Những kỹ năng giúp du học sinh bớt áp lực nơi "đất khách quê người"

GD&TĐ - Sự khác biệt về lối sống, văn hoá có thể khiến cuộc sống du học sinh gặp nhiều trở ngại và lo lắng. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng và bớt áp lực nếu có được những kỹ năng hoà nhập và cập nhật.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Vượt qua “áp lực tự lập”

Đi du học khi đã 18 tuổi, song Nguyễn Thu Huệ, du học sinh Nhật Bản không quên những ngày khó khăn vì nhớ gia đình, ngán ngẩm với đồ ăn và phải tự lực cánh sinh mọi thứ.

Lúc nào cũng ôm khư khư điện thoại và liên tục gọi điện về cho người thân vì nhớ, vì không thể quen với một môi trường hoàn toàn mới.

Thế nhưng nếu không tìm cách vượt qua thì không thể đạt được những mục tiêu đặt ra khi đi du học.

Để vượt qua nỗi nhớ gia đình, quê hương khi mới đi du học là cả một sự nỗ lực lớn.

Thay vì 2 tiếng mỗi ngày gọi về cho gia đình thì Thu Huệ giảm xuống còn 2 tiếng/tuần và dành thời gian kết nối, khám phá về nơi ở mới.

Cùng đó, lên kế hoạch du lịch ở vùng đất đang sinh sống, giảm thời gian cho mạng xã hội. Sau một thời gian khám phá, Thu Huệ nhận ra những món ăn địa phương cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Thay vì cắm đầu vào các cửa hàng ăn nhanh, cô bạn cũng tìm ra được những món ăn ngon của nhiều nước.

Còn với Thu Hiền, du học sinh trường University of San Diego (California - Hoa Kỳ), thời gian đầu chưa chuẩn bị tâm lý phải tự làm mọi việc vì ở Việt Nam có người lo cho tất cả.

Đặc biệt, hồi mới qua Thu Hiền chưa quen thời tiết lạnh ở Bắc Mỹ nên bị ốm thường xuyên, tủi thân vì chỉ có một mình.

Rút kinh nghiệm Thu Hiền bắt đầu lên lịch luyện tập tăng cường sức khoẻ cho bản thân bằng cách tập yoga và chạy bộ quanh công viên.

Tập thói quen đi chợ và nấu ăn ở nhà. Chuyện ốm vặt vãnh không còn và Thu Hiền cũng biết cách tự chăm sóc bản thân.

Không ít du học sinh đã không vượt qua được áp lực của sự cô đơn và mới mẻ của cuộc sống du học, phải bỏ cuộc ngay thời gian đầu.

Bởi vậy, hành trang du học là thứ mà bất cứ học sinh nào cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn trở thành một du học sinh thành công.

Để giảm bớt những “áp lực tự lập” khi bắt đầu cuộc sống du học, theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Du học E.T.A.S, khi đi du học các bạn bắt buộc phải trang bị kỹ càng các kỹ năng: tự chăm sóc bản thân, tự phục vụ cho cuộc sống vì du học đồng nghĩa với việc không có bố mẹ lo cho tất cả như khi còn học ở nhà. Từ việc dọn dẹp chỗ ở, giặt giũ quần áo, nấu nướng đến việc tự chăm sóc cá nhân, thủ tục giấy tờ, liên hệ sứ quán,...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vượt rào cản ngôn ngữ

Sự khác biệt về lối sống, bất đồng ngôn ngữ và tỉ thức khác phải đối mặt có thể khiến cuộc sống du học sinh gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, mọi việc đều có thể vượt qua nếu bạn biết cách thích nghi để đạt được những mục tiêu đặt ra từ đầu.

Nhiều du học sinh chia sẻ, thời gian đầu gặp khó khăn khi giao tiếp với người dân bản xứ vì họ nói với tốc độ nhanh và sử dụng nhiều từ lóng. Nếu muốn nhanh chóng hoà nhập với dân bản địa thì cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Ngôn ngữ chính là công cụ hữu hiệu giúp bạn có một cuộc sống hoà nhập. Ngồi học cả buổi vò đầu bứt tai vì chẳng thể nào hiểu hết được những gì các giáo sư giảng.

Kinh nghiệm cho thấy, nên tránh dùng văn phong học thuật trang trọng để sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Bạn có thể học cách dùng từ ngữ, giọng điệu như một người bản xứ từ phim, các chương trình truyền hình nổi tiếng. Đây là bí kíp để du học sinh hoà nhập nhanh hơn.

Luôn chủ động để giảm áp lực học tập

Khi bắt đầu đi du học, áp lực học tập luôn hiện hữu, dù ít hay nhiều đều không tránh khỏi và đó cũng là một phần giúp du học sinh có động lực học tập tốt hơn, chủ động hơn trong học tập.

Thu Huệ chia sẻ, khi đi du học thì bạn hoàn toàn phải chủ động trong học tập, chủ động trong tư duy và phương pháp học. Bạn phải tự tìm kiếm tài liệu, tự giác nghiên cứu môn học rồi gặp thầy cô trao đổi.

Kinh nghiệm của Thu Huệ là không nên giấu diếm khuyết điểm, thắc mắc của mình với bạn bè, thầy cô. Hãy mạnh dạn hỏi nếu sau quá trình tự tìm hiểu mà bạn vẫn không có câu trả lời. Trang thiết bị, thư viện, thầy cô đều hỗ trợ tối đa cho việc học nhưng bạn phải là người chủ động tận dụng những nguồn đó. Mỗi trường có cách tìm kiếm tư liệu học tập khác nhau nên tìm hiểu cách thức thông qua hội sinh viên hoặc anh chị khoá trước.

Du học hoàn toàn không phải con đường tới thành công được trải thảm và hoa hồng. Vậy nên, khi đã có hoạch định tương lai bằng du học, bạn hãy chuẩn bị một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng những kỹ năng trên để tránh “vỡ mộng” và tự tin gặt hái thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ