Giờ chào cờ đầy ắp thông tin
Nhận thức được vai trò quan trọng của giờ chào cờ, Lãnh đạo trường đã chỉ đạo cho các bộ phận liên quan phải sáng tạo trong việc tổ chức giờ chào cờ đầu tuần. Và sự quyết tâm đó đã có kết quả. Trong thời gian gần đây, nhất là trong năm học 2018 – 2019 sự thay đổi đã thể hiện một cách rõ rệt.
Trước đây, giờ chào cờ chủ yếu là phổ biến kế hoạch, nhận xét thi đua các lớp, phê bình học sinh vi phạm nội quy nhà trường, thỉnh thoảng có sinh hoạt theo chủ điểm. Thì bây giờ trường đã chú trọng thay đổi hình thức chào cờ từ nội dung cho đến hình thức tổ chức. Nội dung thể hiện vừa phong phú vừa phù hợp.
Từ những nội dung bắt buộc có trong chương trình Hoạt động ngoài giờ lên lớp cho đến những nội dung có tính thời sự, các kĩ năng sống... cần thiết cho học sinh. Hình thức tổ chức thì khá đa dạng, hấp dẫn: tổ chức dưới dạng sân khấu hóa (múa, hát, nhảy, đóng kịch, kể chuyện), tổ chức diễn đàn trao đổi, tổ chức các cuộc thi dưới dạng đố nhanh, đố vui, có các phần quà động viên... Tất cả các hoạt động này đã đem đến cho giáo viên và học sinh cảm giác hào hứng, thích thú khi chào đón một tuần dạy và học mới.
Trong số những giờ chào cờ, có những giờ chào cờ thực sự ấn tượng với các chương trình như: “Tình ca Tây Bắc” của cô Nguyễn Thị Thu và lớp 12D1, “Diễn đàn xây dựng học sinh 3 tốt” của Ban thường vụ Đoàn trường, "Diễn đàn Xây dung tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" lớp 11A1 và lớp 11A3, “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” của cô Văn Thị Hà và lớp 11D1, “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên” của cô Nguyễn Thị Hường, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của cô Hồ Thị Thanh Thu, “Thanh niên với Bác Hồ” của cô Vũ Thị Tình, cô Nguyễn Thị Dung... Những chương trình này được đầu tư công phu, có chất lượng và đem đến nhiều cảm xúc cho người tham dự.
Nhiều giá trị đã được lan tỏa
Nhờ giảm nhiều các giờ chào cờ hình thức, quen thuộc, nhàm chán, thay vào đó bằng những giờ chào cờ hấp dẫn nên việc giáo dục tri thức, quan trọng nhất là giáo dục các kĩ năng mềm được thực hiện một cách hiệu quả.
Tiêu biểu như kĩ năng thuyết trình, phản biện, biểu diễn, giao tiếp, đọc sách, kĩ năng xây dựng tình bạn, kĩ năng phòng tránh xâm hại tình dục, kĩ năng phòng tránh bạo lực học đường... được giáo viên và chính các học sinh chia sẻ cho nhau. Đó là điều thực sự cần thiết trong thời điểm mà nhiều vấn đề cấp thiết đang được đặt ra từ các trường học.
Khi được hỏi về cảm nhận của bản thân khi tham dự các giờ chào cờ, em Nguyễn Thu Thủy (học sinh lớp 12D1) cho biết: “Vừa là cán bộ Đoàn, vừa tham gia biểu diễn trong một số chương trình em thấy các giờ chào cờ của trường năm nay thực sự đổi mới, tạo được nhiều hứng thú cho các bạn học sinh. Các hoạt động được triển khai vừa góp phần nâng cao kiến thức, vừa tạo được sân chơi lành mạnh, vừa phát huy được tài năng của các bạn học sinh ”.
Em Cù Thị Thúy Hằng (học sinh lớp 11D5) hồ hởi: “Em thấy rất vui, được cười thoải mái, lại còn được nhận quà khi trả lời câu hỏi nữa”. Còn em Lê Tiến Vượng ( học sinh lớp 12A3) cho biết: “Các chương trình đã có sự đầu tư, mang đến nhiều thông điệp có ý nghĩa cho học sinh. Dù chuẩn bị xa trường nhưng chúng em vẫn mong muốn giờ chào cờ được tổ chức ngày càng hay hơn nữa, tăng cường nhiều hơn nữa sự tương tác của người dẫn chương trình và học sinh nhiều hơn nữa cho các em học sinh khóa sau”.
Cùng chung suy nghĩ đó, em Bùi Văn Hào (học sinh lớp 11D1) mong muốn: “Dù giờ chào cờ bây giờ đã tạo được không khí vui vẻ đầu tuần nhưng em mong các bạn học sinh cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động để có thể năng động hơn, tự tin hơn”. Rõ ràng, những mong muốn đó của học sinh là chính đáng, cần thiết, nó đòi hỏi sự nghiên cứu, đầu tư của nhà trường, của tổ chức Đoàn thanh niên trong việc tổ chức giờ chào cờ trong những năm học tới .
Vai trò mới của hoạt động tập thể
Để có được những sự thay đổi tích cực đó là cả một sự đồng lòng, quyết tâm từ Ban lãnh đạo trường, Đoàn thanh niên, các thầy cô giáo và học sinh trong toàn trường. Nhưng quyết tâm thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn là cách làm. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, thầy Đào Xuân Đức – Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách Hoạt động Ngoài giờ lên lớp cùng thầy Hồ Sỹ Hoàng – Bí thư Đoàn trường đã luôn trăn trở để xây dựng, lựa chọn các nội dung phù hợp.
Phần nội dung thường là do giáo viên đảm nhận chính nhưng phần minh họa dưới hình thức sân khấu hóa đều được thực hiện theo hình thức “đặt hàng”. Ngoài việc động viên các lớp trực tuần và giáo viên đăng ký thể hiện còn hầu hết đều phải “đặt hàng” các giáo viên, các lớp có khả năng thực hiện chương trình, đội văn nghệ cũng như câu lạc bộ năng khiếu của trường.
Sau khi lên chương trình thì luôn có sự kiểm duyệt nội dung kĩ càng. Nhờ đó mà các chương trình đều có chất lượng. Đặc biệt, để khích lệ các lớp tham gia thì trong đánh giá thi đua các lớp đó được cộng điểm thưởng hoặc được biểu dương trước toàn trường. Chính những cách làm phù hợp nên đã động viên được cả giáo viên và học sinh trong việc tham gia các chương trình của nhà trường, trong có các hoạt động trong giờ chào cờ.
Về sự thay đổi của giờ chào cờ trong thời gian gần đây, NGƯT Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường nhận xét: “ Việc thay đổi hình thức, nội dung giờ chào cờ là một trong những nội dung thực hiện đổi mới giáo dục trong trường phổ thông, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Những buổi chào cờ như vậy, học sinh có được những giây phút vui vẻ; được tiếp nhận tri thức, nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc sống một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, khéo léo;từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh có thể thích ứng được với đời sống ngày càng phát triển, nhiều thông tin, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy vậy, để đạt được kết quả như mong muốn, phải có kế hoạch cụ thể về nội dung, kịch bản phù hợp, có sự chuẩn bị chu đáo, có sự đóng góp công sức,trí tuệ của thầy, cô giáo và học sinh.”.
Có thể nói, với một trường học ở nông thôn, các em còn chịu những thiệt thòi nhất định về điều kiện học tập, còn rất rụt rè trong giao tiếp; lại đặt trong hoàn cảnh giáo dục cần phải đổi mới toàn diện, đồng bộ thì việc thay đổi cách thức tổ chức giờ chào cờ tại trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã đem đến những hiệu quả tích cực.
Có thể những thay đổi ấy chưa đáp ứng hoàn toàn mong muốn của tất cả giáo viên và học sinh nhưng chúng tôi nghĩ rằng: quan trọng là nhà trường muốn làm, muốn thay đổi. Một khi đã có nền tảng thì sự thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc sẽ đến trong thời gian tiếp theo. Và chúng tôi cũng hi vọng rằng, những giờ chào cờ ở một ngôi trường đóng trên địa bàn thuần nông sẽ ngày càng mới lạ hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa!