Phong cách người giáo viên khi lên lớp
Hạn chế đầu tiên, theo cô Lê Thị Biên, đó là phong cách người giáo viên. Có giáo viên chưa chú ý đến vẻ bề ngoài, từ trang phục, cách đi đứng, cử chỉ điệu bộ cho đến giọng điệu ngôn ngữ của mình.
Nhấn mạnh: Giáo viên dạy Văn nhất thiết phải khác với giáo viên dạy các bộ môn khác, cô Lê Thị Biên cho rằng: Giáo viên trên bục giảng phải có phẩm chất của người nghệ sĩ trên sân khấu; phải cảm thụ tốt văn chương (bằng thục luyện giáo án, bằng những hiểu biết uyên bác chuyên sâu …) để có thể phô diễn cái đẹp.
Bản thân giáo viên dạy Văn phải thấm cái đẹp để tỏa ra cái đẹp, không phải chỉ từ hình thức bên ngoài mà cả từ tâm hồn, phong thái, ngôn từ mang đậm chất văn chương, để phác họa, khơi gợi và giáo dục.
“Thiếu chất văn, thiếu cái đẹp toát ra từ hình thức, nhân cách, cuộc đời người giáo viên văn thì dạy văn trở nên khiên cưỡng, gượng gạo và chắc chắn giờ văn sẽ không đạt hiệu quả thẩm mĩ như mong đợi.
Do thế, cái đẹp của tác phẩm văn chương không thể thấm sâu vào tâm hồn mỗi học sinh để các em có thể phô diễn cái đẹp ấy trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong mỗi bài viết, trong lối sống với những người xung quanh” - cô Biên chia sẻ.
Đổi mới phương pháp thiếu bình tĩnh và thận trọng
Với cô Lê Thị Biên, giáo viên môn Văn phải biết tạo không khí cho giờ học, phải khéo léo vén dần bức màn bí mật của tác phẩm khiến học sinh tự tìm đến chân lí nghệ thuật, đến bến bờ của sự khám phá sáng tạo và tái tạo cái đẹp của văn chương.
Thế nhưng, nhiều giờ giảng của giáo viên chưa làm được điều đó; ngược lại, họ mải mê đi tìm đáp số cho mỗi giờ học và chạy theo phong trào đổi mới phương pháp một cách thiếu bình tĩnh và thận trọng (như chia nhóm thảo luận, đặt nhiều câu hỏi để cho học sinh trả lời, sử dụng phương tiện hiện đại, tranh ảnh, âm thanh tràn lan…), biến giờ Văn thành những giờ thảo luận khô khan đánh mất chất văn.
Cô Biên chia sẻ: Trong những năm học thay SGK, tôi được xem qua băng hình giờ giảng của các giáo viên ở cả ba khối lớp 10, 11,12. Sáu bài giảng thì năm giáo viên chia nhóm cho học sinh thảo luận, bất kể đó là tác phẩm thuộc thể loại gì.
Làm việc tập thể, lấy ý kiến tập thể không thích hợp lắm đối với quá trình cảm thụ văn chương bởi vì cảm thụ văn chương là câu chuyện của cá nhân.
Những năm đầu đổi mới phương pháp đi vào thực tế và cho đến nay cũng vậy, nhiều giáo viên cho rằng, đổi mới phương pháp là chia nhóm, là đặt nhiều câu hỏi để phát huy dân chủ. Chính vì thế nhiều giờ văn đã bị xé lẻ băm nát bằng những câu hỏi nhiều khi hết sức vô nghĩa không phát huy được trí lực của học sinh.
Có bài giảng được đánh giá cô giáo giỏi, nhiệt tình, giờ học sôi nổi, thầy uyên bác, trò chuẩn bị bài kĩ, thầy trò hỏi đáp rất trơn tru, giờ học diễn ra suôn sẻ với các phương tiện hiện đại, học sinh làm việc theo nhóm nhiệt tình…
Tuy nhiên, giờ Văn lại thiếu chất văn: Thầy trò trao đổi liên tục không ngừng nghỉ, phần liên hệ với xã hội quá nhiều học sinh chưa tự mình cảm nhập được vào chiều sâu tác phẩm cả thầy và trò chưa có phút giây nào thăng hoa cùng vẻ đẹp của tác phẩm. Nếu giáo viên kiểm tra, về kiến thức thì có lẽ đảm bảo, nhưng về cảm xúc, tình cảm thực sự của học sinh đối với tác phẩm có lẽ không như mong đợi.
Quy tất cả thành “mẫu số chung”
Có thể nói tình trạng dạy học Văn không đúng đặc trưng xa rời bản chất bộ môn dẫn đến sự khủng hoảng to lớn niềm yêu thích văn học và học văn của học sinh trong xã hội hiện nay.
Đưa ra nhận định này, cô Lê Thị Biên cho rằng, căn bệnh phổ biến nhất trong dạy học tác phẩm văn học là quy tất cả thành “mẫu số chung”. Giáo viên đã phụ công sức tìm tòi sáng tạo của nhà văn, bằng cách quy tất cả cái hay cái đẹp, muôn hình muôn vẻ ấy thành những “mẫu số chung”
Cô Biên phân tích: Nhiều giờ học đã bỏ qua vẻ đẹp chiều sâu tư tưởng của phong cách nghệ thuật độc đáo, cái làm nên giá trị riêng của từng tác phẩm. Nội dung và nghệ thuật độc đáo của các tác phẩm khác nhau đã bị “hòa tan” vào một mớ nhận định giản đơn sơ sài, ít tính thẩm mĩ.
Cách dạy đó đã làm cho giờ học trở thành một thứ canh nhạt nhẽo, không thể cất cánh lên được, thiếu hẳn bầu không khí văn chương nghệ thuật.
Do nhìn nhận văn học như một khoa học, một công cụ giáo dục chính trị đạo đức cho nên giáo viên chỉ quan tâm đến mặt phản ánh của tác phẩm mà xem nhẹ mặt biểu hiện của nó.
Học văn như thế khiến nhiều học sinh thấy tác giả nào cũng giống tác giả nào, tài năng dường như ngang nhau cho nên khi làm văn các em đều ngợi ca máy móc: hoặc là yêu nước thiết tha, hoặc căm thù giặc sâu sắc, hoặc là tố cáo xã hội phong kiến đòi quyền sống cho con người, hoặc yêu thiên nhiên, hoặc thiết tha yêu cuộc sống…
Cũng theo cô Lê Thị Biên, do không quán triệt đặc trưng thẩm mĩ của môn Văn mà nhiều giáo viên đã biến giờ Văn thành những giờ thuyết giảng đạo đức, chính trị một cách khô khan trừu tượng.
Tác phẩm văn học chỉ là cái cớ để giáo viên đưa vào đó những bài học giáo dục đạo đức, chính trị, nghĩa vụ công dân thay vì phải phân tích chỉ ra cái hay cái đẹp của nó. Hạ thấp chức năng thẩm mĩ của văn chương sẽ dẫn đến kết quả tất yếu là chức năng giáo dục và nhận thức cũng không thực hiện tốt.