1. Loài cây tự tuyển vệ sỹ
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây lại là cuộc trao đổi hoàn hảo, đôi bên cùng có lợi.
Trong khi động vật có thể di chuyển, một số còn có thể dùng đuôi hoặc các cơ rung dưới da để xua đuổi cô trùng thì cây lại bị bất động. Điều này có nghĩa rằng sâu bọ và những ký sinh trùng sẽ tự do phá hoại cây. Tuy nhiên, một số loài cây lại không chịu số phận như vậy.
Loại cây keo là một trong số đó, không chỉ "thuê một vài vệ sỹ" mà nó thuê hẳn một đội quân kiến hùng hậu để tự bảo vệ khỏi sâu bọ. Tại sao lại nói là thuê? Bởi lẽ, thay vì trả công cho kiến, loài cây này lại bao trọn nơi ăn chốn ở sung túc hoàn toàn “miễn phí” cho chúng.
Không chỉ vậy, trong cây keo còn có chưa một loại chất độc gây nguy hiểm đối với các loài côn trùng nhưng không gây hại cho đội quân kiến, mà lại là một món ăn đầy dinh dưỡng.
2. Loài cây "tự sát" để duy trì giống nòi
Những người nông dân trồng điều đã vô tình phát hiện ra hiện tượng kỳ lạ này lần đầu tiên ở vùng Analalava, Madagascar, châu Phi. Đó là một loài cây cọ khổng lồ cao đến 18m rộng 5m, có khả năng kỳ lạ - "tự sát" sau khi sinh sản.
Không giống những loài cây khác, hoa trái nở nhiều lần trong nhiều năm, loài cây này sẽ hết mình để sinh sản, đến nỗi hy sinh cả tính mạng của nó. Bởi chúng dành quá nhiều năng lượng để thu hút côn trùng thụ phấn mà trở nên kiệt sức và chết sau khi ra quả.
3. Loài cây biết xấu hổ
So với cái tên tên khoa học Mimosa pudica khá phức tạp thì cây “trinh nữ” có vẻ gần gũi và quen thuộc đối với nhiều người. Sở dĩ cây trinh nữ biết “xấu hổ” khi có ai đụng vào là nhờ khả năng tự “thu gọn” khi gặp tác động từ bên ngoài.
Về phần cấu tạo, phần cuối cuống lá cây xấu hổ có một bọng lá chứa nước. Khi gặp tác động bên ngoài, phần nước lập tức dồn lên phía trên khiến phần dưới xẹp xuống, lá cây rủ xuống và khép lại. Nhưng chỉ một lát sau bọng lá lại đầy nước và lá cây trở về nguyên dạng ban đầu.
4. Cây chảy máu
Pterocarpus angolensis là một loài cây thân gỗ có khả năng kì lạ mà không phải cây nào cũng có - chảy máu.
Đây là một giống cây ở Nam Phi, cây mang trong mình một loại nhựa có màu đặc biệt. Khi cắt ngang thân hay một cành, những dòng nhựa màu đỏ hơi sánh trong thân của nó sẽ bắt đầu khô và chuyển thành đỏ thẫm rất giống màu máu. Loại nhựa này còn có tác dụng như chất keo dính gắn liền và chữa lành các vết thương của cây.
5. Phát tín hiệu cảnh báo
Để chống lại sự tấn công của các loài côn trùng, cây ngải đắng có khả năng gửi tín hiệu cảnh báo cho “đồng bọn” khi bị tấn công.
Điều này có nghĩa là khi có sự “xâm lăng” hay mối đe doạ nào đó, loài cây này sẽ phát đi những tín hiệu bằng việc phát tán một hợp chất hóa học vào không khí.
Sau khi nhận được tín hiệu này, những cây ngải đắng khác nằm xung quanh sẽ sản sinh một chất hóa học đặc biệt để xua đuổi côn trùng. Cơ chế hoạt động của loài cây này được các nhà nghiên cứu sinh vật đánh giá là một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo.