Để làm tốt phần thi Nghị luận xã hội, cô Ngô Thị Thuý Nga – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đưa ra một số lưu ý.
Hai dạng nghị luận phổ biến
Hiện nay, cấu trúc đề Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm có 3 phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Trong đó, câu hỏi Nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết dưới dạng một đoạn văn khoảng 200 chữ với thang điểm: 2/10 điểm.
Có hai dạng đề nghị luận xã hội là nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý.
Đối với hiện tượng đời sống thường đề thi sẽ lựa chọn một trong những hiện tượng xã hội nổi bật mà xã hội quan tâm, có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực.
Đối với nghị luận về tư tưởng đạo lý là những vấn đề thuộc các phạm trù đạo đức, tư tưởng, lẽ sống...
Theo đó, thí sinh cần nắm vững phạm vi, bản chất nội dung kiến thức của 2 dạng trên, bởi vì mỗi dạng đề sẽ có cách triển khai vấn đề khác nhau.
Mục đích của đề văn nghị luận xã hội là để học sinh đưa ra quan điểm đúng đắn của mình, đánh giá đúng/sai. Từ đó bảo vệ, tôn vinh, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, giúp các em định hướng đúng hành vi, hướng đến chân – thiện - mỹ.
Vì vậy, để làm tốt dạng văn này, yêu cầu học sinh cần tích lũy những kiến thức xã hội rộng, sâu; có những quan điểm sống đúng đắn, khách quan, đa chiều để không đi ngược với những chuẩn mực, những giá trị gốc rễ của đạo đức và văn hóa.
Đồng thời, thí sinh cần trau dồi thêm kiến thức thông qua đọc sách, đọc báo, đọc mạng xã hội; lắng nghe những quan điểm giáo dục hiện đại từ người thân, thầy cô...
Những kiến thức này, các em cần ghi chép một cách ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, có hệ thống vào một cuốn sổ tay để khắc sâu hơn trong trí nhớ.
Các kỹ năng cần có
Kỹ năng xác định yêu cầu đề bài: muốn xác định yêu cầu của đề bài, học sinh cần đọc kỹ đề, gạch chân những từ ngữ quan trọng, giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng để xác định đúng nội dung trọng tâm nghị luận, thao tác cũng như phạm vi kiến thức, dẫn chứng.
Đồng thời khi làm bài, thí sinh phải xác định vấn đề nghị luận là hiện tượng đời sống hay tư tưởng đạo lí để có cách triển khai, hướng giải quyết đúng với yêu cầu của đề.
Nếu vấn đề nghị luận xã hội là hiện tượng đời sống, các em cần xác định hiện tượng mà đề yêu cầu bàn luận thuộc loại hiện tượng trong các loại sau: Các hiện tượng tích cực trong đời sống ví dụ: tương thân tương ái, tự học thành tài; Hiện tượng tiêu cực: ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, gian lận trong thi cử…
Các hiện tượng có tính hai mặt, ví dụ: đam mê thần tượng, du học rồi ở lại nước ngoài, mạng xã hội…
Nếu vấn đề nghị luận xã hội là tư tưởng đạo lý: thí sinh cần xác định tư tưởng đạo lý mà đề yêu cầu bàn luận thuộc các loại nào trong các loại sau: tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (trách nhiệm, sự tử tế, lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí, nghị lực,...), Tư tưởng không nhân văn( ích kỷ, vô cảm….).
Kỹ năng lập dàn ý: Biết khai thác hệ thống luận điểm/luận cứ một cách trọng tâm, tránh lan man, lạc đề, lệch đề; lựa chọn, sắp xếp một cách khoa học, hợp lý.
Kỹ năng đảm bảo hình thức đoạn văn: Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường đề văn yêu cầu 200 chữ (khoảng 20 tới 23 dòng), tránh viết quá dài hoặc quá ngắn.
Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp... nhưng phải đúng cấu trúc đoạn văn (không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng, kết thúc bằng dấu ngắt câu (có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn).
Kỹ năng đảm bảo cấu trúc chung của đoạn văn, cũng như kết hợp sử dụng các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề. Mở đoạn (khoảng 1 -2 câu): Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận xã hội. Có hai cách mở đoạn: trực tiếp và gián tiếp (nhưng phải đảm bảo yêu cầu giới thiệu vấn đề một cách trọng tâm, ngắn gọn và tự nhiên, sáng tạo).
Cô Ngô Thị Thuý Nga luôn cố gắng dành tâm huyết của mình để giảng dạy cho học sinh. |
Lưu ý: phần mở đoạn sẽ tạo sự chú ý với người đọc, người viết có thể mở đoạn bằng cách trích danh ngôn có nội dung, ý nghĩa đúng với vấn đề trọng tâm cần nghị luận hoặc mở đoạn bằng cách đặt câu hỏi.
Thân đoạn (Khoảng 10 – 12 câu): Giải thích khái niệm/nghĩa đen, nghĩa bóng... (nếu có).
Nếu là hiện tượng đời sống, thông thường có thể triển khai theo các nội dung: Thực trạng/ý nghĩa, Hậu quả/vai trò.
Nguyên nhân: Khách quan, chủ quan/gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân...
Giải pháp: Tùy thuộc vào từng yêu cầu cụ thể mà các em cần linh động lựa chọn dung lượng phân tích phù hợp cho từng nội dung.
Nếu là Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý thì phụ thuộc vào vấn đề trọng tâm, chúng ta giải thích khái niệm (nếu có), phân tích vấn đề trọng tâm cần nghị luận thành các luận điểm/luận cứ, sau đó chứng minh, bình luận, bác bỏ phản biện...để làm rõ vấn đề, đưa ra nhận thức đúng đắn về vấn đề vừa bàn luận.
Kết đoạn (1 - 3 câu): Khái quát vấn đề, từ đó nêu ra được bài học nhận thức và hành động, bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết, tạo khoảng trống để người đọc suy ngẫm... Kết bài cũng có thể mượn câu danh ngôn, câu thơ… phù hợp với nội dung trọng tâm của vấn đề cần nghị luận.
Lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội
Thí sinh cần đưa ra dẫn chứng cụ thể, tránh chung chung, tiêu biểu, vừa đủ. Và cần lồng ghép dẫn chứng thật khéo léo, phù hợp.
Lý lẽ phải đủ sức thuyết phục, đảm bảo tính chân thực, phản ánh đúng quy luật tâm lý con người, lập luận chặt chẽ
Quan điểm, đánh giá của bản thân cần xác đáng, sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm lập trường, thể hiện rõ cái tôi của người viết (đồng tình, không đồng tình, ca ngợi, phê phán,...).
Diễn đạt trong sáng dễ hiểu, tự nhiên, linh hoạt, ngắn gọn, súc tích, lời văn có sự kết hợp giữa lý và tình, tránh lặp, lan man, dài dòng, lủng củng, tối nghĩa.
Triển khai ý một cách rõ ràng, mạch lạc, khoa học tuân thủ theo những thao tác kỹ năng, trình tự sắp xếp các luận điểm, luận cứ, liên kết chặt chẽ.