Trải nghiệm cuộc đời nhiều, kiến thức vững chắc, đã được thầy tận dụng để biến những giờ học môn Lịch sử thành khoảng thời gian hấp dẫn với bất cứ học sinh nào, kể cả những học sinh theo khối tự nhiên.
Có một điều lý thú: Trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, thầy từng chỉ huy một đơn vị chiến đấu (cấp trung đội) của bộ đội ta. Thầy thường lồng ghép tiết dạy với chiến trường thực, hầu hết các học trò đều mê mẩn chuyện này.
Nhớ về thầy, tôi ấn tượng nhất hai chuyện: Thứ nhất, thầy thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi chấm và trả bài kiểm tra: “Họ và tên phải viết liền mạch”. Chuyện này trúng ngay tôi, với tính cẩu thả khó sửa: Có khi “Nguyễn Th” - rồi xuống dòng vì không đủ chỗ do kẻ ô nhỏ và chữ lớn, nguyên âm “ên” đứng một mình dòng dưới. Thầy nhắc nhiều, cuối cùng tôi đã sửa được và nhớ mãi, thấy chuyện này dù tiểu tiết song có ý nghĩa, hình thức cũng quan trọng và trân trọng họ tên chính mình là chuyện cần.
Nhưng ở đây tôi muốn nói nhiều đến chuyện thứ hai: Bánh vẽ!
Môn Lịch sử tìm hiểu về các diễn biến chính trị Đông – Tây, kim – cổ, trong nước - ngoài nước, mỗi trang sử là mỗi câu chuyện về một dân tộc, một thời đại… Thầy đã khéo léo ẩn dụ bằng hình tượng như sau: Thầy cầm phấn vẽ lên bảng đen chiếc bánh rất to và… đẹp. Xong, thầy quay xuống hỏi học trò: “Bánh này các em ăn được không?”.
Có đứa vội vàng nói “được”, có đứa tinh ý đáp “không”. Đợi trò lắng xuống, thầy ôn tồn giảng khái niệm “bánh vẽ” là cách người ta sử dụng để dụ khi đánh vào lòng tham để thao túng ta, vì chiếc bánh ảo mà có khi hy sinh thân mạng mình. Câu chuyện ẩn lời, khuyên học trò không nên tin vào bánh vẽ và cẩn thận trước những cám dỗ của cuộc sống. Hồi đó chúng tôi đứa nào cũng thấy hay hay, song chưa hiểu sâu sắc ý thầy.
Càng sống càng thấy giá trị của câu chuyện chiếc bánh ngày nào và hàm ơn ông giáo già với câu chuyện ngoại đề giáo huấn học trò rất sâu xa. Trên bước đường đời, nhiều khi bạn cũ gặp lại nhau, ngồi hàn huyên một hồi lại nhắc bài dạy của thầy để như tự răn mình.
Cá nhân tôi lại thấm bài học của thầy theo cách riêng. Vốn ham đọc, từ ngày nhỏ tôi đã biết được nhiều thứ về miền Bắc xa xôi, về Hà Nội cổ kính. Tôi biết lịch sử Hồ Gươm, thành Thăng Long, đồng lúa Thái Bình, đê sông Hồng... Hễ có điều kiện là tôi lại khoe với bạn bè kiến thức về Hà Nội. Ông giáo dạy Văn thấu hiểu và gieo vào tôi kế hoạch đi miền Bắc: Em nuôi một con heo để mua vé tàu. Thế... heo đâu mà nuôi, hái rau cho đàn heo ăn đến lứa mẹ bán tất tôi không được... cái đuôi! Nhà nghèo, bao nhiêu là chuyện cần, “kế hoạch” nằm im mấy chục năm, nhưng sự ấm áp của nó còn hoài. Đó cũng là “bánh vẽ” theo cách hiểu nào đấy.
Rồi tôi cũng được đi miền Bắc, không chỉ một lần, bằng cả tàu hỏa lẫn máy bay. Tôi tắm mình trong không khí lạnh giá mùa đông miền núi phía Bắc, ăn phở trong hẻm Hà Nội, nhấm nháp cà phê Hồ Gươm, lục lọi mua sách ở phố Tràng Tiền, lang thang phố cổ... Tôi hãy còn nhớ như in kế hoạch nuôi heo mua vé tàu thuở nào. Chuyện nhỏ về “bánh vẽ” của ông thầy Lịch sử và “kế hoạch” nuôi heo của ông giáo Văn giúp tôi rất nhiều, cho dù những nội dung ấy không có trong giáo án. Cả hai thầy qua đời đã lâu, lời dạy tận tình hãy còn đối với học trò của thầy.