Kĩ thuật “khăn trải bàn”
Khăn phủ bàn là một kĩ thuật dạy học đơn giản, dễ thực hiện, có thể tổ chức trong tất cả các bài học, môn học, cấp học giống như học theo nhóm. Tuy nhiên kĩ thuật khăn phủ bàn khắc phục được những hạn chế của học theo nhóm.
Trong học theo nhóm, nếu tổ chức không tốt, đôi khi chỉ có các thành viên tích cực làm việc, các thành viên thụ động thường hay ỷ lại, trông chờ, “nghỉ ngơi” như người ngoài cuộc hoặc như một quan sát viên. Do đó dẫn đến mất nhiều thời gian và hiệu quả học tập không cao.
Trong kĩ thuật khăn phủ bàn đòi hỏi tất cả các thành viên phải làm việc cá nhân, suy nghĩ, viết ra ý kiến của mình trước khi thảo luận nhóm. Như vậy có sự kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.
Từ đó, các cuộc thảo luận thường có sự tham gia của tất cả các thành viên và các thành viên có cơ hội chia sẽ ý kiến, kinh nghiệm của mình, tự đánh giá và điều chỉnh nhận thức của mình một cách tích cực. Nhờ vậy hiệu quả học tập được đảm bảo và không mất thời gian cũng như giữ được trật tự trong lớp.
Cách tiến hành phương pháp này như sau: Chia học sinh thành các nhóm và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy A0.
Trên giấy A0 chia thành các phần, gồm phần chính giữa và các phần xung quanh. Phân xung quanh được chia theo số thành viên của nhóm (ví dụ nhóm 4 người). Mỗi người ngồi vào vị trí tương ứng với từng phần xung quanh.
Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, tập trung suy nghĩ trả lời câu hỏi/nhiệm vụ theo cách nghĩ cách hiểu riêng của mỗi cá nhân và viết vào phân giấy của mình trên tờ A0.
Trên cơ sở những ý kiến của mỗi cá nhân, học sinh thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến và viết vào phần chính giữa của tờ giấy A0 “khăn phủ bàn”.
Khi chức dạy học theo kĩ thuật khăn phủ bàn cần lưu ý: Câu hỏi thảo luận là câu hỏi mở.
rong trường hợp số học sinh trong nhóm quá đông, không đủ chỗ trên “khăn phủ bàn”, có thể phát cho học sinh những mảnh giấy nhỏ để học sinh ghi ý kiến cá nhân, sau đó đính vào phần xung quanh “khăn phủ bàn”.
Trong quá trình thảo luận thống nhất ý kiến, đính những ý kiến thống nhất vào giữa “khăn phủ bàn”. Những ý kiến trung nhau có thể đính chồng lên nhau.
Những ý kiến không thống nhất, cá nhân có quyền bảo lưu và được giữ lại ở phần xung quanh của “khăn phủ bàn”.
Kĩ thuật “các mảnh ghép”
Kỹ thuật “các mảnh ghép” là kĩ thuật dạy học mang tính hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp, kích thích sự tham gia tích cực cũng như nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác.
Cách tiến hành qua 3 vòng.
Vòng 1: Nhóm chuyên sâu. p học sẽ được chia thành các nhóm (khoảng từ 3- 6 người). Mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ với những nội dung học tập khác nhau.
Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, suy nghĩ về câu hỏi, chủ đề và ghi lại những ý kiến của mình.
Khi thảo luận nhóm phải đảm bảo mỗi thành viên trong từng nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao và trở thành chuyên gia của lĩnh vực đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại câu trả lời của nhóm ở vòng 2.
Vòng 2: Nhóm mảnh ghép
Hình thành nhóm mới khoảng từ 3 – 6 người (bao gồm 1- 2 người từ nhóm 1; 1-2 từ nhóm 2; 1 - 2 người từ nhóm 3…), gọi là nhóm mảnh ghép.
Các câu hỏi và câu trả lời của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau.
Khi mọi thành viên trong nhóm mới đều hiểu, được tất cả nội dung ở vòng 1 thì nhiệm vụ mới sẽ được giao cho các nhóm để giải quyết (lưu ý nhiệm vụ mới này phải gắn liền với kiến thức thu được ở vòng 1)
Các nhóm mới thực hiện nhiệm vụ trình bày và chia sẻ kết quả.
Khi tổ chức dạy học theo kỹ thuật các mảnh ghép cần lưu ý: Đảm bảo những thông tin từ các mảnh ghép lại với nhau có thể hiểu được bức tranh toàn cảnh của một vấn đề và là cơ sở để giải quyết một nhiệm vụ phức hợp ở vòng 2.
Các chuyên gia ở vòng 1 có thể có trình độ khác nhau, nên cần xác định yếu tố hỗ trợ kịp thời để tất cả mọi chuyên gia có thể hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 1, chuẩn bị cho vòng 2.
Số lượng mảnh ghép không nên quá lớn để đảm bảo các thành viên có thể truyền đạt lại kiến thức cho nhau.
Đặc điểm của nhiệm vụ mới ở vòng 2 là một nhiệm vụ phức hợp và chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở nắm vững những kiến thức đã có ở vòng 1. Do đó cần xác định rõ những yếu tố cần thiết về kiến thức, kĩ năng, thông tin,…cũng như các yếu tố hỗ trợ cần thiết để giải quyết nhiệm vụ phức hợp này.
Kĩ thuật KWL
Kỹ thuật KWL là sơ đồ liên hệ các kiến thức đã biết liên quan đến bài học, các kiến thức muốn biết và các kiến thức học được sau bài học. Trong đó K(Know) - điều đã biết; W (Want to know) – điều muốn biết; L (Learned) – điều đã học được.
Cách tiến hành qua 4 bước:
Bước 1: Sau khi giới thiệu bài học, mục tiêu cần đạt của bài học, giáo viên phát phiếu học tập “KWL” (kỹ thuật này có thể thực hiện cho cá nhân hoặc nhóm học sinh).
Bước 2: Hướng dẫn học sinh điền các thông tin vào phiếu học tập.
Bước 3: Học sinh điền các thông tin trên phiếu, bao gồm: Tên bài học (hoặc chủ đề); tên học sinh (hoặc nhóm học sinh); lớp; trường.
Yêu cầu học sinh viết vào cột “K” những gì đã biết liên quan đến nội dung bài học hoặc chủ đề.
Sau đó viết vào cột W những gì các em muốn biết về nội dung bài học hoặc chủ đề.
Bước 4: Sau khi kết thúc bài học hoặc chủ đề, học sinh điền vào cột “L” của phiếu những gì vừa học được. Lúc này, học sinh xác nhận về những điều các em đã học được qua bài học đối chiếu với điều muốn biết, đã biết để đánh giá kết quả học tập, sự tiến bộ của mình qua giờ học.
Từ thực tế giảng dạy, cô Nguyễn Thị Liên nhận thấy việc sử dụng các kĩ thuật dạy học nói trên thực sự khơi dậy hứng thú khi tìm hiểu bài học của học sinh, các em hiểu bài nhanh và nắm bài vững. Số học sinh hiểu và nắm được bài ngay tại lớp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, để có thể sử dụng tốt các kỷ thuật dạy học và mang lại hiệu quả cao, giáo viên cần tích cực nghiên cứu các kĩ thuật dạy học tích cực để vận dụng một cách thành thạo và có hiệu quả vào quá trình dạy học.
Đồng thời, lưu ý vận dụng linh hoạt vào từng tiết học, không làm hình thức, không quá lạm dụng các kĩ thuật dạy học tích cực.