh đó, thật thiêng liêng làm sao. Còn tại miền Bắc, học trò thường được thầy cô cho đội nón rơm. Khi đó cũng đâu có bàn ghế, trường lớp như bây giờ. Lấy cây đóng thành thanh ngang, rồi học trò ngồi trên đó học, đặt giấy lên đùi viết bài”.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kể: “Thời kỳ đó, số lượng và quy mô trường lớp nhỏ. Trung bình một huyện có 20 xã chia làm 3 - 4 tổng, mỗi tổng có một trường tiểu học bậc một gồm ba lớp, 25 đến 30 học sinh mỗi lớp (để thi lấy bằng yếu lược), sau đó ba năm nữa thi lấy bằng tiểu học. Tại các làng cũng có những ông giáo tốt nghiệp bằng sơ cấp yếu lược tổ chức lớp dạy cho trẻ con chữ a, b, c, nhân chi sơ tính bản thiện. Ngày đó, trong tổng của tôi có ngôi trường cấp một Thuận An. Trường là ngôi nhà cấp bốn có ba phòng học và một phòng hiệu trưởng, bàn của học sinh được kê thành hai dãy, mỗi bàn bốn chỗ ngồi. Điều ấn tượng nhất với tôi đó là phía dưới các lớp học thường có một cái giá kê phía dưới lớp dùng để treo những đồ nông cụ nhỏ trong gia đình (cối xay lúa, xe quay nước, thúng, mủng, dần, sàng, bát, đũa, chén…) được cha mẹ và học trò tự làm để phục vụ cho việc thực hành ở lớp. Ngày đó, trường tổ chức học hai buổi mỗi ngày, mỗi học trò đều mang cơm theo để buổi trưa ăn và nghỉ ngay tại lớp học. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến và trong kháng chiến, hệ thống giáo dục của nước ta vẫn duy trì như trước”.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM kể: “Tôi còn nhớ, trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, tôi được tham gia đội Thiếu niên tiền phong. Ngoài giờ học tôi còn tham gia các cuộc mít tinh.… Khi ở nhà, lứa học sinh chúng tôi thường tụ tập tại các khu phố, để quan sát việc vận chuyển vũ khí của giặc (chuyển vào nhà dân Pháp). Chúng tôi có thể làm tốt công việc này vì họ không chú ý tới trẻ con. Thời đó, chúng tôi phải học tất cả chương trình học bằng tiếng Pháp. Mỗi học sinh được chọn hai loại sinh ngữ khác ngoài tiếng Pháp để học. Tất cả học sinh Việt Nam ở Sài Gòn khi đó đều chọn ngoại ngữ 1 là tiếng Việt, ngoại ngữ 2 thường là tiếng Anh để học. Làm như vậy mới có thể duy trì vốn tiếng Việt của dân tộc, không để ngôn ngữ của mình bị mai một”.

Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nhiệm vụ giáo dục ở bậc đại học để đào tạo nhân tài phục vụ kháng chiến kiến quốc. Chính phủ quyết định trên cơ sở kế thừa và cải tổ các trường đại học và cao đẳng cũ do Pháp mở ở Hà Nội vừa tiếp quản và phát triển thêm một số trường đại học mới nhằm tạo dựng một nền giáo dục cao đẳng và đại học dân tộc dân chủ của nước Việt Nam độc lập tự do.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...