Những kỳ vọng trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2017-2018 là năm thứ 2, ngành giáo dục triển khai thực hiện các chủ trương đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tiếng trống khai trường rộn ràng, các thầy cô giáo, các em học sinh và quý bậc phụ huynh hân hoan chào mừng năm học mới với nhiều kỳ vọng tốt đẹp...

Những kỳ vọng trước thềm năm học mới

An toàn, thân thiện

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Kỳ vọng lắm, ở mọi nơi mọi lúc, trường học thực sự là mái ấm, là môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, thân thiện. Muốn vậy, cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng ốc phải kiên cố, an toàn. An toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm phải đảm bảo.

Môi trường giao tiếp, ứng xử phải thực sự văn minh, chuẩn mực. “Nói không” với bạo lực học đường phải đi đôi với xây dựng phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong đó trọng trách đặt ra đối với người thầy thật lớn, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

Các cơ sở giáo dục, trường học cần chủ động giảm áp lực cho học sinh, giáo viên như cắt giảm những cuộc thi không cần thiết, bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong tiêu chí xét danh hiệu thi đua giáo viên.  

Kỳ vọng một năm học mới thực sự biến đối về “chất”, không khoa trương, hình thức như trước đây. Động thái đầu tiên được thể hiện bằng tinh thần chỉ đạo lễ khai giảng năm nay của ngành giáo dục các địa phương.

Đơn cử như Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo “diễn văn khai giảng của hiệu trưởng cần ngắn gọn, không báo cáo thành tích. Nhà trường chỉ mời lãnh đạo các cấp đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường, không mời lãnh đạo phát biểu trong lễ khai giảng”; Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào sáng 5-9, thời gian tổ chức gói gọn trong đúng 1 tiếng đồng hồ.

Sự đổi mới cụ thể, thiết thực trên đón nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía thầy trò, phụ huynh.

Không lạm thu

Theo quan điểm cá nhân của tôi, “trường học thân thiện” trong bối cảnh hiện nay còn bao hàm nghĩa “không lạm thu”. Không được phép thu thêm các khoản ngoài học phí, đó là chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đây không phải lần đầu tiên Bộ chỉ đạo điều này, song trước đây nhiều địa phương, trường học thực hiện chưa nghiêm.

Mong sao năm học này vấn đề này được chấn chỉnh triệt để. Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo công tác thanh tra năm học 2017-2018, yêu cầu các Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm thanh tra để chấn chỉnh kịp thời sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.

Hy vọng năm học này phụ huynh không còn gánh nặng các khoản đóng góp ngoài luồng trên danh nghĩa “tự nguyện” ủng hộ, “thỏa thuận” đóng góp.

Thi cử thực sự đổi mới

Những năm qua, thi cử từng bước được đổi mới, ngành giáo dục nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, do tác động về việc làm, thu nhập, cung cầu lao động .. đã dẫn đến một số bất cập về thi cử như: 30 điểm/ 3 môn bị rớt đại học tốp đầu ngành y khoa, quân đội; 9 điểm/ 3 môn đỗ đại học sư phạm... Hy vọng “sự cố” hy hữu này không lặp lại. 

Vị trí người thầy ngày càng nâng cao

Điểm chuẩn vào ngành sư phạm thấp, điều đó chưa hẳn vị thế người thầy giảm đi. Như trên đã nói, đó là do thị trường lao động, liên quan đến việc làm, thu nhập, xu thế nghề nghiệp... Tôi tin rằng ở thời nào vị trí người thầy cũng được đề cao, xem trọng. Nhưng hy vọng trong nền kinh tế thị trường, vị trí người thầy vẫn ngày càng được nâng cao. Mong rằng từng bước ngành sư phạm được đãi ngộ xứng đáng như ngành công an, quân đội. 

Vị trí người thầy ngày càng nâng cao khi người giỏi chọn nghề giáo, khi không còn hàng loạt sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, khi không còn giáo viên trung học xuống dạy mầm non... Và khi giáo viên không lấy dạy thêm là phương tiện cải thiện thu nhập vì chưa “sống được bằng lương”. 

Sự chia sẻ, đồng hành của xã hội

Qua thông tin trên báo chí, không ít người thành phố ngạc nhiên trước mô hình “nhà bán trú” có một không hai ở huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là những cái “nhà sắt” làm từ những chiếc container. Với các em học sinh dân tộc Kor ở đây, những chiếc “nhà sắt” xinh xắn này là món quà thật ý nghĩa đầu năm học mới.

Dẫu còn khó khăn nhưng các em vẫn may mắn hơn so với học sinh ở điểm trường bản Phá, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa. Nơi đó, các em học sinh còn học trong những phòng bằng gỗ lợp lá cọ đang xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi, bàn ghế cũ kỹ… Còn không ít những điểm trường tranh tre nứa lá tương tự như thế. Có nơi các em học sinh phải đi học từ 5 giờ sáng, leo núi, băng rừng, lội suối... Con đường đến lớp còn rất gian nan. 

Có những vấn đề mà bản thân ngành giáo dục không tự giải quyết được, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Những học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dù được hưởng những chính sách ưu tiên của xã hội nhưng vẫn còn đó khá nhiều khó khăn, nhọc nhằn trên con đường “đi học lấy cái chữ”. Mong được sẻ chia, đồng hành cũng là một niềm kỳ vọng của các em trước thềm năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ