Bạo hành trong trường học có thể gây ảnh hưởng lớn đến học sinh. Ảnh minh họa. |
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng là yếu tố quan trọng đối với một hệ thống giáo dục có chất lượng, quan trọng như chính chương trình đào tạo.
“Chỉ khi đưa được các yếu tố này vào giáo dục thì chúng ta mới có thể khẳng định trường học là một môi trường toàn diện và hòa nhập”.
Tuy nhiên, đến nay, bạo lực học đường tại Việt Nam vẫn đang là một vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ trẻ, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của dân tộc.
Học sinh không cảm thấy an toàn ngay trong khuôn viên trường
GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Tổ tư vấn trong nước của UNESCO cho biết tổ chức của bà vừa thực hiện nghiên cứu về bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện tại 6 tỉnh ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam), mỗi miền 2 tỉnh với 4 trường học THCS và THPT; 3.698 người, trong đó học sinh là 2.636 em được nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, 41% các em nam và 28% các em học sinh nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực thể chất trong nhà trường. Có 32% các em nam và 25% các em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực lời nói; 33% các em nam và 39% các em nữ bị bạo lực xã hội.
Đi sâu vào các kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh đồng tính (LGBT) có nguy cơ gặp phải các hình thức bạo lực học đường trên cơ sở giới cao hơn đáng kể so với các bạn cùng trang lứa.
“Em bị nhốt trong một căn phòng và bị đánh sau khi tiết lộ em đồng tính. Vì bạn bè coi những người như em làm cho trường học không trong sạch”, một học sinh đồng tính nam ở miền Trung chia sẻ.
Học sinh nam có nguy cơ trở thành nạn nhân lớn hơn về bạo lực thể chất, với tỉ lệ 64,7%, trong khi nữ là 51,1%, học sinh LGBT có nguy cơ tới 71%. Bà Yến kể rằng một học sinh đồng tính ở miền Bắc nói với bà rằng: “Em cảm thấy không được tôn trọng. Thầy nói em không phải là con trai và viết một vài điều gì đó lên bảng để minh họa”…
Trong khuôn viên nhà trường, có nhiều chỗ học sinh không cảm thấy an toàn. Đặc biệt là khu nhà vệ sinh hoặc những chỗ xa văn phòng nhà trường, xa chỗ thầy cô giáo hay những chỗ không có các phương tiện theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, bạo lực học đường giờ đây còn xuất hiện dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội gây tổn thương cho học sinh đang độ tuổi nhạy cảm.
Các chuyên gia từ Tổ tư vấn trong nước của UNESCO cho hay, nếu đánh nhau thì dễ phát hiện hành vi bạo lực và có thể được ngăn chặn kịp thời, còn bạo lực thông qua việc trêu chọc, lăng mạ thì nguy hiểm hơn nhiều bởi nó ngấm ngầm, ảnh hưởng nặng nề về tinh thần và khó phát hiện ngay được. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía gia đình, nhà trường thì rất dễ xảy ra hậu quả xấu.
Phụ huynh hoang mang, lo lắng và mất phương hướng
PV Báo Điện tử Chính phủ đã tiếp xúc với một phụ huynh tại TPHCM có con trai đồng tính nam. Bà Nguyễn Kim Châu kể rằng thời gian bà biết con trai là đồng tính nam khi cháu ở cuối năm lớp 11.
Bà Châu nhớ lại giáo viên chủ nhiệm đã nói rằng gia đình phải tăng cường kiểm soát con nhiều hơn, quan tâm con nhiều hơn bởi vì đây là năm cuối cấp và con của bà có những dấu hiệu lệch lạc về giới tính, có những biểu hiện và những hành vi biến thái, làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của một ngôi trường.
“Thật sự những lời trao đổi của giáo viên rất mô phạm, rất lịch sự nhưng đối với một người mẹ như tôi đó là sự xúc phạm nặng nề. Giai đoạn đó tôi đã có những hoang mang, lo lắng và mất phương hướng, không biết phải cư xử với con như thế nào.
Tôi cũng nhận ra thời gian này con có những bất an về tâm lý, con đã phải gồng lên, cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, một phần là muốn che đậy một vấn đề gì đó mà tôi chưa tìm ra. Tôi lo lắng là con có một cái gì đó bất ổn từ nhà trường, từ bạn bè…”, bà Châu rất xúc động khi kể về câu chuyện của con trai mình.
Bà Trần Thị Phương Nhung (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho biết đã từng tập huấn cho các thầy, cô giáo và nhận thấy nhiều khi chỉ là sự vô tình chưa tiếp cận đến thông tin liên quan tới người đồng tính, song tính và chuyển giới một cách đầy đủ, đúng đắn nên giáo viên đã có những lời nói hay hành vi vô tình làm tổn thương học sinh hay phụ huynh chứ không cố ý.
Bà Nhung cũng chia sẻ thông tin nghiên cứu quốc tế rằng cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới chiếm ở bất cứ quốc gia nào cũng khoảng từ 3-5%. Đây là xu hướng tự nhiên của loài người.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam mới có nhiều thông tin chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa vào các khoá tập huấn cho các thầy, cô giáo nói riêng và các cán bộ ở các lĩnh vực khác nói chung. Vì vậy, giáo viên khi có thái độ như vậy cũng là vô tình chứ không cố ý bởi họ chưa được trang bị thông tin, hiểu biết một cách đầy đủ về vấn đề này.
Rất nhiều trường học tại Việt Nam không hề nhận ra có hiện tượng bạo hành liên quan đến giới tính trong trường học. Họ chỉ nghĩ là bạo hành hay bắt nạt trong trường chỉ là đánh bạn, đánh nhau, tát bạn, băng nhóm của các em. Họ không nghĩ các em LGBT bị bạo hành hay bắt nạt vì giới tính của các em.
Hệ quả khôn lường
Bạo hành trong trường học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản thân học sinh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác và cả tinh thần cho học sinh và gia đình. Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh thậm chí có thể kéo dài suốt cuộc đời em.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, có khoảng 15% học sinh có các khó khăn, rối nhiễu nhẹ tâm lý và 5% học sinh rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý nặng.
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất. Thậm chí, sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh kết thúc việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác.
Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Không khí và cuộc sống gia đình các em bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.
Để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả cộng đồng. Báo Điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục có những phân tích, cùng các chuyên gia đưa ra những giải pháp bền vững và khả thi, góp phần khắc phục nạn bạo lực ở tuổi học đường đang nhức nhối hiện nay trong những bài viết tiếp theo.
(Giải C - Loại hình báo Điện tử)