Ở thành phố hay vùng cao biên giới, những lớp học xóa mù được tổ chức miễn phí đã giúp biết bao trẻ em nghèo, bà con dân tộc nâng cao tri thức, ổn định và phát triển cuộc sống. Tham gia đứng lớp xóa mù đặc biệt này là các thầy cô, chiến sĩ quân hàm xanh với tấm lòng, nhiệt huyết cùng sự nghiệp giáo dục và người dân.
Xóa mù giữa thành phố
Lớp học phổ cập - xóa mù chữ được Trường Tiểu học Hồng Đức (Quận 8, TPHCM) duy trì đều đặn 3 buổi tối/tuần. Hơn 20 năm qua, từ lớp học đặc biệt này, hàng trăm trẻ em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, tàn tật không có điều kiện học tập đã biết đến con chữ, phép tính.
Không chỉ giúp bà con biết đọc, viết, tôi còn lồng ghép vào các buổi học những kinh nghiệm làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Càng gần và hiểu dân càng thôi thúc tôi phải cố gắng, làm nhiều hơn nữa. Mong trình độ dân trí của bà con sẽ nâng lên, để đời sống bớt khổ. - Thiếu tá Ngô Minh Đức - Đồn Biên phòng Bù Đốp (Bình Phước)
Vào các tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 hằng tuần, lớp học phổ cập - xóa mù chữ do Trường Tiểu học Hồng Đức tổ chức lại rộn ràng tiếng nói cười, chơi đùa của trẻ nghèo.
Lớp học duy trì hơn 20 năm nay, xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương nhằm giúp trẻ em nghèo được học chữ. Đa phần học sinh là con em người lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu giấy tờ tùy thân, quá tuổi vào lớp 1.
Em Phạm Thị Ngọc Dung (sinh năm 2006) theo học tại lớp lâu nhất. Năm học này, Dung bước vào học chương trình lớp 4. Em chia sẻ: Gia đình không có điều kiện nên quá tuổi em chưa được đến trường học tập. Cách đây hơn 4 năm, khi biết thông tin về lớp học phổ cập buổi tối, gia đình đăng ký cho em học. Những năm qua, ban ngày Dung phụ việc ở tiệm may, tối lại đạp xe gần 30 phút tới lớp học, nhiều hôm em không kịp ăn tối.
“Trước đây, em muốn đến trường như bạn cùng trang lứa, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép. May mắn có lớp học của Trường Tiểu học Hồng Đức nên em mới biết chữ, tính toán. Em vui vì được học nhiều kiến thức bổ ích. Em thích kinh doanh nên sẽ cố gắng học tốt để có thêm kiến thức áp dụng và làm chủ công việc sau này”, nữ sinh kể.
Còn với Lê Hồng Đông (sinh năm 2010), năm học 2023 - 2024 em bước vào học chương trình lớp 1. Bố mẹ mỗi người một nơi, em sống với bà ngoại lớn tuổi nên ban ngày ở nhà phụ bà công việc trong gia đình, chiều tối đến lớp học tập. Từ khi theo học lớp học tình thương, Đông có nhiều bạn mới và đã biết đọc, viết.
Chia sẻ từ cô Phùng Lê Hiệu Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức, trường nằm ở địa bàn có đặc thù đông người nhập cư, lao động phổ thông, thu nhập thấp, bấp bênh. Trẻ học tại lớp học phổ cập - xóa mù chữ có tuổi đời, nhận thức, hoàn cảnh khác nhau. Có em chậm phát triển trí tuệ, câm điếc bẩm sinh nhưng không có điều kiện đến trường chuyên biệt học tập; nhiều em phát triển bình thường nhưng ban ngày phải phụ cha mẹ kiếm sống.
“Đa số học sinh của lớp quá tuổi theo quy định bởi theo bố mẹ nay đây mai đó. Ban ngày các em lại tham gia lao động kiếm sống với gia đình nên nhà trường dạy buổi tối để trẻ được đến lớp. Điều đáng mừng, trong quá trình học tập, các em có ý thức, tự giác học tập cao”, cô Hạnh cho biết.
Thiếu tá, thầy giáo quân hàm xanh Ngô Minh Đức. |
Nỗ lực mang chữ đến dân
Màn đêm buông xuống, thôn, ấp trên địa bàn biên giới tỉnh Bình Phước chìm dần trong bóng tối. Đó cũng là lúc lớp xóa mù chữ tại tổ Bàu Đỉa, thôn 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) của thầy giáo Biên phòng Ngô Minh Đức chính thức bắt đầu. Dưới ánh đèn điện, tiếng đánh vần “ê, a” của học viên, hướng dẫn từ người thầy phá vỡ không gian tĩnh lặng. Tại lớp học, 21 học viên đủ mọi lứa tuổi, có em 9 - 10 tuổi, có người ngoài 40, nhưng tất cả đều chung mong muốn là biết con chữ, phép tính.
Tổ Bàu Đỉa nằm gần như biệt lập với các địa bàn khác, đường sá đi lại khó khăn, những hôm trời nắng bụi mịt mù, mưa thì lầy lội. Người dân nơi đây đa phần là dân tộc S’tiêng và kiều bào Campuchia, hầu hết không biết chữ. Vì vậy nhận được đề xuất của Thiếu tá Ngô Minh Đức, tháng 11/2018 được sự đồng ý của Đồn Biên phòng Bù Đốp và chính quyền địa phương, lớp học xóa mù chữ trên địa bàn ra đời.
Thiếu tá Đức chia sẻ, thành lập được 5 năm nhưng lớp học bị gián đoạn 2 năm do dịch Covid-19. Những năm trước, để có lớp học dạy chữ cho bà con, anh cùng đơn vị, chính quyền địa phương mượn nhà, bàn ghế, tự tay sửa sang, dọn dẹp. Anh còn đến từng nhà vận động bà con ra lớp. Đến năm 2021, lớp học mới được xây dựng khang trang. Trong suốt quá trình lớp hoạt động, Đồn Biên phòng Bù Đốp đã mua sắm toàn bộ sách vở, bút mực trang bị cho người học.
“Việc khó nhất là vận động bà con đi học. Bởi trong nếp nghĩ, người già không cần biết chữ, người trẻ lại mang tâm lý ngại ngùng, nhỏ tuổi hơn chút thì ham chơi, không hiểu ý nghĩa của việc học. Vận động bà con đến lớp đã khó, duy trì sĩ số lớp lại khó hơn. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, dần dần, người nọ rủ người kia nên lớp ngày càng đông. Đến nay, hằng tuần, tôi dạy 2 - 3 buổi trong khoảng từ 19 – 21 giờ. Bà con tại lớp học đặc biệt này khá chăm chỉ, giờ đây ai cũng biết đọc, viết”, Thiếu tá Đức tâm sự.
Em Điểu Thị Na (sinh năm 2000), theo học từ ngày đầu lập lớp, chia sẻ: “Ba mẹ em làm thuê, kinh tế khó khăn. Hằng ngày, em theo ba mẹ đi kiếm sống nên không có điều kiện đến trường. May có lớp học xóa mù chữ của thầy Đức mà giờ đây em có thể đọc những bài thơ ngắn, làm phép tính đơn giản. Thầy Đức rất tận tâm, mỗi buổi dạy đều tạo không khí vui tươi giúp em và mọi người hứng khởi, thích thú trong quá trình học. Em sẽ nỗ lực học tập để sau này có cuộc sống tốt hơn”.
Cô Trúc Linh hướng dẫn học sinh làm bài tập. |
Hạnh phúc của người thầy
Năm học 2023 - 2024, lớp học phổ cập - xóa mù chữ Trường Tiểu học Hồng Đức có 16 em theo học. Cô Phùng Lê Hiệu Hạnh cho biết, để công tác giảng dạy thuận lợi, việc tiếp thu bài của học sinh hiệu quả, nhà trường chia làm 4 lớp do 4 thầy, cô phụ trách giảng dạy, 1 giáo viên quản lý chung. Trong 16 trò có 2 em học lớp phổ cập xóa mù chữ; 9 em học chương trình lớp 1; 2 em học lớp 2; 2 em học lớp 3 và 1 em học lớp 4.
Lớp chương trình lớp 1 do cô Huỳnh Thị Trúc Linh phụ trách. Theo cô Linh, dạy lớp học này khác biệt so với lớp chính khóa ban ngày bởi mỗi em một hoàn cảnh, khả năng tiếp thu cũng khác. Vì thế trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải theo sát từng em. “Đây là năm thứ 2 tôi gắn bó với lớp. Tôi và đồng nghiệp tình nguyện đứng lớp vì thương các em thiệt thòi. Công việc giảng dạy ban ngày bận rộn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian”, cô Trúc Linh chia sẻ.
Được biết, nhiều năm nay, những học sinh theo học tại lớp học đặc biệt đều được Trường Tiểu học Hồng Đức, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, tập viết và tặng bánh kẹo dịp lễ, tết. Cô Hạnh cho hay, nhà trường đã duy trì mô hình lớp học phổ cập buổi tối trên 20 năm nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa trường, địa phương trong việc tổ chức, vận động học sinh đến lớp, đặc biệt phải kể tới sự nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ giáo viên. Thầy cô đứng lớp có thể là giáo viên văn hóa, đoàn viên thanh niên đang công tác tại địa phương và có cả tình nguyện viên.
“Trước đây, có thời điểm hơn 30 học sinh theo học. Khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng học sinh ít dần do công tác phổ cập giáo dục của đơn vị và địa phương phối hợp tốt. Nhà trường duy trì lớp học với hy vọng những học sinh cơ nhỡ có cơ hội học chữ. Số học sinh ở lớp học phổ cập - xóa mù chữ ít dần theo từng năm là điều đáng mừng bởi điều đó chứng tỏ tỷ lệ học sinh biết chữ, những phận đời khó khăn trên địa bàn ngày càng giảm…”, cô Hạnh chia sẻ.
Hành trình đến với lớp xóa mù của thầy giáo quân hàm xanh Ngô Minh Đức cũng đặc biệt và gắn liền với sự nghiệp người lính. Cách đây 17 năm, Thiếu tá Ngô Minh Đức được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Bù Đốp.
Với nhiệm vụ là cán bộ phụ trách vận động quần chúng nên sau những lần đi tìm hiểu thực tế địa bàn xã Thiện Hưng, điều khiến anh trăn trở nhất là đa phần bà con đồng bào dân tộc S’tiêng không biết chữ. Đời sống còn lạc hậu nên việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến bà con gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Thiếu tá Đức nảy sinh ý định sẽ thành lập lớp xóa mù chữ do anh trực tiếp giảng dạy.
Nghĩ là làm, năm 2006 anh đề xuất với đơn vị phối hợp cùng Ban Phổ cập xóa mù chữ xã Thiện Hưng tổ chức lớp học cho bà con tại địa bàn ấp Mười Mẫu. “Ngày đầu giảng dạy, do không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm nên tôi cũng lo lắng. Nhưng với quyết tâm mang con chữ đến bà con, hằng ngày ngoài thực hiện công tác chuyên môn, tôi còn tận dụng thời gian rảnh đến gặp gỡ thầy cô giáo tiểu học để học hỏi kinh nghiệm cho buổi tối lên lớp”, Thiếu tá Đức tâm sự.
Thiếu tá Đức luôn tâm niệm, làm công tác vận động quần chúng phải gần dân để hiểu. Vì vậy, bao năm qua, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến từng gia đình để vừa chia sẻ, giúp đỡ và hướng dẫn thêm bài vở cho học sinh. Đây cũng là cơ hội gần gũi, giúp bà con xóa đi sự ngại ngùng, tự ti, mặc cảm để mạnh dạn đến lớp học chữ, giao tiếp.
Từ hiệu quả của lớp xóa mù chữ ở ấp Mười Mẫu, Thiếu tá Đức mở rộng ra một số địa bàn trong xã Thiện Hưng nhằm đưa con chữ đến với bà con. Đến nay, người lính biên phòng này trực tiếp vận động và dạy học 4 lớp xóa mù và 7 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 300 học viên. Do vậy, ở vùng biên giới Bù Đốp, người dân luôn dành cho Thiếu tá Đức sự yêu mến và gọi bằng tên thân thương “thầy giáo Đức”.
Thiếu tá Đức cho hay, điểm chung của lớp học xóa mù chữ là ban ngày bà con lên nương rẫy, có lịch học thì đúng 19 giờ, mọi người lại í ới gọi nhau đến lớp. Ở lớp học, nhiều học viên vốn quanh năm chỉ quen cầm dao, cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút còn gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ. Dạy trẻ nhỏ đã khó, dạy người lớn còn khó hơn, nay nhớ chữ mai lại quên là chuyện bình thường.
“Trong quá trình dạy tôi luôn cố gắng tìm cách truyền đạt để bà con dễ tiếp thu. Hạnh phúc nhất là khi thấy bà con biết đọc, viết, điều này tiếp thêm động lực cho tôi nỗ lực với lớp học. Ở tổ Bàu Đỉa, lúc đầu gần như các hộ dân đều không biết chữ, tuy nhiên nhờ duy trì lớp xóa mù mà đến nay có khoảng 70% bà con trong tổ biết đọc, viết”, Thiếu tá Đức phấn khởi nói.
Cô Nguyễn Thị Yến Duy - giáo viên phụ trách chung lớp phổ cập - xóa mù chữ Trường Tiểu học Hồng Đức cho biết: “Ngoài truyền thụ kiến thức, giáo viên còn trang bị cho học sinh kỹ năng sống, dạy bảo các em không sa vào tệ nạn, góp phần phòng, chống trẻ vi phạm pháp luật. Đáng mừng, sau thời gian đến lớp, học sinh không chỉ biết đọc, viết, mà còn học được cách ứng xử lễ phép”.