Tết Nguyên Đán - ngày Tết lớn nhất trong năm
Theo cuốn Tín ngưỡng phong tục và những kiêng kỵ trong dân gian của tác giả Ngọc Hà có viết: “Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên Đán trước hết là Tết của gia đình. Chiều 30 Tết, nhà nhà làm lễ cúng ‘rước’ gia tiên và gia thần, thể hiện tình cảm ‘uống nước nhớ nguồn’”.
Không những vậy, Tết còn là ngày đoàn tụ của các thành viên trong gia đình, mang lại niềm hy vọng cho một năm thuận buồm xuôi gió. Và đối với người Việt, Tết Nguyên Đán là ngày lễ tết lớn nhất trong năm.
Trong cuốn Tìm hiều phong tục Việt Nam Nếp cũ - Tết Lễ - Hội hè của tác giả Toan Ánh có viết: “Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng giêng, nhưng thực sự người ta đã sửa soạn Tết ngay từ đầu tháng Chạp”.
Các gia đình sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đặc biệt là mua sắm vật dụng mới, bày trí bàn thờ gia tiên để tỏ lòng kính trọng.
Bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết
Chia sẻ về cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết, PGS.TS Trần Lâm Biền cho hay: Bàn thờ là tầng trời - nơi ở thần linh, tổ tiên. Một nguyên tắc đã là nơi tầng trời thì bàn thờ nhất định phải chay tịnh, chỉ có quyền được đặt đồ lễ, giới hạn để tạo nên một sự thiêng liêng.
Biểu hiện của tầng trời là mặt trời, mặt trăng được tượng trưng bằng hai cây nến hoặc hai cây đèn hai góc phía ngoài. Và tinh tú là những nén hương được thắp ở bát hương chính giữa và có hương vòng chạy ngược chiều kim đồng hồ.
Như vậy mặt trời ở bên trái của bàn thờ và mặt trăng ở bên phải, còn tinh tú là ở giữa.
Theo ông, bàn thờ phải nhìn về hướng Nam. Đây là hướng tốt nhất vì hướng nam là hướng của trí tuệ thần linh để diệt trừ mầm mống tội ác.
Tiếp nữa trên bàn thờ, ở phía trái đặt một bình lớn và ở bên phải là đặt mâm ngũ quả. Bình lớn là biểu tượng cho tính chất, cốt lõi của đạo gia.
Thường thường, bình lớn đó cả năm chỉ để không. Tuy nhiên, trong ngày Tết người ta có thể cắm được chín cành huệ, theo quan niệm của người Việt Nam bởi hoa huệ là biểu tượng trí tuệ diệt mầm mống tội ác.
Phía bên phải của ban thờ đặt mâm ngũ quả tượng trưng hạnh phúc ở năm cung.
Ngoài ra, trên bàn thờ người ta còn đặt lọ hoa ngày Tết bởi vậy lọ hoa đó phải có một bông hoa chủ. Bông hoa chủ sẽ tượng trưng cho mặt trời màu đỏ hoặc màu vàng, còn màu trắng cho mặt trăng. Các hoa nhỏ xung quanh là tượng cho tinh tú. Vì thế, hai lọ hoa ấy như muốn xin các thần linh về với gia đình cả ngày cả đêm.
Điều cần lưu ý là trên bàn thờ chỉ được đặt đồ chay tịnh, đó là hương, hoa, đăng (trà), oản xôi không phải oản khảo không được đặt đồ mặn.
Nếu đặt đồ mặn phải có một bàn thờ thấp hơn bàn thờ chính và đặt một bát hương làm bằng mẩu thân chuối hay cốc gạo bởi chúng không phát sinh phát triển nữa, và gắn với thế giới thần linh.
Thêm nữa, hai bên phải có hai cây mía lá xum xuê, có rễ bởi đây tượng trưng cho mây trời, các đốt tượng trưng cho bậc thang đi về của thần linh. Cây mía không được chặt rễ mà rửa cho sạch vì theo quan niệm đó là ân huệ mà các ngài ăn xong để lại cho các con cháu.
Điều tối kị đặc biệt nên tránh là trên bàn thờ hay mâm ngũ quả không được đặt đồng tiền bởi đó là tiền của thế gian. Việc làm này sẽ được coi như hối lộ với thần linh.
Phía trái bàn thờ luôn đặt một bình lớn, ngày thường có thể để không, nhưng trong ngày Tết có thể cắm được chín cành huệ.
Bày mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả sẽ được bày ở phía bên phải của bàn thờ. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền thì mâm ngũ quả ở miền Bắc cúng tổ tiên phải đạt được chuẩn như nhiều hạt, nhiều mắt, nhiều múi, chum quả, nhiều tay,… để biểu hiện cho sự sinh sôi phát triển. Trong đó, màu sắc cũng phải đạt được cho cả ngũ dương, ngũ hành.
Ví dụ: nải chuối xanh tượng trưng cho hành mộc, quả bưởi vàng tượng trưng cho hành thổ, quả màu trắng tượng trưng cho hành kim, quả màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa.
Theo đó, hàm ý mà con người muốn nhắn gửi cho thần linh qua mâm ngũ quả mong muốn hạnh phúc sẽ viên mãn tròn đầy trong cả năm.
Cùng về cách bày trí mâm ngũ quả, trong cuốn Tín ngưỡng phong tục và những kiêng kỵ trong dân gian của tác giả Ngọc Hà có viết: “Ngày Tết, ngoài những loại thức ăn cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ nhất thiết phải có mâm ngũ quả. Chuối là cái nền cho mâm ngũ quả, tiếp đến là bưởi hoặc phật thủ, hai loại quả này bắt buộc phải có.
Ba loại quả còn lại phụ thuộc ở mỗi vùng miền. Nhưng nhìn chung mâm ngũ quả phải là những trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, đáp ứng đủ cho nhu cầu hoạt động của con người.
Vì vậy, trưng mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa nói lên ước vọng của gia đình bước sang năm mới được no đủ”.
Tết là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, vì vậy bàn thờ Tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình lòng thành kính với ông bà, tổ tiên mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và ước muốn có một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.