Giải pháp giúp ổn định tâm lý tuổi vị thành niên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 4/5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo "Vai trò của tâm lý, giáo dục và công tác hướng nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0".

Đông đảo phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng góp mặt tại buổi hội thảo.
Đông đảo phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng góp mặt tại buổi hội thảo.

Giúp học sinh kiểm soát cảm xúc

Hội thảo do Viện Tâm lý Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường THPT Lê Lợi – Hà Đông tổ chức. Tới dự có TS Nguyễn Hữu Độ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô; ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cùng đông đảo khách mời.

Chia sẻ tại đây, TS Tâm lý học Nguyễn Thị Huyền - giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã nêu một số giải pháp tư vấn tâm lý, tình cảm cho trẻ vị thành niên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021 quy định, lứa tuổi từ 10 - 19 là độ tuổi vị thành niên; trung bình cứ 7 trẻ trong độ tuổi này thì có 1 trẻ mắc vấn đề về rối loạn tâm lý.

TS Tâm lý học Nguyễn Thị Huyền trao đổi một số ý kiến tại hội thảo.

TS Tâm lý học Nguyễn Thị Huyền trao đổi một số ý kiến tại hội thảo.

Pháp luật Việt Nam quy định, tuổi thanh niên được tính từ 15 - 25 tuổi. Trong đó thời kỳ 15 - 18 tuổi là học sinh THPT; từ 18 - 25 là thanh niên sinh viên. Lứa tuổi từ 15 - 18 đang là giai đoạn học sinh có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Các em có xu hướng muốn thể hiện cái tôi của mình trước mọi người.

Ở môi trường học đường, các em học sinh THPT cũng dễ mắc một số khó khăn tâm lý trong học tập, các mối quan hệ, định hướng nghề nghiệp hay trong việc thích ứng với sự thay đổi của cơ thể.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết sớm học sinh THPT có vấn đề về tâm lý, tình cảm như: Rối loạn hành vi; rối loạn lo âu; tự làm hại bản thân hoặc thậm chí tự tử; khuynh hướng thực hiện hành vi rủi ro...

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, khách mời.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, khách mời.

Do đó, cha mẹ cần chủ động san lấp những khoảng cách về tâm lý giữa các thế hệ trong gia đình, không nên bảo thủ áp đặt những điều đã lỗi thời, biết cách hòa nhập với cuộc sống hiện tại, tiếp thu điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống. Hướng các em vào những hoạt động tích cực của nhà trường, đoàn thanh niên...

Phụ huynh luôn tìm hiểu, tâm sự với các em để nắm bắt những thay đổi, tâm tư, nguyện vọng, sở thích và các nhu cầu của con mình. Hai bên trao đổi để tìm tiếng nói chung phù hợp. Cha mẹ phải định hướng cho con bằng những phân tích có cơ sở, tính thuyết phục cao.

"Học sinh THPT cần kiềm chế cảm xúc của bản thân để giải quyết những tình huống thực tế. Các em nên bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình với bố mẹ/thầy cô/bạn bè khi gặp vấn đề về tâm lý. Duy trì ngủ đủ giấc, đúng giờ cũng như các hoạt động thể chất, tham gia hoạt động xã hội; liên hệ chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời", TS Nguyễn Thị Huyền lưu ý.

Giải tỏa tâm lý để hướng nghiệp cho đúng

Th.S John M. Andre chia sẻ về công tác hướng nghiệp học sinh THPT.

Th.S John M. Andre chia sẻ về công tác hướng nghiệp học sinh THPT.

Tại hội thảo, Th.S John M. Andre đến từ Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu thực trạng, có không ít học sinh đang bị choáng ngợp trước quá nhiều thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp nhưng thực tế lại chưa hiểu được bản chất của mỗi ngành nghề.

Các em chịu áp lực từ bố mẹ, thầy cô mà thiếu đi sự tư vấn cần thiết về ngành nghề mình sẽ lựa chọn theo học sau khi tốt nghiệp THPT. Chúng ta cần cung cấp thông tin đầy đủ về 1 ngành, thay vì chỉ là thu nhập mỗi tháng về 1 ngành nào đó. Tiềm năng của ngành đó sau này sẽ như thế nào?

"Chúng ta hoàn toàn có thể mời chuyên gia ở các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể về trường trao đổi với các em học sinh; hoặc mời các cựu học sinh, sinh viên các trường ĐH về nói chuyện với các em nhằm tạo ra cầu nối giữa trường ĐH và doanh nghiệp trong việc hướng nghiệp cho học sinh THPT", ông John M. Andre nói.

Các đại biểu khách mời tham dự hội thảo.

Các đại biểu khách mời tham dự hội thảo.

Từ thực tế triển khai tại Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông, cô Phạm Thị Thúy Hà đã trao đổi về chủ đề "Cân bằng cảm xúc" cho học sinh. Bên cạnh công tác chuyên môn, nhà trường luôn chú trọng phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết xung đột để hình thành nhân sinh quan, thế giới quan tích cực cho các em.

Các môn học dạy về cân bằng cảm xúc được nhà trường áp dụng như: Nghệ thuật (hoạt động vẽ); Giáo dục thể chất bằng các hình ảnh thể hiện sự rèn luyện đạt cân bằng qua thế võ hoặc bài tập thể thao; Âm nhạc bằng việc thầy trò cùng hát một ca khúc để nuôi dưỡng cảm xúc; Ngôn ngữ/Văn học qua dự án đọc sách, sáng tác thơ; Quản lý gia đình thể hiện tình yêu thương qua lá thư gửi mẹ/cha.

Ông Đỗ Văn Nam phát biểu tại hội thảo.
Ông Đỗ Văn Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô đánh giá cao sáng kiến của Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông trong việc tổ chức hội thảo lần này. Mục tiêu nhằm trang bị cho các cán bộ, giáo viên những kỹ năng về tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó, các thầy cô tiếp tục nâng cao trình độ, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ từ Th.S Lê Trung Kiên - Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục và Đào tạo về chủ đề "Tác động tâm lý trong công tác đánh giá và giáo dục trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở Việt Nam". Ông đã đưa ra những dẫn chứng, chỉ số đáng suy ngẫm để các chuyên gia, học giả cùng bàn bạc và đưa ra ý kiến trao đổi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiết mục rap hề chèo mới lạ và thú vị tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh

Khi hề chèo mời gọi...

GD&TĐ - Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.