Cách các bố và mẹ giao tiếp, đối xử và hợp tác với nhau ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của trẻ. Việc dạy con vâng lời, ngoan ngoãn sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bố và mẹ thể hiện sự tôn trọng, hợp tác và khuyến khích lẫn nhau.
Ngược lại, trẻ có thể nhận được những thông điệp sai lầm về tình yêu và cuộc sống, nếu bố mẹ có những hành xử không đúng. Cách hành xử khác thường của phụ huynh có thể làm ảnh hưởng tới cách mà con cái họ nhìn nhận về bản thân mình cũng như về thế giới xung quanh.
Dưới đây là năm cách hành xử thường thấy của cha mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái họ:
1. Cạnh tranh nhau để trở thành vị phụ huynh tốt nhất
Thay vì hợp tác với nhau, một số cặp vợ chồng cư xử như thể họ đang cạnh tranh trực tiếp với nhau. Thật không may, khi các vị phụ huynh cạnh tranh với nhau để có được danh hiệu người mẹ hoặc người bố của năm, tất cả họ đều là người thua cuộc.
Sức mạnh của gia đình chỉ có được khi tất cả mọi thành viên đoàn kết với nhau. Cố gắng chứng tỏ rằng bạn có thể thức dậy nhiều lần trong đêm để chăm con, hoặc rằng bạn có thể quán xuyến việc nhà tốt hơn đối phương có thể làm tổn thương mối quan hệ của bạn, cũng như con bạn.
Con trẻ chỉ được lợi nhất khi cả bố và mẹ đều là những phụ huynh tốt, chứ không phải là một phụ huynh kiệt sức vì cố gắng trở thành siêu anh hùng, trong khi người kia chán nản vì vai trò của mình nửa kia bị đánh giá thấp. Đoàn kết chính là cách để các bậc cha mẹ làm tròn nghĩa vụ của mình một cách tốt nhất.
2. Phản ứng khác nhau
Phong cách nuôi dạy con khác nhau có thể khiến cha mẹ có những phản ứng trái ngược nhau về cùng một vấn đề khi nuôi dạy con. Nếu một người mẹ tỏ ra quá nghiêm khắc, người cha có thể phản ứng bằng cách không đồng tình với quan điểm của người mẹ để khiến tình hình trở nên dễ chịu hơn.
Bố mẹ nên trao đổi và cùng nhau đặt ra những quy tắc trong gia đình để đảm bảo hai người sẽ đều hành xử một cách nhất quán, việc dạy dỗ bé sẽ trở nên đơng giản và hiệu quả hơn (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trò “người tốt, người xấu” sẽ khiến trẻ cư xử không tốt khi mắc lỗi. Nếu bạn và nửa kia không đồng tình về vấn đề kỉ luật, kiểm tra và phong cách nuôi dạy con cái, cả hai nên trao đổi và cùng nhau đặt ra những quy tắc trong gia đình để đảm bảo hai người sẽ đều hành xử một cách nhất quán.
3. Ganh đua để được yêu qúy nhất
Đôi khi cha mẹ cố gắng hết sức để có thể trở thành người bố hoặc người mẹ yêu thích của con em mình. Mong muốn ấy của họ có thể khiến họ cư xử thiếu chừng mực, thậm chí những cố gắng của họ để đổi lấy sự ủng hộ và yêu quý của con cái mình có thể làm hư chúng.
Cố gắng để con cái yêu quý bạn hơn so với đối phương có thể gây phản tác dụng. Con bạn sẽ chỉ muốn bạn bỏ qua những quy tắc. Bạn cần đặt cho trẻ những nguyên tắc rõ ràng, những giới hạn và kỷ luật phù hợp. Nghĩa là sẽ có những lúc chúng chẳng thích bạn chút nào.
4. Thông đồng với trẻ
Có một số cách thường thấy để cha mẹ thông đồng với trẻ. Đó là khi người mẹ dành nhiều tiền hơn mức bình thường để mua quần áo cho con cái và bảo với chúng rằng “Đừng kể với bố”, hay khi người cha “bày mưu” để người mẹ không biết được rằng việc chiếc đèn bị hỏng là do con bạn gây ra trong một trận bóng sau vườn.
Tất cả những cách hành xử trên thật ra đền không giúp cải thiện được tình hình. Giữ bí mật với đối phương, nói dối, phàn nàn về những phụ huynh khác với con bạn, hoặc đồng ý với những hành vi mà các phụ huynh khác sẽ không bao giờ cho phép, là một cách cư xử không lành mạnh.
Các bậc cha mẹ nên có trách nhiệm như nhau với con cái của mình. Khi một phụ huynh bắt đầu thông đồng với một đứa trẻ, các vấn đề khác trong gia đình sẽ có thể nảy sinh. Hãy hợp tác với nhau trong việc nuôi dạy con con cái không bao giờ khiến con trở thành đồng minh để chống lại đối phương.
5. Bất đồng quan điểm
Sẽ là không tốt khi để cho con cái thấy cha mẹ tranh cãi xem điều gì là tốt nhất với chúng. Đó là khi cha hoặc mẹ nói “Thằng bé không cần phải bị phạt về điều đó ” hoặc “Anh nghĩ rằng hôm nay con nên được phép đi chơi với bạn của nó “.
Thể hiện rằng mình thiếu tôn trọng quan điểm của bên kia sẽ khiến cho trẻ có xu hướng cũng làm như vậy.
Hãy cho con bạn thấy rằng bạn tôn trọng ý kiến của nửa kia trong việc nuôi dạy chúng. Nếu bạn không đồng tình với một phương pháp kỷ luật, hãy thể hiện sự thống nhất khi nói chuyện với con và chỉ nói về những điều bạn muốn tranh luận một cách riêng tư.
Những quy tắc và hình thức kỉ luật sẽ có hiệu quả hơn khi trẻ không nhận thấy sự bất đồng quan điểm giữa cha mẹ chúng.