Những lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh mắc bệnh về hô hấp

GD&TĐ - Các bệnh về hô hấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện nhiều nhất là vào những thời điểm giao mùa.

Cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị các bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa.
Cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị các bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa.

Mắc bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào

Chị Nguyễn Hương Giang (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, con của chị mới sinh được 2 tháng tuổi. Lúc đầu bé ho ít, 2 ngày sau thấy bé ho nhiều, thở mệt, khó thở, gia đình cho bé vào bệnh viện thì bác sĩ bảo bé bị viêm phổi nặng cần nhập viện điều trị.

Đến nay, bé đã điều trị ở bệnh viện được 6 ngày. Trong thời gian điều trị bác sĩ phải cho bé thở bằng oxy và chích kháng sinh. Đến nay, sức khỏe bé đã ổn hơn và đỡ ho hơn.

Bác sĩ Đặng Yến Vy, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (Bình Dương) cho biết, hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn. Cùng với đó là việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Hơn nữa, sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh.

Triệu chứng chung của các bệnh lý đường hô hấp là ho, khó thở, khạc đờm, đau ngực… Tuy nhiên, tùy từng bệnh lý, từng mức độ bệnh mà mỗi trẻ có những biểu hiện khác nhau. Đối với trẻ sốt cao từ 2 - 3 ngày trở lên, có biểu hiện ho nhiều, khò khè nhiều nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.

Cần lưu ý những biểu hiện cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám ngay là trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ uống, khó thở, thở mệt. Đây là những dấu hiệu nặng của bệnh lý viêm phổi.

Hơn nữa, trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa, tiết trời se lạnh hoặc môi trường ô nhiễm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi mắc bệnh cũng gây nhiều biến chứng hơn so với trẻ lớn.

Do đó, cha mẹ cần phải nắm vững các dấu hiệu của bệnh để phát hiện can thiệp sớm nhằm hạn chế biến chứng nặng và cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp để giúp con nhanh khỏi bệnh.

Thực tế, một trẻ khỏe mạnh hoàn toàn có thể bị viêm đường hô hấp trên vào bất kỳ độ tuổi hoặc ở bất kỳ thời gian nào trong năm. Nếu trẻ ở các lớp trông giữ trẻ, lớp học hay có tiếp xúc với trẻ khác mắc bệnh viêm hô hấp trên thì khả năng lây nhiễm bệnh càng tăng cao.

Trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn kém, đặc biệt trẻ sinh non hoặc trẻ không được bú mẹ vì một bệnh lý đặc biệt của mẹ hoặc mẹ không có sữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm virus gây bệnh hô hấp.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý hô hấp. Trong đó chủ yếu là viêm phổi. Trung bình mỗi trẻ sẽ mắc các bệnh lý hô hấp từ 4 – 6 lần/năm. Gần đây, ở Việt Nam số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp đang có sự gia tăng. Nhiều bệnh nhi đến bệnh viện trong tình trạng nặng phải nhập viện điều trị, chiếm nhiều ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi.

Vì tác nhân gây bệnh đường hô hấp cho trẻ là do virus nên việc điều trị và chăm sóc chủ yếu làm giảm thiểu triệu chứng, giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Theo đó, người lớn cần vệ sinh bàn tay thường xuyên đúng cách với dung dịch sát khuẩn hay xà phòng sau khi chăm sóc trẻ.

Đồng thời, với trẻ bị các bệnh về hô hấp, cần lưu ý nâng đầu bé nằm cao hơn phần thân và chân một chút để giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Cha mẹ thực hiện bằng một chiếc gối mềm đặt dưới đầu, lót đệm mỏng với cả phần lưng cho trẻ theo dưới xuôi dần đến chân.

Bên cạnh đó, cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng sữa trong ngày và thậm chí tăng lên 10 - 20% so nhu cầu hằng ngày nếu trẻ bị sốt hay quấy khóc nhiều.

Người lớn cần giữ thông thoáng vùng mũi họng bằng cách hút chất nhầy khi nghe trẻ thở khò khè, nghẹt mũi bằng các dụng cụ chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Có thể dùng thêm nước muối sinh lý nếu đờm nhớt đặc để giúp cho chất nhầy loãng ra và dễ thao tác.

Sốt là một trong các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh. Trường hợp này, nên mặc quần áo mỏng thoáng. Nếu cha mẹ đã thử các biện pháp hạ nhiệt trên cho trẻ nhưng không hiệu quả thì có thể phải dùng thuốc hạ sốt. Có hai dạng thuốc hạ sốt cho trẻ gồm dạng uống và dạng đút hậu môn.

Nếu trẻ quấy khóc hay bị nôn ói, có thể dùng dạng bào chế viên đạn đặt hậu môn. Kết hợp với việc cho trẻ uống thêm nước sẽ giúp tình trạng hạ sốt của trẻ mau chóng đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, cha mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về loại thuốc và cách sử dụng cho trường hợp khi trẻ sốt cao > 38,5 độ với liều lượng tùy vào cân nặng của trẻ.

Bác sĩ Đặng Yến Vy cũng khuyến cáo, cha mẹ không tuỳ tiện cho trẻ dùng vượt quá liều hạ sốt khi chưa kiểm soát được. Không được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ nhỏ khi không có chỉ định bác sĩ. Nhiều trẻ bị viêm hô hấp trên gặp tình trạng nôn mửa nhiều.

Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, tránh dịch nôn chảy vào tai, mũi. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn đặc, nên ưu tiên các thức ăn dễ nuốt như nước canh, khoai tây nghiền, súp.

Bên cạnh đó, nên cho trẻ uống nước với lượng nhỏ sau khi ăn thức ăn, đồng thời bổ sung nước và chất điện giải để ngừa mất nước. Nếu trẻ ho nhiều không dứt, có thể cần dùng đến thuốc giảm ho được chỉ định. Lúc này hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn về loại thuốc và liều dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.