Những mảnh ghép về phố nghề Thăng Long

GD&TĐ - Hơn 130 tài liệu lần đầu tiên được công bố, tái hiện quá trình các làng nghề lập nghiệp trên đất Thăng Long. Những tư liệu quý báu ấy được ví như các mảnh ghép về một Hà Nội bách nghệ - trăm nghề.

Triển lãm gồm 130 phiên bản tài liệu lần đầu tiên công bố, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn.
Triển lãm gồm 130 phiên bản tài liệu lần đầu tiên công bố, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn.

Triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội” giới thiệu một bộ sưu tập phong phú gồm 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn, các phông tài liệu tiếng Pháp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Từ làng nghề đến phố nghề

Bà Trần Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho rằng, triển lãm là cái nhìn tổng thể, sâu sắc nhất về những người thợ thủ công từ khắp các làng nghề ở các tỉnh thành lên Thăng Long lập nghiệp.

Trong mạch câu chuyện đó, người xem sẽ hình dung việc các thợ thủ công tham gia đấu xảo trong nước và quốc tế, họ đào tạo nâng cao tay nghề, mở trường mở lớp và xây Tổ đình.

Đây là một triển lãm mang tính nghệ thuật đặc sắc về nghề thủ công thực sự. Những tinh túy của nghề đan, thêu, dệt lụa được bóc tách đến tận lõi để công chúng khám phá câu chuyện lịch sử thú vị: Làng nghề, phố nghề, đình trong phố, những người hàng phố của Thăng Long - Hà Nội vào thế kỷ 19 - 20.

Triển lãm chia bố cục thành hai chủ đề chính: Từ làng nghề ra phố và Đấu xảo - Tinh hoa làng nghề. Trong phần “Từ làng nghề ra phố”, tài liệu trưng bày nhiều nội dung phong phú. Giới chuyên môn cho rằng, chưa bao giờ có một triển lãm mang tầm vóc lớn và sâu sắc đến thế.

Là kinh đô của cả nước, Thăng Long - Hà Nội thu hút tinh hoa những làng nghề, thợ thủ công tài giỏi bậc nhất cả nước. Ngay từ thời Lý, Trần, Lê, các thợ giỏi đã được triều đình tập trung về kinh đô xây dựng kinh thành.

Đến thế kỷ 15, những dòng người đổ về kinh kỳ Thăng Long làm ăn buôn bán đã tạo ra những phường nghề, phố nghề, mà mỗi tên phố đều bắt đầu từ chữ “Hàng” gắn với ngành nghề cụ thể.

Để thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, họ ở lại đây sinh cư lập nghiệp, hội tụ thành phường nghề và lập đền thờ tổ nghề như ở quê gốc. Những thợ thủ công đã tạo nên một tầng lớp thị dân với những nhu cầu mới, có tác động sâu sắc đến văn hóa đất Thăng Long.

Dưới triều Nguyễn, người thợ bị trưng dụng về kinh đô để phục vụ cho triều đình Huế là chủ yếu, số còn lại lên nha tỉnh Hà Nội. Mặc dù Thăng Long không còn là kinh đô, không phải là trung tâm kinh tế nhưng các làng nghề truyền thống vẫn luôn phát triển, cung ứng các vật phẩm cho triều đình và buôn bán nhỏ.

Bên cạnh những chính sách thuế khóa được ban hành thì nhà Nguyễn cũng có những chính sách thiết thực nhằm phát triển nghề thủ công tại vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Từ thế kỷ 19, những biến động về lịch sử cũng làm cho những phố nghề ở Hà Nội và vị thế của người thợ thủ công có nhiều đổi khác.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, truyền nhân cuối cùng của một gia tộc ba đời vẽ tranh Hàng Trống.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, truyền nhân cuối cùng của một gia tộc ba đời vẽ tranh Hàng Trống.

Người Việt tham gia “đấu xảo”

Trong triển lãm, ngoài các thông tin quý giá, người xem còn được chiêm ngưỡng 21 lối đan khác nhau từ những bàn tay tài hoa của những thợ thủ công đất ngàn năm văn vật. Một lịch sử thăng trầm của nghề thủ công đất Thăng - Long Hà Nội dưới thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc được mở ra theo cách đẹp đẽ, rất hấp dẫn người xem.

Ở phần “Đấu xảo - Tinh hoa làng nghề”, công chúng thu nạp được những câu chuyện về chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp hàng trăm năm trước; về câu chuyện người Pháp cho xây chợ Đồng Xuân để phát triển giao thương, hay quản lý kinh doanh vỉa hè có thu thuế.

Những người thợ thủ công được chủ động hơn với nghề của mình, họ được mở cửa hàng, được bán hàng rong trên phố và được quản lý chặt chẽ. Tư liệu cũng tiết lộ với danh sách những người bán hàng rong theo cách khá chi tiết từ tên tuổi đến quê quán và mặt hàng buôn bán.

Thời Pháp, thuế khóa nặng nề hơn, nhưng người Pháp cũng có nhiều chính sách tích cực phát triển nghề thủ công ở Hà Nội. Họ mở xưởng, mở trường Bách nghệ để dạy nghề và lập hội từ 1898, các cuộc đấu xảo (hội chợ) được mở ra rất nhiều.

Năm 1878 những người thợ Việt Nam lần đầu tiên tham gia đấu xảo ở Paris (Pháp). Cho đến năm 1887 thì cuộc đấu xảo đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (Hà Nội).

Với chính sách khuyến khích phát triển, thợ thủ công của các làng nghề ở Bắc Kỳ nói chung và Hà Nội nói riêng từ bản tính thụ động, thiếu sáng tạo trong sản xuất, đã dần chủ động trong việc đăng ký đưa các sản phẩm của mình tham gia đấu xảo, để học hỏi nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống.

Nhờ đó, người An Nam đã hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của từ “Đấu xảo” là để cho công chúng biết đến cái tài khéo léo của người thợ.

Đến năm 1902 thì cuộc đấu xảo có tầm vóc quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề Hà Nội không chỉ có mặt ở các thuộc địa của Pháp mà còn có mặt ở các nước khác như Hồng Kông, Mỹ (thành phố San Francisco)… đánh dấu một bước tiến xa hơn và dài hơn trong hành trình chinh phục thị trường nước ngoài của người thợ thủ công Việt.

Triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức nhân kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu, chỉ có các phiên bản được đưa ra trưng bày. Phần lớn bản gốc tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.