Lưu ý cách học sau khi Hà Nội công bố đề minh họa thi vào lớp 10

GD&TĐ - Các thầy cô đã đưa ra nhận định về đề minh họa thi vào lớp 10 và một số lưu ý trong việc học, ôn tập môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ dành cho sĩ tử Hà Nội.

Các em học sinh khối 9 của Hà Nội chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: Đình Tuệ.
Các em học sinh khối 9 của Hà Nội chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: Đình Tuệ.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố quy định cấu trúc định dạng và đề minh họa 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi của kỳ thi quan trọng này trong năm nay. Chi tiết đề minh họa xem TẠI ĐÂY.

Cấu trúc đề quen thuộc

Nhận định về đề minh họa môn Toán, cô Hoàng Liên Nhung, Tổ phó tổ Toán - Tin - Công nghệ của Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, ma trận đề phủ rộng tới các kiến thức học sinh đã được học, chủ yếu ở lớp 8 và lớp 9.

Biểu điểm của đề minh họa chia cụ thể tới từng mức độ kiến thức, phân loại được học sinh. Cụ thể:

- Bài I.1; I.2; II.2; III.1; III.2.a; IV.1: mức độ để học sinh đạt đến điểm 5 – 7, là các câu mức độ nhận biết và thông hiểu cơ bản.

- Bài I.3; II.1; III.2.b; IV.2: mức độ vận dụng thấp, học sinh áp dụng các kiến thức đã học vào giải toán, đạt mức độ 7,5 – 9,0.

- Bài IV.3; V: mức độ vận dụng cao, đòi hỏi học sinh không chỉ áp dụng kiến thức mà còn liên hệ các kiến thức, sử dụng chuỗi suy luận để giải toán, phân loại học sinh đạt 9 – 10 điểm.

Cô Hoàng Liên Nhung, Tổ phó tổ Toán - Tin - Công nghệ của Trường THCS Thái Thịnh.

Cô Hoàng Liên Nhung, Tổ phó tổ Toán - Tin - Công nghệ của Trường THCS Thái Thịnh.

Cô Nhung nhấn mạnh, đề minh họa không quá khó, không đánh đố học sinh mà tập trung vào hỏi sâu kiến thức, đòi hỏi các em phải hiểu kĩ và vận dụng một cách thành thạo. Do đó, trong quá trình ôn tập sắp tới, cô sẽ phân nhóm theo sức học của học sinh, xây dựng mục tiêu riêng cho từng nhóm.

Nhóm Trung bình – Khá (nhóm 2) sẽ tập trung vào các bài toán mức độ nhận biết và thông hiểu.

Mỗi bài toán, giáo viên sẽ cho học sinh tiếp cận các dạng bài và cách đặt câu hỏi khác nhau, làm đi làm lại nhiều lần và chú ý chấm chữa cho học sinh cụ thể từng bước để học sinh chắc từng 0,25 điểm.

Khi những học sinh ở nhóm này đã chắc kiến thức hơn và có thể chuyển sang nhóm Khá – Giỏi, tôi sẽ có sự điều chỉnh nhóm.

Nhóm Khá – Giỏi (nhóm 1): Mức độ nhận biết và thông hiểu, cô Nhung sẽ cho các em tiếp cận và chấm chữa như nhóm 2, tuy nhiên thời gian làm bài của các em sẽ nhanh hơn nên sẽ có điều kiện để ôn tập các dạng bài ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Ở mức độ kiến thức này, đề thi cũng không ra quá khó. Do đó, cô sẽ xoáy sâu vào các dạng biến đổi quen thuộc nhưng chú ý cho học sinh ở phần điều kiện phát sinh, xét đủ các trường hợp có thể xảy ra, đặc biệt trong bài I ý 3 và bài III ý 2b.

"Riêng phần Hình học, tôi sẽ cho học sinh làm các bài liên hệ với kiến thức Hình lớp 8 như tam giác đồng dạng, tứ giác đặc biệt, định lý Talet, tính chất phân giác của tam giác. Đây là kiến thức đã học từ năm học trước, các em dễ quên nhưng lại rất hay rơi vào câu hình thứ 2 và thứ 3", cô Nhung trao đổi.

Chú ý khi tô đáp án trắc nghiệm

Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Thái Thịnh.

Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Thái Thịnh.

Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) nhận định, đề minh họa môn Tiếng Anh về cơ bản giống với dạng bài thi năm 2023.

Đề thi bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra thí sinh về kiến thức từ vựng, ngữ pháp, kĩ năng đọc hiểu, viết và giao tiếp. Điểm khác biệt nhỏ so với đề thi môn Tiếng Anh năm học 2023 – 2024 là có yêu cầu cụ thể, rõ ràng cho từng câu hỏi đơn lẻ, trừ hai bài Đọc hiểu.

Các câu hỏi thể hiện được 4 cấp độ nhận thức của thí sinh: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt điểm cao, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản và cần có kĩ năng phân tích từng câu hỏi và loại trừ các phương án sai.

Đối với đề minh họa như trên, việc ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT môn Tiếng Anh cần có sự rà soát kĩ phần kiến thức cơ bản từ lớp 6 đến hết lớp 9. Thầy cô cần luyện kĩ cho học sinh cách làm của từng dạng bài.

Cô trò lớp 9 đang ra sức ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Cô trò lớp 9 đang ra sức ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Ví dụ: Đối với dạng bài trọng âm từ, học sinh cần xác định được 4 đáp án trong câu hỏi là từ hai âm tiết hay nhiều hơn hai âm tiết; nếu từ hai âm tiết thì quy tắc là gì; phân biệt đâu là danh từ, tính từ, động từ, giới từ; có từ rơi vào trường hợp ngoại lệ không…

Ngoài việc giúp học sinh biết cách làm từng dạng bài, thầy cô có thể lập bảng theo dõi tiến độ của từng em dưới dạng file excel, từ đó biết được học sinh nào đã nắm chắc phần kiến thức nào, phần nào cần bổ trợ.

"Một điều rất quan trọng khi làm bài là kĩ năng tô phiếu trả lời trắc nghiệm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế có nhiều thí sinh mất điểm chỉ vì lỗi tô đáp án chưa đúng. Thầy cô nên cho học sinh rèn kĩ năng tô phiếu trả lời trắc nghiệm trên lớp nhiều lần, đảm bảo các con tô đậm, kín ô tròn và không bỏ sót đáp án khi tô" - cô Nguyệt Ngư nói.

Cô Nông Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Times School, Long Biên, Hà Nội.

Cô Nông Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Times School, Long Biên, Hà Nội.

Với gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nông Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Times School (Long Biên, Hà Nội) đánh giá, đề minh họa môn Toán có các dạng bài tập hoàn toàn nằm trong chương trình, trọng tâm mà học sinh đã được học. Trong đó có bài rút gọn, giải toán lập phương trình, bài toán thực tế. Học sinh nếu học tốt có thể đạt từ 7,5 – 8 điểm, nhưng để đạt điểm 9-10 sẽ khó hơn. Cần nhất là tính ổn định, học sinh bớt hoang mang.

Cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng tổ Ngữ văn - GDCD của Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, với 120 phút làm bài, đề minh họa môn Ngữ văn gồm 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao. Đề thi có tính ổn định giống các năm trước, điều mà rất nhiều thí sinh và phụ huynh mong chờ. Dựa vào cấu trúc đề minh họa, giáo viên có thể phân loại học sinh để ôn luyện và giúp các em đạt được kết quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ