Lớp học của những đứa trẻ 'đặc biệt'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để mang lại niềm vui, kiến thức cho trẻ khuyết tật là mồ hôi, có khi kèm theo cả nước mắt của các thầy, cô giáo.

Cô Lương Thị Hồng Phượng hướng dẫn Quốc Khánh đọc chữ Braille (chữ viết dành cho người khiếm thị).
Cô Lương Thị Hồng Phượng hướng dẫn Quốc Khánh đọc chữ Braille (chữ viết dành cho người khiếm thị).

Xung phong dạy trẻ khuyết tật

“Tôi đã gắn bó với Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội được hơn 12 năm. Khi dạy cho các em, tôi càng thấu hiểu khó khăn, thiệt thòi của những đứa trẻ khuyết tật. Bản thân tôi cũng là người khiếm thị nên rất đồng cảm và thương các em. Khi lũ trẻ biết đọc, viết, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi muốn cống hiến sức lực, kiến thức của mình nhằm giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội để sau này có thể tự kiếm sống lo cho bản thân”, cô Long bộc bạch.

8 năm trước, cô Lương Thị Hồng Phượng, giáo viên điểm trường Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum - Trường Tiểu học Quang Trung (TP Kon Tum) đã viết đơn tình nguyện đến giảng dạy cho trẻ khiếm khuyết.

Cô Phượng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn, khuyết tật cần được che chở trong những chuyến thiện nguyện. Thương cho số phận bất hạnh của lũ trẻ nên khi được luân chuyển về Trường Tiểu học Quang Trung, cô đã viết đơn xung phong đến điểm trường Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội dạy học.

“Thời điểm đó, nhiều người ngăn cản khi tôi xung phong giảng dạy trẻ khuyết tật. Bởi công việc này rất khó khăn, vất vả và khá nguy hiểm vì trẻ không kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng, các em đã quá thiệt thòi nên rất cần sự yêu thương, bù đắp của xã hội. Do đó, tôi muốn giảng dạy, yêu thương lũ trẻ để chúng vượt lên số phận và hòa nhập với xã hội”, cô Phượng tâm sự.

Những ngày đầu mới về trường, đôi lúc cô Phượng thấy bất lực vì học trò nghịch ngợm, phá phách và không nghe lời. Có em bị tăng động, đang ngồi học chạy đến đánh bạn, đánh cả giáo viên. Mặc dù mệt mỏi, nhưng nghĩ đến lý do gắn bó với nơi này, cô Phượng vượt qua bằng những cái ôm ấm áp dành cho trò. Ở lớp học này, mỗi em một lứa tuổi, suy nghĩ… nên cô Phượng phải thay đổi, thích nghi và đôi khi phải chiều theo học trò. Sau một học kỳ, cô Phượng cũng quen dần với môi trường giáo dục mới.

“Con mình sinh ra may mắn có được cơ thể khỏe mạnh, lành lặn. Nhưng nếu trong trường hợp con bị khuyết tật tay chân, thiểu năng… nếu không có ai quan tâm, dạy dỗ thì rất thiệt thòi. Do đó, tôi luôn xem học trò như con để có thể dành trọn vẹn tình cảm và sự yêu thương”, cô Phượng bộc bạch.

Buổi học của những đứa trẻ “đặc biệt” chủ yếu là đọc, viết bảng chữ cái.

Buổi học của những đứa trẻ “đặc biệt” chủ yếu là đọc, viết bảng chữ cái.

Vừa dạy, vừa dỗ

Giờ học ở lớp “đặc biệt” không chỉ đơn giản là dạy các em cách phát âm, nói, viết…, mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại chỉ bảo từng ly từng tí. Lớp 3K1 của cô Trần Thị Quyên (53 tuổi) có 8 học sinh. Thế nhưng chưa có tiết nào cô Quyên dạy trọn vẹn, bởi có khi đang học các em lại la hét, đập bàn ghế hoặc chạy ra khỏi lớp.

18 năm gắn bó với lớp học đặc biệt này, cô Quyên chẳng thể nhớ mình đã giảng dạy cho biết bao thế hệ học trò. Cô kể, những ngày đầu mới về, Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 2 lớp học, dần dần học sinh đông nên lớp cũng tăng.

“Nhiều năm về trước, phụ huynh còn lo lắng xã hội dị nghị nên ít quan tâm đến việc học của trẻ khuyết tật. Sau này, nhà trường tuyên truyền nên gia đình đưa các em đến lớp ngày một đông. Thế nhưng có những em đến lớp dù đã 6 - 7 tuổi nhưng đi không vững, nói chẳng được… Trải qua một thời gian học tập, các em dần quen mặt chữ và được giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống nên phụ huynh rất yên tâm”, cô Quyên tâm sự.

Cô Trần Thị Quyên luôn xem học trò như con của mình.

Cô Trần Thị Quyên luôn xem học trò như con của mình.

Tuy chung một lớp, nhưng mỗi học sinh lại thuộc dạng khuyết tật khác nhau. Có em bị khuyết tật vận động, học sinh khác thì bị tật nhìn, nghe nói hay trí tuệ… Chính vì vậy, suy nghĩ của các em cũng chẳng giống nhau. Có những em đang ngồi học lên cơn tự đập đầu lên tường, bàn học. Em khác thì lại chạy ra ngoài rồi leo lên cây hoặc chui vào bụi rậm để trốn.

“Những lúc các em động kinh hoặc nghịch ngợm, phá phách mình phải nhẹ nhàng khuyên nhủ chứ không được lớn tiếng. Bên cạnh đó, tôi luôn chuẩn bị kẹo, bánh dỗ dành học sinh. Để gắn bó được với lớp học đặc biệt này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và nhẹ nhàng, tình cảm”, cô Quyên chia sẻ.

Ngần ấy năm gắn bó với trẻ khuyết tật có những mảnh đời khiến cô Quyên không kìm được nước mắt. Như trường hợp của em Vi Tâm Phượng (SN 2009), bố bỏ mấy mẹ con đi từ khi em còn nhỏ. Mẹ bị tàn tật nên 3 anh em Phượng phải nương nhờ bà ngoại. Thế nhưng, bà ngoại tuổi cao, sức yếu nên chẳng đủ sức nuôi mấy miệng ăn. Khi lên 6 tuổi, Phượng được bà ngoại gửi vào Trung tâm do bị tăng động, đôi lúc lên cơn lại đập phá đồ đạc. Ngoài những lúc như vậy, Phượng rất ngoan ngoãn và lễ phép.

Còn em Nguyễn Thị Thu Nhi bị khuyết tật vận động nên không thể tự đi và vệ sinh cá nhân như mọi người. Trong thời gian học tập tại trường, em thường xuyên tâm sự muốn gọi cô Quyên là mẹ vì cảm nhận được hơi ấm và tình cảm gia đình.

Cô Đỗ Thị Thanh Long cảm thông với hoàn cảnh bất hạnh của những đứa trẻ khiếm khuyết.

Cô Đỗ Thị Thanh Long cảm thông với hoàn cảnh bất hạnh của những đứa trẻ khiếm khuyết.

Hạnh phúc khi thấy học trò biết đọc, biết viết

Từ khi lọt lòng mẹ, đôi mắt của cô giáo Đỗ Thị Thanh Long (SN 1982) đã chẳng thể nhìn rõ mọi vật và kém dần theo thời gian. Thế nhưng, cô vẫn cố gắng học tập với mong muốn có kiến thức và kiếm được việc làm ổn định.

“Con người, sự vật qua mắt tôi đều mờ ảo. Do đó, mỗi khi đọc sách, viết chữ tôi phải nhờ sự hỗ trợ của chiếc kính lúp. May mắn tôi có thể vượt qua được chính mình để học tập và kiếm được công việc đúng như mong muốn”, cô Long tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp ngành Hóa môi trường – Trường Đại học Đà Lạt, cô Long giảng dạy tại một ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị tại TP Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, cô quyết định trở về quê nhà để hỗ trợ, giúp đỡ những đứa trẻ khiếm khuyết. Ngoài dạy chữ cho trẻ khiếm thị, cô đảm nhận dạy môn Âm nhạc, giáo dục trẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử… với gia đình, thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh.

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum.

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum.

Cô Mai Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết, năm học 2022 - 2023 trường có 50 học sinh khuyết tật từ 6 đến 18 tuổi. Trong đó có 16 em là người của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum còn 34 học sinh được phụ huynh gửi gắm học tập.

Theo cô Dung, học sinh của trường chủ yếu là khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị và tăng động… Do đó, nhà trường phân theo lớp ghép nhiều trình độ để giảng dạy. Mỗi lớp có sĩ số từ 8 - 10 học sinh để giáo viên dễ dàng dạy kiến thức và trông coi, quản lý. Tuy nhiên, trường chưa có giáo viên được đào tạo dạy trẻ khuyết tật nên thầy, cô tự bồi dưỡng để có thể thích nghi, dạy tốt.

“Với học sinh nơi đây, nhà trường không áp lực về kiến thức mà chủ yếu giáo dục kỹ năng sống để các em dễ dàng hòa nhập. Mặc dù ít học sinh nhưng giáo viên giảng dạy tại Trung tâm lại vất vả hơn rất nhiều so với thầy cô tại trường chính. Bởi, mỗi em một tính cách nên đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại. Bên cạnh đó phải biết thấu hiểu, yêu thương trẻ mới có thể gắn bó lâu dài”, cô Dung nói.

Em Vương Quốc Khánh (18 tuổi) có mẹ em đi xuất khẩu lao động tại Trung Quốc, còn bố thì làm ăn xa. Từ khi sinh ra, em bị khiếm thị, đến năm 2013 được gia đình gửi vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội ở, học tập. “9 năm sinh sống tại đây em rất vui và hạnh phúc khi được thầy cô dạy kiến thức và chơi đùa cùng các bạn. Em ước mơ sau này có thể kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng hát của mình”, Khánh bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ