Quan sát TBDH
Quan sát TBDH là dùng thị giác nhận biết các hình ảnh, màu sắc, hình dáng, chi tiết của TBDH.
Đối với tranh ảnh, bản đồ, lược đồ, đường nét, hình ảnh, màu sắc tuy chỉ phản ánh những vấn đề cụ thể nhưng lại có giá trị giúp học sinh (HS) dễ dàng tạo ra các biểu tượng về tri thức.
TS Phạm Văn Nam cho rằng, việc ghi nhớ hình dáng, đường nét, màu sắc được ghi lại ở tranh ảnh , bản đồ, sự vật trong quá trình quan sát là rất quan trọng.
Ví dụ, khi dạy bài Lịch sử “Nước Đại Cồ Việt thời Đinh – Lê” (Lịch sử 7 - THCS), giáo viên (GV) có thể sử dụng cả tranh ảnh và bản đồ.
Tranh ảnh là hình ảnh di tích đời nhà Đinh, nhà Lê (đền thờ Đinh Tiên Hoàng, cụm di tích cố đô Hoa Lư, tượng Lê Đại Hành, chùa Một cột, một số hình ảnh về đồ gốm,…); bản đồ về địa thế của 12 sứ quân, bản đồ vùng đất Ninh Bình ba mặt có núi Trường An, dòng sông Hoàng Long án ngữ.
Quan sát các tranh ảnh, bản đồ này, HS chắc chắn sẽ có được những biểu tượng sơ đẳng về triều đại nhà Đinh, nhà Lê thời đó. Đây sẽ là cơ sở để phát triển những cắt nghĩa, suy luận, lí giải về lịch sử của HS.
Đối với môn Sinh học, GV cũng phải dùng tranh để minh họa những kiến thức mà HS không thể dễ dàng quan sát được từ thực tế.
Ví dụ, “Bộ tranh cấu tạo tế bào” (Sinh học 8 - THCS). Tế bào là thực thể không thể quan sát bằng mắt thường. Bộ tranh cấu tạo tế bào mô tả hình dạng kích thước, màu sắc làm cho HS có thể nhận ra và phân biệt được thế nào là tế bào động vật và tế bào thực vật.
Màu sắc trong tranh sẽ thể hiện được tế bào động vật không có chất diệp lục mà chỉ có trung thể, ngược lại tế bào thực vật có bào quan để dùng trong quang hợp,…
Tranh cấu tạo cơ quan hô hấp lại giúp HS nhận biết và ghi nhớ các bộ phận làm nên cơ quan hô hấp: đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và hai lá phổi (bên trái 3 thùy, bên phải 2 thùy) với nhiều phế nang – nơi xảy ra quá trình trao đổi khí và hơi nước giữa khí hít vào và khí thở ra.
Quan sát bức tranh này, HS cũng quan sát được cơ chế hô hấp (nếu có tranh động hoặc phần mềm thì việc quan sát có hiệu quả cao hơn) do áp lực của không khí trong phế nang so với lực khí quyển luôn có sự chênh lệch. Sự chênh lệch luôn được tạo ra bởi việc co dãn của cơ hoành, cơ liên sườn trong và cơ liên sườn ngoài.
Lắp đặt TBDH
Lắp ráp các TBDH giúp cho việc thực hiện thành công các thí nghiệm hay không và cũng chứng tỏ HS có nắm được lượng tri thức được TBDH chuyển tải hay không.
Trong thực tế, có khi chỉ một vài sai sót nhỏ cũng khiến cho việc sử dụng TBDH đạt hiệu quả không cao.
Ví dụ, bên cạnh việc vẽ sơ đồ thí nghiệm kiểm nghiệm Định luật Jun – Len xơ, HS còn phải thể hiện tác phong cẩn thận, kiên trì, chính xác và trung thực trong quá trình thực hiện các phép đo và ghi lại các kết quả của các phép đo thí nghiệm.
Bộ thí nghiệm này bao gồm: Nguồn điện một chiều 12 V từ bộ nguồn ổn áp; Ampe kế có giới hạn đo là 1 A và độ chia nhỏ nhất là 0,1 A; Vôn kế một chiều thang đo 12 V; Biến trở loại 20 Ω - 2 A; Bình nhiệt lượng kế 250 ml, dây đốt 6 Ω bằng nicrom, que khuấy, nhiệt kế có phạm vi đo từ 15 độ C đến 100 độ C và có độ chia nhỏ nhất 1 độ C; 170 ml nước sạch (nước tinh khiết); Đồng hồ bấm giây để đo thời gian có giới hạn đo 20 phút và độ chia hỏ nhất 1 giây; Các đoạn dây nối
Thực hành với tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ, lược đồ (Lịch sử, Địa lí), khác với thực hành dụng cụ cắt may, chăm sóc cây con (Công nghệ); yêu cầu thí nghiệm của môn Hóa học, Sinh học cũng khác yêu cầu thực hành của môn Vật lí hay môn Công nghệ. Thực hành với mô hình cũng có những yêu cầu riêng.