Tết của du học sinh: Nồng ấm vị quê hương

GD&TĐ - Đón Tết Nhâm Dần trong điều kiện biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, du học sinh Việt Nam tại nước ngoài vẫn tất bật chuẩn bị các hoạt động chào năm mới nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà.

Du học sinh Trường ĐH Tài chính Kinh tế Trung ương luyện viết thư pháp. Ảnh: NVCC
Du học sinh Trường ĐH Tài chính Kinh tế Trung ương luyện viết thư pháp. Ảnh: NVCC

Nỗi niềm người con xa xứ

2022 là năm thứ ba Nguyễn Diệu Linh, du học sinh Trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương, đón Tết cổ truyền tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Du học từ tháng 9/2019, kỳ nghỉ đông và Tết Nguyên đán năm 2020, Linh lựa chọn ở lại Trung Quốc để trải nghiệm sự khác biệt khi đón Tết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và đến nay, Trung Quốc vẫn chưa cho phép du học sinh nước ngoài nhập cảnh. Do vậy, Tết Âm lịch năm 2022, Linh không thể về nước. Nếu về Việt Nam, nhiều khả năng nữ sinh không thể trở lại trường sau kỳ nghỉ đông.

Diệu Linh bộc bạch: Mình rất buồn và nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các em. Kỳ nghỉ đông tại Trung Quốc kéo dài gần 2 tháng. Mỗi khi bắt đầu nghỉ đông, các bạn sinh viên Trung Quốc đều háo hức kéo vali về nhà ăn Tết. Tiết trời lạnh khiến không khí trong trường ảm đạm càng làm mình cảm thấy nhớ nhà hơn.

Mâm cơm Tết của du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: NVCC
Mâm cơm Tết của du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, Linh thấy may mắn vì các thầy cô trong trường rất tâm lý, quan tâm tới sinh viên quốc tế. Linh kể: Dịp Tết năm trước, Trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương tổ chức viết thư pháp và tặng quà cho lưu học sinh ở lại trường. Ngoài ra, các thầy cô quản lý ký túc xá chuẩn bị bữa cơm đêm Giao thừa để mọi người quây quần bên nhau đón năm mới. Nhận được những món quà và tình cảm như vậy, du học sinh đều rất vui và hạnh phúc, nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào.

Hiện, Linh thực tập toàn thời gian cho một công ty tại Bắc Kinh nên thay vì nghỉ Tết gần 2 tháng, năm nay nữ sinh chỉ nghỉ 7 ngày. “Em dự kiến đi du lịch để hiểu hơn về văn hóa và con người Trung Quốc bởi hơn 2 năm dịch bệnh với nhiều lệnh giãn cách đã ảnh hưởng đến kế hoạch. Em muốn được trải nghiệm nhiều hơn trước khi tốt nghiệp”, Linh bày tỏ.

Mặc dù, không đón Tết Nguyên đán nhưng nhiều sinh viên người Việt tại Anh vẫn háo hức tổ chức đón tất niên. Lương Ngọc Trang, du học sinh Trường Đại học Southampton, cho hay: “Trở về Việt Nam cần đặt vé và lên lịch sớm nhưng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhất là khi Anh ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 biến thể Omicron, mọi kế hoạch đều có thể bị thay đổi vào phút chót. Em sợ về nước và trở lại Anh phải cách ly 14 ngày sẽ lỡ thời gian học. Hơn nữa, ngồi máy bay cũng có nguy cơ nhiễm cao nên em chọn ở lại dù rất nhớ Việt Nam”.

Lần đầu tiên đón Tết xa quê hương, ngày 30 Tết, Trang sẽ cùng bạn bè chuẩn bị đón tất niên. Mọi người đi chợ châu Á mua nguyên liệu làm những món ăn Việt như nem rán, gà luộc, bánh chưng. Sau khi liên hoan, Trang sẽ gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để chúc năm mới bình an, may mắn.

Lễ tổng kết cuối năm 2020 của du học sinh Việt Nam tại Singapore. Ảnh: NVCC
Lễ tổng kết cuối năm 2020 của du học sinh Việt Nam tại Singapore. Ảnh: NVCC

Hướng về vị Tết cổ truyền

Chị Đoàn Thị Minh Phượng - Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ - cho biết: “Trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm 2022, nhiều du học sinh muốn trở về sum vầy cùng gia đình nhưng rơi vào thời điểm trường học tại Mỹ vẫn hoạt động. Chưa kể, dịch bệnh khiến cho việc đi lại khó khăn nên nhiều sinh viên lựa chọn ở lại Mỹ đón Tết cùng cộng đồng người Việt tại đây”.

Hàng năm, du học sinh thuộc các hộ người Việt trên khắp nước Mỹ thường tập trung nấu ăn, tổ chức các hoạt động truyền thống. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh căng thẳng, các thành viên, hội viên đã chuyển sang đón Tết theo nhóm nhỏ hoặc tổ chức online.

“Điều này không ảnh hưởng đến tinh thần của người Việt trẻ ở Mỹ, luôn tìm cách hướng về ngày Tết truyền thống của dân tộc. Các bạn vẫn chuẩn bị những món ăn truyền thống, chia sẻ hình ảnh Tết ở Mỹ và cùng nhau tổng kết lại một năm đã qua, đặt mục tiêu cho một năm mới khởi sắc và nhiều điều tốt đẹp hơn”, chị Phượng cho hay.

Thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore tham gia sự kiện Faithfull ASEAN. Ảnh: NVCC
Thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore tham gia sự kiện Faithfull ASEAN. Ảnh: NVCC

Hàng năm, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đều tổ chức cuộc thi mang chủ đề Tết, thu hút hàng trăm du học sinh tại Mỹ tham dự. Đơn cử, năm 2021, cuộc thi “Hương vị Tết” giúp các bạn chia sẻ hình ảnh hoặc video món ăn ngày Tết tự làm và có ý nghĩa đặc biệt.

Năm 2022, Hội tiếp tục phát động cuộc thi giúp cộng đồng người Việt ở Mỹ gắn kết, lan tỏa nét đẹp truyền thống đến nhiều người, trong đó có bạn bè quốc tế, từ đó xây dựng một cộng đồng du học sinh gắn kết hơn. Hội luôn chào đón các bạn trẻ để cùng nhau lan tỏa Tết truyền thống và các hoạt động học tập, làm việc qua thông tin: sinhvienusa.org hoặc fb.com/sinhvienusa/.

Còn Đỗ Anh Khoa - Trưởng ban Chương trình của Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore - cho biết: Để chuẩn bị Tết Nhâm Dần 2022, từ ngày 15 - 16/1, Hội Sinh viên cùng với Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore tổ chức sự kiện gói bánh chưng với sự tham gia của học sinh, sinh viên và cựu học sinh tại Singapore. Ước tính 200 phần bánh chưng cùng các túi quà nhỏ được gửi đến cộng đồng người Việt tại “quốc đảo sư tử” trong 3 ngày từ 16 - 18/1.

Tổ chức đón Tết cổ truyền trong điều kiện dịch, Hội Sinh viên Việt Nam giới hạn số người tham gia chương trình gói bánh chưng bảo đảm quy định giãn cách xã hội của Chính phủ Singapore. Các bạn đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và giữ khoảng cách khi tổ chức các hoạt động, di chuyển trong quá trình giao quà.

Theo Khoa, số ca nhiễm hàng ngày tại Singapore không còn cao, người dân tích cực tham gia tiêm vắc-xin nhưng du học sinh Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn nếu về nước. Lý do phổ biến là các biện pháp cách ly tại Singapore còn nghiêm ngặt. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến chi phí cách ly, tiền vé máy bay. Ngoài ra, du học sinh tại Singapore chỉ được nghỉ Tết vào ngày mùng 1, 2 âm lịch nên không có nhiều thời gian sum vầy cùng gia đình.

“Trước tình hình dịch như hiện nay, nhiều du học sinh thấy tiếc nuối khi không thể ở bên gia đình nhưng Hội Sinh viên Việt Nam cùng cộng đồng người Việt tại Singapore luôn cố gắng cùng nhau tổ chức hoạt động chào năm mới. Đây là cơ hội để mọi người lan tỏa vị Tết quê hương và dành cho nhau những lời chúc năm mới tốt đẹp, may mắn”, Khoa bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ