Những món ăn bổ dưỡng từ hoa thiên lý

Nhắc đến hoa thiên lý, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến câu chuyện vui về giàn thiên lý đổ của những ông chồng “sợ vợ”.

Những món ăn bổ dưỡng từ hoa thiên lý

Ngày nay, ở các thành phố lớn, hiếm còn nhà nào có giàn thiên lý bên hiên nhà, để mỗi buổi chiều tối cả gia đình quay quần bên mâm cơm, vừa truyện trò, vừa thư giãn với mùi hương thơm thoang thoảng của những chùm hoa xanh mát mắt.

nhung-mon-an-bo-duong-tu-hoa-thien-ly-giadinhvietnam.com 1

Loài hoa mang nhiều tên gọi đẹp như dạ lý hương, dạ lài hương được nhiều gia đình chế biến thành những món ăn hấp dẫn. Ngon miệng, bổ dưỡng, thiên lý được ông bà xưa xếp vào hàng món quý:

Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen.

Công dụng của cây thiên lý

Cây thiên lý có vị ngọt, tính bình. Các thầy thuốc đông y dùng thiên lý như một bài thuốc có công dụng giải nhiệt, mát gan, kháng viêm, tiêu độc, an thần, chữa đau lưng, mệt mỏi và bồi bổ cơ thể...  

nhung-mon-an-bo-duong-tu-hoa-thien-ly-giadinhvietnam.com 2

Theo nghiên cứu y học hiện đại, thành phần dinh dưỡng có trong cây thiên lý bao gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy thiên lý vừa là thức ăn và thuốc bổ dưỡng giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng.

Mỗi bộ phận của cây như rễ, lá, hoa thiên lý đều có thể sử dụng được và có công dụng khác nhau. Lá và rễ cây chứa các chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non. Trong lá cũng có một hàm lượng nhỏ chất ankaloid, có tác dụng giảm đau. Lá thiên lý dùng để chữa bệnh trĩ ngoại hay chữa mụn nhọt, lở loét hiệu quả. Rễ cây thường dùng cho những người bị mắc bệnh về tiểu tiện.

Món ăn – bài thuốc từ hoa thiên lý

-         Thanh nhiệt cơ thể trong những ngày nắng nóng: Dùng 50g hoa thiên lý nấu thành canh, ăn hàng ngày giúp mát gan, giải nhiệt.

-         Phòng tránh mẩn ngứa ở trẻ em: 30g hoa thiên lý băm nhỏ, nấu cùng cháo hoặc bột giúp các bé phòng tránh rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt.

-          An thần: Sắc 30g hoa thiên lý, 10g hoa nhài, 5g tâm sen cùng 1 lít nước, uống trong ngày, liên tục trong một tuần giúp giảm chứng mất ngủ, tạo giấc ngủ sâu và yên giấc.

-         Giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: 50g hoa thiên lý, 50g thịt lợn nạc, xào chín tới, nêm gia vị vừa đủ có tác dụng giảm các triệu chứng đau nhức ở người già, người lao động nặng.

-         Bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng: 50g hoa thiên lý, 50g tôm nõn, xào hoặc nấu canh, ăn ba bữa mỗi tuần giúp cung cấp đầy đủ các vitamin, giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt có tác dụng khôi phục sinh lực cho nam giới.

-          Chữa tiểu buốt: Lấy rễ cây thiên lý từ 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Uống trong 5 ngày.

-          Chữa mụn nhọt: Lấy lá cây thiên lý 30 – 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.

-          Trị giun kim: Lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 – 10 ngày sẽ hiệu quả. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.

-          Phòng rôm sảy ngày hè: Nấu canh hoa thiên lý ăn thay rau, hoặc xay nhuyễn cho vào cháo, bột trẻ em

-          Giảm cân: Trong hoa thiên lí chứa một lượng lớn chất xơ và chất diệp lục giúp cơ thể dễ dàng trao đổi chất hơn, từ đó làm việc hấp thụ chất béo của cơ thể từ lượng thức ăn hàng ngày, đồng thời gây cảm giác mau no. Ngoài ra, hoa thiên lí chỉ chứa một  lượng rất nhỏ calo nên có thể sử dụng hoa thiên lí hằng ngày cho thực đơn giảm cân hằng ngày mà không cần phải sợ béo phì.

Lưu ý khi dùng hoa thiên lý:

Trong hoa và lá thiên lý có chứa chất kẽm. Khi dùng thiên lý như một món ăn – bài thuốc, không nên ăn cùng lúc hay chế biến thiên lý với các loại thức ăn giàu chất sắt như tiết, gan, thịt bò, rau muống. Kết hợp thiên lý với các loại thực phẩm này sẽ làm mất công dụng của bài thuốc vì sắt cản trở sự hấp thu kẽm.

Không nên xào, nấu quá chín vì sẽ làm giảm các chất dinh dưỡng của thiên lý.

Canh giò sống hoa thiên lí

Nguyên liệu:

200g giò sống, 200g hoa thiên lý. Nước dùng (nước hầm xương gà hoặc xương lợn).   Gia vị: mắm, muối, hạt tiêu

nhung-mon-an-bo-duong-tu-hoa-thien-ly-giadinhvietnam.com 3

Cách làm:

Cho nước dùng vào nồi, đun sôi. Viên giò sống thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước dùng, đun đến khi giò sống chín, nổi lên trên bề mặt. Thả hoa thiên lý đã sơ chế, rửa sạch vào, nêm nếm gia vị, đợi nồi nước sôi trở lại, tắt bếp. Đây là món canh ngon, dễ ăn, có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi hoa lý, có tác dụng giải nhiệt.

Canh cua hoa thiên lí

Nguyên liệu:

200g cua đồng; 200g hoa thiên lý; Gia vị cac loại

Cách làm:

Hoa thiên lý: chọn loại non, xanh, không chọn các bông hoa đã úa vàng, giập cánh. Rửa sạch bụi đất, để ráo. Cua đồng rửa sạch, bóc bỏ mai yếm, giã nhuyễn, lọc lấy nước.

nhung-mon-an-bo-duong-tu-hoa-thien-ly-giadinhvietnam.com 4

Cho nồi nước cua lên bếp, vừa đun vừa khuấy nhẹ để gạch cua nổi lên trên. Khi canh sôi, thả hoa thiên lý vào, nêm nếm gia vị, tắt bếp.

Hoa thiên lý xào lòng gà

 Nguyên liệu:

2 bộ lòng gà. 200g hoa thiên lý. Hành khô. Gia vị

Cách làm:

Hoa thiên lý sơ chế, bỏ những cánh giập nát, rửa sạch, để ráo nước. Lòng gà thái miếng mỏng, vừa ăn.

nhung-mon-an-bo-duong-tu-hoa-thien-ly-giadinhvietnam.com 5

Phi thơm hành khô, cho lòng gà vào xào chín, nêm nếm gia vị. Khi lòng chín, cho hoa thiên lý vào, xào nhanh tay trên lửa lớn. Nêm nếm lại. Trình bày ra đĩa. Dùng nóng.

Theo giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.