Chương trình triển lãm là không gian tái tạo lại những gì Dự án đã làm trong hai năm qua, hành trình từ Pháp – Thụy Sỹ - Hà Nội- Sài Gòn- Hải Phòng để đi tìm trường lớp mẫu giáo đầu tiên của người Việt có hình hài như thế nào? Những nhà tiên phong đặt nền móng cho giáo dục đầu đời của Việt Nam để lại gì cho chúng ta?
Không chỉ đơn thuần trưng bày hiện vật hay tranh ảnh, mà BTC đã tái hiện và gửi gắm những thông điệp về giáo dục nói chung và Giáo dục Mới nói riêng thông qua những hình ảnh gần gũi nhưng đầy ý nghĩa.
Một không gian triển lãm với thiết kế sinh động cùng với âm thanh và hình ảnh để giúp người xem có thể cảm nhận trọn vẹn tinh thần, tinh hoa của giáo dục một thời.
Còn tại buổi tọa đàm “Giáo dục mới và những nhà tiên phong", các diễn giả đã trình bày tham luận về sự thúc đẩy và các thử nghiệm giáo dục mới ở Việt Nam những năm 1940, Những biến đổi của Giáo dục Mới ở châu Âu trong thế kỷ 20...
Quang cảnh hội thảo |
Tại phần trình bày của mình, TS Nguyễn Thụy Phương-Giám đốc mạng lưới giáo dục của Hiệp hội các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam, ĐH Genève (Thụy Sĩ) cho biết:
Từ đầu thập niên 2000 đến nay, làn sóng Giáo dục Mới du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam với các tác phẩm của những nhà giáo dục kinh điển, song song với đó là sự ra đời của các trường mầm non hay tiểu học tư thục ứng dụng các chương trình đào tạo giáo viên theo quan điểm Giáo dục Mới.
Đó là các trường học theo phương pháp Montessori, Wardolf/Steiner, Reggio Emilia hay Jean Piaget. Cũng đã xuất hiện những cá nhân ban đầu đi theo từng phương pháp giáo dục, sau một thời gian trải nghiệm thì xây dựng triết lý giáo dục cho cơ sở của mình và phát triển thành các trường tư thục, không chỉ ở bậc mầm non mà còn ở các bậc học cao hơn.
TS Thụy Phương nhìn nhận: Không phải đến bây giờ những tư tưởng và việc thực hành giáo dục theo phương pháp Giáo dục Mới mới du nhập vào Việt Nam cùng quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế văn hóa.
Giáo dục Mới dành cho trẻ em Việt đã từng có mặt ở đất nước ta cách đây hơn 70 năm, bằng tinh thần canh tân của một nhóm nam nữ trí thức xuất thân từ phong trào hướng đạo. Những người đang theo phương pháp Giáo dục Mới của thế kỷ 21 này là "tiên phong giai đoạn 2".
Điều này chứng tỏ một điều trong giáo dục rằng: Người đi sau không thể phủ nhận người đi trước, nhưng có quyền phản biện; dựa vào những nền móng đã có để xây dựng nên những tầng cao hơn.