Tất cả đều khiến dân tình không khỏi ngỡ ngàng trước sự táo bạo và khả năng lừa đảo siêu phàm của những “thiên tài” nổi danh này.
Charles Ponzi
Ngày nay, thuật ngữ “mô hình Ponzi” được sử dụng để mô tả một hoạt động bất hợp pháp. Nhưng thuật ngữ này thực sự đến từ Charles Ponzi ngoài đời thực. Ponzi từng tuyên bố sẽ biến một người đàn ông bình thường của Mỹ thành triệu phú chỉ sau một đêm. Thực tế, kế hoạch này chỉ có tác dụng biến Ponzi thành triệu phú chỉ trong một đêm.
Charles Ponzi là một người nhập cư Italy. Ponzi lần đầu tiên đến Mỹ vào năm 1903. Giống như hầu hết những người nhập cư đến Mỹ, Ponzi bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh tế. Sau đó, Ponzi tới Canada và làm đủ mọi công việc vặt để kiếm sống cho đến khi có một vị trí tại Ngân hàng Zarossi - nơi phục vụ hầu hết những người nhập cư Italy ở Montreal.
Sau khi ngân hàng phá sản, Ponzi bắt đầu buôn lậu bất hợp pháp và phải vào tù. Khi tại ngoại, tháng 8/1919, nguồn “cảm hứng mới” ập đến khi Ponzi mở lá thư của một phóng viên về kinh doanh người Tây Ban Nha. Bên trong thư, hắn ta nhìn thấy một tờ giấy được gọi là phiếu hồi đáp quốc tế (IRC).
Ponzi đã khai thác hệ thống bằng cách mua một lượng lớn phiếu từ các quốc gia có nền kinh tế không phát triển và đổi chúng với những đất nước lớn mạnh hơn. Ponzi vận hành kế hoạch thông qua Công ty Giao dịch Chứng khoán do y thành lập.
Kẻ lừa đảo đã hứa hẹn với các nhà đầu tư tiềm năng rằng, họ sẽ nhận được gấp đôi số tiền của mình cộng với tiền lãi trong vòng 45 ngày. Nhưng thay vì thực sự đầu tư tiền, Ponzi chỉ dùng tiền của chính các nhà đầu tư để chi trả hoa hồng khổng lồ cho họ và nói rằng, họ đã kiếm được lợi nhuận.
Vụ lừa đảo thu hút hơn 40.000 nhà đầu tư, khiến Ponzi trở thành triệu phú trong vòng chưa đầy 6 tháng. Một bài báo được xuất bản bởi Bưu điện Boston vào ngày 24/7/1920 ước tính, giá trị tài sản ròng của Ponzi rơi vào khoảng 8,5 triệu USD. Kẻ lừa đảo này có một biệt thự 12 phòng ngủ, nhiều xe hơi, nhân viên phục vụ và một cây gậy vàng.
Tin tức về sự giàu có của Ponzi đã thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Tuy nhiên, nó cũng khiến các nhà điều tra liên bang chú ý. Cuối cùng, William McMasters - nhà báo được Ponzi thuê để quảng bá công ty, đã vạch trần kế hoạch lừa đảo này và báo cáo với chính quyền.
Ponzi bị kết án tù 3,5 năm vì tội lừa đảo. Sau khi được ân xá vào năm 1925, hắn tiếp tục phải ngồi tù 9 năm vì các tội gian lận khác. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo này dường như không hối hận về những hành động của mình. Hắn thậm chí từng tuyên bố, những kế hoạch lừa đảo đó là “chương trình biểu diễn hay nhất từng được tổ chức trên lãnh thổ”. Ponzi từng cố gắng trốn khỏi nhà tù nhiều lần.
Sau khi mãn hạn tù vào năm 1934, Ponzi bị trục xuất về Italy và qua đời trong một bệnh viện từ thiện vào năm 1949 với gia tài chỉ 75 USD. Cái tên Charles Ponzi cũng đồng nghĩa với lừa đảo kể từ đó.
Sylvia Browne
Sylvia Browne được mệnh danh là “nhà ngoại cảm gây tranh cãi nhất nước Mỹ”. Nhà ngoại cảm tự phong này sở hữu khối tài sản “kếch xù” bằng cách bán hy vọng hão huyền cho những phụ huynh có con mất tích.
Sinh ngày 19/10/1936 tại Kansas, Missouri (Mỹ), Browne từng tuyên bố mình sở hữu khả năng tâm linh từ khi mới biết đi. Năm 1974, người phụ nữ này thành lập Quỹ Nirvana dành cho Nghiên cứu Ngoại cảm.
Vài năm sau, Browne mở Hiệp hội Novus Spiritus - nơi đào tạo các mục sư để giúp truyền bá ý tưởng về Chúa. Browne cũng dạy thôi miên thông qua trung tâm đào tạo của mình.
Browne kiếm tiền bằng cách thu 850 USD đối với khách hàng muốn tư vấn qua điện thoại trong 30 phút. Người phụ nữ này cũng tuyên bố mình có thể nhìn về quá khứ hàng thế kỷ và nói chuyện với người chết. Browne khẳng định, khả năng ngoại cảm này đã giúp FBI phá nhiều vụ án.
Sylvia Browne nổi tiếng sau khi trở thành khách mời thường xuyên của chương trình “The Montel Williams Show”. Tại đây, Browne cung cấp “linh cảm” hoặc thông tin cho các phụ huynh có con mất tích. Năm 1999, Browne đưa ra dự đoán về Opal Jo Jennings - một cô bé 6 tuổi bị bắt cóc tại Texas.
“Cô bé chưa chết, nhưng đã bị bắt làm nô lệ ở Nhật Bản. Địa điểm đó là Kukouro”, Browne từng “linh cảm”.
Tuy nhiên, thông tin này được chứng minh là sai khi thi thể của Jennings được tìm thấy ở Fort Worth (Texas). Các nhà nghiên cứu kết luận, cô bé 6 tuổi đã bị sát hại và chôn cùng ngày bị bắt cóc.
Một cuộc kiểm tra cho thấy, trong tổng số 115 dự đoán của Browne về những đứa trẻ mất tích, có tới 25 kết luận là sai. Năm 1992, Browne bị truy tố vì một số tội gian lận đầu tư và trộm cắp.
Browne vẫn nổi tiếng bất chấp nhiều lần đưa ra phán đoán sai và tiếp tục xuất bản hơn 50 cuốn sách, 22 trong số đó là sách bán chạy nhất của New York Times.
Dường như lừa những người thân của người mất tích còn chưa đủ, Sylvia Browne còn định qua mặt cả FBI. Vào tháng 11/2004 khi xuất hiện trên chương trình “The Montel Williams Show”, Sylvia tự hào kể về lần mình được FBI mời hợp tác để truy tìm một trong những kẻ sát nhân khét tiếng nhất lịch sử hiện đại: Ted Bundy.
Sau đó, tờ The Skeptical Inquirer đã tra cứu mọi tài liệu về Browne tại FBI và kết luận, người phụ nữ này không hề có bất kì đóng góp nào cho cả hai vụ việc. FBI thậm chí còn gọi Browne là “nhà ngoại cảm tự phong”. Quỹ Nghiên cứu Tâm linh của Browne cũng bị “sờ gáy” vì vay nợ liên bang trái phép.
FBI nghi ngờ các chứng từ không minh bạch được sử dụng để tô vẽ khối tài sản của Browne, giúp cá nhân này vay nợ một cách dễ dàng hơn. FBI kết luận, Sylvia Browne vay 1 triệu USD để có thể chi trả cho cuộc sống xa hoa của mình. Browne qua đời vào năm 2013 ở tuổi 77. Trớ trêu thay, năm 2003, Browne từng dự đoán mình sẽ sống đến năm 88 tuổi.
Victor Lustig
Victor Lustig là một kẻ lừa đảo khéo léo đến nỗi ngay cả khi bị bắt, một nhân viên Sở Mật vụ được cho là đã nói rằng: “Anh là kẻ lừa đảo mượt mà nhất”. Lustig nổi tiếng là kẻ lừa đảo đã “bán” thành công tháp Eiffel của Pháp tới... 2 lần.
Victor Lustig sinh ngày 4/1/1890 tại thị trấn Hostinne thuộc Cộng hòa Séc ngày nay. Từ khi còn là một đứa trẻ, Lustig đã lang thang trên đường phố để thực hiện các vụ trộm vặt và gian lận trong trò chơi bài.
Sau khi bỏ đại học năm 19 tuổi ở Pháp, kẻ lừa đảo đã nhận được một suất trên tàu biển - phương thức đi lại ưa thích của những người giàu có vào thời điểm đó. Với khả năng nói thành thạo nhiều thứ tiếng, phong thái điềm đạm, Lustig dễ dàng hòa nhập với những doanh nhân giàu có trên tàu. Và, trong thời gian này, Lustig đã nghĩ ra trò lừa công phu đầu tiên: Chiếc máy in tiền.
Đầu tiên, Lustig trò chuyện với một số doanh nhân và tiết lộ “chiếc hộp đựng tiền” của mình. Y khẳng định, đó là chiếc hộp tạo ra tiền một cách kỳ diệu. “Chiếc hộp đựng tiền” hay “chiếc hộp Rumani” là một máy in tiền giả nhưng lại “in” ra những tờ tiền thật đã được đặt sẵn bên trong. Lustig nói rằng, thiết bị này sẽ mất 6 giờ để sao chép một tờ 100 USD.
Tưởng được món hời, người mua sẽ trả giá cao cho chiếc hộp, thường là hơn 30.000 USD. Nhưng trong mười hai giờ sau đó, máy sẽ chỉ cho ra thêm hai tờ 100 USD. Cuối cùng, nó sẽ chỉ cho ra giấy trắng vì số tờ 100 USD mà Lustig giấu sẵn bên trong từ trước đã hết. Khi các khách hàng nhận ra mình bị lừa thì Lustig đã cao chạy xa bay.
Năm 1925, Victor Lustig trở lại Paris (Pháp) để thực hiện mưu đồ tham vọng nhất của mình: Bán tháp Eiffel. Kẻ lừa đảo đóng giả là một quan chức chính phủ Pháp và gửi thư có đóng dấu chính phủ cho những người đứng đầu ngành công nghiệp kim loại phế liệu của đất nước. Lustig tuyên bố, chính phủ đang quan tâm đến việc bán Tháp Eiffel cho “người trả giá cao nhất”.
“Do lỗi kỹ thuật, sửa chữa tốn kém và các vấn đề chính trị mà tôi không thể thảo luận, nên việc phá bỏ tháp Eiffel đã trở thành điều bắt buộc”, Lustig viết.
Sau khi bán thành công tháp Eiffel với giá 50.000 USD (tương đương 1 triệu USD ngày nay) cho Andre Poisson, Lustig trốn tới Vienna. Đến khi mang theo một đội thi công tới tháo dỡ tháp Eiffel, Poisson mới biết mình bị lừa. Do quá nhục nhã, triệu phú này đã không báo cảnh sát.
Vì vụ lừa đảo đầu tiên diễn ra suôn sẻ, Lustig quyết định thử lại 6 tháng sau đó. Kẻ lừa đảo này về Paris và gửi lời mời tới 5 đại lý kim loại phế liệu mới. Tuy nhiên, một người trong số này đã nghi ngờ và báo cảnh sát. Lustig bỏ dở thỏa thuận và trốn sang Mỹ. Đến cuối thập niên 1930, siêu lừa đảo này trở lại Paris và một lần nữa bán thành công tháp Eiffel, thu về 75.000 USD tiền mặt.
Lustig tiếp tục thực hiện nhiều vụ lừa đảo lớn hơn ở Mỹ. Những ngày lừa đảo của Victor Lustig kết thúc vào ngày 28/9/1935, khi các nhân viên FBI bắt được hắn sau một cuộc rượt đuổi bằng ô tô qua Pittsburgh, Pennsylvania. Theo tờ báo địa phương, Lustig cuối cùng đã rời khỏi xe và nói với các sĩ quan: “Chà, các cậu, tôi đây”.
Lustig nhận bản án 20 năm tù tại nhà tù khét tiếng Alcatraz. Kẻ lừa đảo mượt mà nhất mà Mật vụ Mỹ từng thấy qua đời vào tháng 3/1947 sau khi mắc bệnh viêm phổi.