Thực hiện mua sắm thiết bị dạy học môn ngoại ngữ có hiệu quả

Thực hiện mua sắm thiết bị dạy học môn ngoại ngữ có hiệu quả

(GD&TĐ) - Thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, để việc mua sắm và sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các sở GD&ĐT chỉ đạo việc mua sắm thiết bị dạy học môn ngoại ngữ cho các trường phổ thông.

Cần trang bị những phòng học ngoại ngữ hiện đại cho học sinh
Cần trang bị những phòng học ngoại ngữ hiện đại cho học sinh

Theo đó, các sở GD&ĐT triển khai dạy học ngoại ngữ theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 căn cứ vào khả năng sử dụng thiết bị của giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất hiện có của từng trường học, số lớp học, số học sinh, các chức năng cơ bản của từng thiết bị phù hợp với yêu cầu, khả năng giảng dạy của từng cơ sở giáo dục, tổ chức rà soát các thiết bị dạy học đã có, đối chiếu với Danh mục thiết bị dạy học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông để lập kế hoạch mua sắm về chủng loại, số lượng thiết bị phục vụ giảng dạy môn ngoại ngữ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Đối với các trường chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn hạn chế về chuyên môn chỉ lựa chọn trong nhóm thiết bị thông dụng để mua sắm những thiết bị cần thiết tối thiểu hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong dạy và học. Đối với các thiết bị thông dụng đã được đầu tư những năm trước như máy vi tính, máy chiếu, ti vi, cassette... phải bảo dưỡng, lắp đặt kết hợp mà không phải mua sắm bổ sung.

Đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn có thể cân nhắc lựa chọn một phương án trong Hệ thống thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng để mua sắm và chỉ được mua sắm khi có đủ điều kiện: Giáo viên đã được tập huấn sử dụng thành thạo thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng; đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường (phòng học, bàn, ghế...) và cam kết của nhà cung cấp về xuất xứ hàng hóa, điều kiện lắp đặt, bảo hành, bảo trì và hướng dẫn sử dụng cho các phòng học bộ môn và không mua sắm quá 01 phòng/trường.

Đối với các thiết bị đã được đầu tư từ những năm trước như: Máy vi tính cho giáo viên và học sinh, máy chiếu, màn chiếu... yêu cầu phải bảo dưỡng, lắp đặt kết hợp mà không phải mua sắm bổ sung.

Đối với các thiết bị dạy học khác để hỗ trợ thêm cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập có hiệu quả, tùy theo điều kiện của từng cơ sở giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đủ năng lực sử dụng, điều kiện cơ sở vật chất cho lắp đặt, nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường để cân nhắc kỹ và có thể mua sắm bổ sung phù hợp với yêu cầu của chương trình, nội dung sách giáo khoa, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

Các Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ sử dụng thành thạo thiết bị dạy học theo yêu cầu của nội dung chương trình và sách giáo khoa. Trong quá trình tập huấn cần bố trí đủ thiết bị dạy học đã được đầu tư; yêu cầu nhà cung cấp phải cam kết phối hợp hướng dẫn sử dụng thiết bị được đầu tư đạt hiệu quả cao nhất; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên tự làm thiết bị dạy học môn Ngoại ngữ.

Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra, đánh giá công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức mua sắm, tự làm, sử dụng, bảo quản... thiết bị dạy học của các địa phương trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện.

Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ được cân đối từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT, nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục của địa phương, kinh phí hợp pháp khác và huy động từ xã hội.

Tuệ Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ