Ngày mai, xét xử đa cấp Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt tiền của hơn 6000 người

GD&TĐ - Phiên tòa xét xử vụ đa cấp Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt tiền của hơn 6.000 người dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày mai (21/12) và diễn ra trong 10 ngày.

Ngày mai, Lê Xuân Giang và đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Ngày mai, Lê Xuân Giang và đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Ngày mai TAND TP. Hà Nội sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên Kết Việt.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. HĐXX có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân; có tới 15 thẩm phán dự khuyết; 3 kiểm sát viên, 24 luật sư tham gia tố tụng; có 7 bị cáo bị đưa ra xét xử và 6.053 bị hại cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP. Hà Nội) là chủ tọa phiên tòa.

Các bị cáo bị ra xét xử gồm: Lê Xuân Giang (SN 1971, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), Lê Văn Tú (SN 1985, Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt), Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt); 4 thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt là: Lê Thanh Sơn (SN 1988); Trịnh Xuân Sáng (SN 1975); Nguyễn Xuân Trường (SN 1967); Vũ Thị Hồng Dung (SN 1974)

Các bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Với số lượng bị hại đông kỷ lục, TAND TP. Hà Nội dự kiến sẽ dựng rạp, lắp đặt màn hình để tạo điều kiện cho các bị hại theo dõi phiên xét xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động.

Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, các bị cáo đã cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động kinh doanh của 2 công ty này khi giới thiệu Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP.

Trong khi đó, Công ty BPQ được giới thiệu là Công ty cổ phần của tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng, là công ty của Bộ Quốc phòng. Các lãnh đạo của công ty đều được các đối tượng giới thiệu là cán bộ của Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng.

Để tạo lòng tin với các bị hại, các đối tượng còn sẵn sàng làm giả bằng khen của Thủ tướng và nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước khác để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao.

Các bị cáo còn đưa ra những khoản khuyến mại lớn. Càng lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ càng nhận được quà thưởng có giá trị lớn như ô tô, nhà, tặng đi du lịch nước ngoài, được lên chức và được ăn chia phần trăm số tiền thu được lến tới 10 tỷ đồng mỗi tháng...

Với các chiêu trò được tung ra, đến tháng 11/2015, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp. Theo cáo trạng, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.