Những hướng đi đột phá với môn Khoa học Tự nhiên của Chương trình mới

GD&TĐ - Nhóm giáo viên Hải Phòng đã nghiên cứu và đề xuất xây dựng các chủ đề, bài học theo định hướng giáo dục STEM...

Tiết lên lớp chuyên đề của cô Loan.
Tiết lên lớp chuyên đề của cô Loan.

Để đạt được mục tiêu giáo dục với môn Khoa học Tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 và lớp 7, ngay từ đầu năm học nhóm giáo viên trên địa bàn quận Kiến An (TP Hải Phòng) đã nghiên cứu và đề xuất xây dựng các chủ đề, bài học theo định hướng giáo dục STEM và dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá.

Khó khăn về nhân sự

Trong Chương trình GDPT 2018, bộ môn Khoa học Tự nhiên có vai trò góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực và thế giới quan khoa học ở học sinh. Môn học có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của thiên nhiên để từ đó biết ứng xử phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội và môi trường bền vững.

Với cấp THCS, giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện chủ yếu thông qua môn Khoa học Tự nhiên với việc tích hợp các kiến thức, kỹ năng về Vật lý, Hoá học và Sinh học. Kiến thức, kỹ năng được tổ chức theo các mạch nội dung, thể hiện các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên, đồng thời từng bước phản ánh vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng kiến thức, kỹ năng về khoa học tự nhiên trong sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Những nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp một số nội dung đồng tâm nhằm hình thành nhận thức về thế giới tự nhiên và khoa học tự nhiên, giúp học sinh bước đầu vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học trong đời sống. Không tách rời thành các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong môn Khoa học Tự nhiên như Chương trình GDPT 2006.

Tiết dạy của cô Thuỷ mang lại sự hào hứng với học sinh.

Tiết dạy của cô Thuỷ mang lại sự hào hứng với học sinh.

Bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An cho hay, trước đây, các trường THCS vẫn triển khai dạy các môn Khoa học Tự nhiên riêng lẻ, việc tích hợp chỉ dừng lại ở mức độ lồng ghép. Vì thế việc triển khai dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018 đang là một bài toán khó cho các trường. Bởi, đa số giáo viên THCS được đào tạo 2 môn Toán - Lý, Toán - Hóa, Hóa - Sinh, Hóa - Lý vì vậy phần lớn giáo viên chỉ đáp ứng dạy 1 hoặc 2 phân môn trong tổ hợp 3 môn Lý, Hoá, Sinh.

Trong quá trình dạy học thực tế, tuy học sinh có hứng thú trong việc vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn, nhưng đa số các em còn thụ động trong học tập và trong các hoạt động trải nghiệm, học sinh chưa quen với việc học tập tích hợp. Các em đã quen với cách học 3 môn khoa học tự nhiên riêng lẻ như trước đây. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện tại của các nhà trường như dụng cụ thí nghiệm, mô hình, mẫu vật…. chưa đáp ứng đủ cho việc triển khai dạy học môn Khoa học Tự nhiên theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Bà Tuyết cho biết thêm, để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 nói chung, môn Khoa học Tự nhiên nói riêng, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo Ban giám hiệu các nhà trường THCS trên địa bàn quận việc tổ chức dạy học các bài học theo định hướng giáo dục STEM, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong trường.

Các trường đều đã hết sức quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và kết nối với các cơ sở thực tế để phục vụ tốt cho việc học tập trải nghiệm của học sinh. Phòng GD&ĐT và các trường tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề nhằm tạo điều kiện giúp cán bộ giáo viên được củng cố, nắm vững kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn, các phương pháp dạy học bộ môn.

Thầy cô tổ chức nhiều hình thức dạy học sáng tạo, phù hợp với nội dung bài dạy tạo hứng thú cho trò khi học tập môn Khoa học Tự nhiên; tích cực tự học, bồi dưỡng để nâng cao được năng lực liên môn đáp ứng dạy học tích hợp. Đồng thời rèn học sinh ý thức học tập tự giác, biết cách học, tích cực làm bài, tích cực tham gia tìm hiểu kiến thức trên mạng Internet, trong thực tiễn cuộc sống, hợp tác nhóm, mạnh dạn trong giao tiếp trước tập thể...

Học sinh lớp 6A1, Trường THCS Nam Hà hào hứng với sản phẩm của mình.

Học sinh lớp 6A1, Trường THCS Nam Hà hào hứng với sản phẩm của mình.

Đa dạng phương pháp dạy học

Tham gia tiết dạy Chuyên đề môn Khoa học Tự nhiên lớp 6, cô giáo Hoàng Thị Loan đã lên lớp cùng học sinh lớp 6A1, Trường THCS Nam Hà bài 20 (tiết 2): “Sự lớn lên và sinh sản của tế bào”. Tiết dạy của cô theo định hướng giáo dục STEM.

Trong tiết 1 bài 20, cô Loan đã hướng dẫn học sinh dự án STEM với chủ đề “Sự lớn lên của thực vật”. Ở tiết 1, học sinh đã thực hiện 4 bước: Xác định vấn đề; tìm hiểu kiến thức nền, đề xuất giải pháp; lựa chọn giải pháp; làm sản phẩm, thử nghiệm và đánh giá. Quá trình làm sản phẩm học sinh có dựng video, đến tiết 2, học sinh thực hiện bước 5: Chia sẻ, thảo luận các giải pháp và điều chỉnh dưới dự hướng dẫn của cô giáo.

Trước khi vào bài học, các em được củng cố kiến thức bằng cách chơi trò chơi Bingo. Các câu hỏi xoay quanh kiến thức bài học như sự lớn lên, phân chia, ý nghĩa của tế bào.

Thực hiện 2 giải pháp đã được đề xuất từ tiết học trước: Làm mô hình sơ đồ lớn lên và sinh sản của tế bào; trồng cây hoặc gieo hạt, theo dõi sự lớn lên, phát triển của thực vật. Sau 5 ngày thực hành, học sinh đã hào hứng báo cáo sản phẩm với cô giáo dựa trên nhiệm vụ, yêu cầu của sản phẩm, học sinh được đánh giá quá trình thực hiện sản phẩm qua bảng tiêu chí.

Quá trình giảng dạy, cô Loan đã dẫn dắt và hướng cho học sinh phát triển các kĩ năng tự học, giao tiếp và hợp tác thông qua các hoạt động. Thông qua các trò chơi, tình huống giáo viên đã giúp học sinh hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề, thảo luận, phản biện.

Kiến thức liên môn được cô giáo Hoàng Thị Loan vận dụng trong bài dạy như: Môn Toán (dùng để tính toán lượng nguyên, vật liệu), môn Mỹ thuật (dùng để vẽ và sử dụng màu vẽ, cắt dán). Điều này làm nổi bật vai trò, sự liên kết các môn học trong giải quyết vấn đề thực tiễn. Các vấn đề thực tiễn liên quan đến sức khoẻ của con người được cô giáo nêu ra và là tình huống để học sinh cùng thảo luận, giải quyết.

Không chỉ hình thành năng lực giao tiếp, hợp tác, học sinh còn hình thành năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Qua việc tạo mô hình sơ đồ đơn giản về quá trình lớn lên và sinh sản của tế bào từ các nguyên vật liệu (giấy thủ công, giấy xốp màu, đất sét, kẹo màu); Qua việc tự gieo trồng các loại hạt để nắm bắt được quá trình lớn lên của tế bào, các em hình thành năng lực nhận biết khoa học tự nhiên, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Điều này giúp trò thêm hào hứng, say mê.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường THCS Trần Phú đã cùng học sinh lớp 7C1 lên lớp chuyên đề Tiết thứ 2, bài 11 môn KHTN: “Thảo luận về sự ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông”.

Tiết dạy sôi nổi, sinh động qua các hình ảnh trực quan và học liệu điện tử. Học trò được phân vai, diễn tiểu phẩm khiến giờ học nhẹ nhàng, khích lệ tinh thần tích cực của học sinh. Cô trò cùng luận bàn về ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông. Không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần, bài dạy của cô Thuỷ giúp trò phát triển năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp, hợp tác nhóm; năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo; năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết một số bài tập trắc nghiệm.

Qua bài học, học sinh hình thành nhận thức khoa học tự nhiên: Nêu được một số ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông; tìm hiểu tự nhiên: Đọc và phân biệt được các biển báo an toàn trong giao thông. Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn như tuân thủ các quy tắc an toàn trong tham gia giao thông. Các em được luyện tập lại kiến thức khi cùng nhau tham gia phần thi “Tuân thủ luật giao thông” và làm bài cá nhân bằng cách kéo thả nhận biết biển báo giao thông qua phần mềm “Liveworksheet” trên điện thoại, máy tính bảng.

Cô Nguyễn Thị Thuý Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ, 2 tiết chuyên đề được chuyên viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá cao. Chuyên đề đã đạt được yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: Hoạt động nhóm, dạy học trực quan, giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, cách cô giáo giao nhiệm vụ cho học sinh rất phù hợp, hiệu quả làm bật lên năng lực của học trò. Từ đó, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá rất rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ