Áp lực từ bên ngoài và bên trong nhà trường
TS Nguyễn Thị Thu Anh phân tích, sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục học sinh cũng là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình thì lại tập trung vào việc bắt lỗi và lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng.
Các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành Giáo dục đều có chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỉ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp 100%... Cha mẹ học sinh đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Đây cũng chính là những áp lực lớn đối với nhà trường phổ thông, nhất là những trường muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của học sinh.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, nghề dạy học luôn nhận được nhiều quan tâm của gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi nhà trường luôn chịu sự phán xét, đánh giá rất nghiêm khắc. Một số hành vi chưa chuẩn mực của số ít giáo viên và những dư luận thiếu tích cực, ít sẻ chia, thông cảm từ các phương tiện truyền thông đang làm giảm sút uy tín của nghề dạy học. Một sai sót, sai lầm nhỏ của nhà trường cũng có thể thành đề tài đàm tiếu, gây xáo trộn toàn bộ cuộc sống tinh thần của ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên nhà trường. Khi các nhà quản lí nhà trường luôn ở trong tâm thế lo lắng, thận trọng, họ khó có thể hạnh phúc để tạo ra hạnh phúc.
TS Nguyễn Thị Thu Anh cho hay, giáo viên cũng đang phải đối diện với những áp lực từ bên trong mỗi nhà trường. Cụ thể, điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, phương tiện dạy học ở hầu hết các trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Nhà trường luôn phải đối mặt với các bài toán khó về điều kiện dạy học.
Để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi nhà trường phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên một cách thường xuyên. Để không ảnh hưởng tới công tác giáo dục của nhà trường, các hoạt động bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn của giáo viên thường được tổ chức ngoài giờ hoặc vào ngày Chủ nhật, điều này làm rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của giáo viên.
Sau giờ lên lớp, giáo viên phải làm rất nhiều việc khác như: Soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách… Những giáo viên làm công tác chủ nhiệm không chỉ làm việc ban ngày (trên lớp) mà còn cả buổi tối để giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh.
Mặt khác, giáo viên đang chịu áp lực từ chính nguyện vọng của bản thân họ như: Nhu cầu công việc, tăng lương, nhu cầu tự hoàn thiện bản thân... dẫn đến tâm lí lo lắng, gây căng thẳng và làm việc không hiệu quả. Một số giáo viên thiếu kĩ năng giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề… nên dễ bị thất vọng, thiếu động lực, thậm chí muốn bỏ nghề vì đã cố gắng nhưng hiệu quả công việc không cao.
Song, theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, áp lực lớn nhất đối với giáo viên, đối với nhà trường đến từ các tình huống có vấn đề do cá biệt một số học sinh gây ra. Trước các tình huống đó đòi hỏi nhà trường phải có năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng giải quyết khủng hoảng… để không đẩy các tình huống sai phạm rơi vào bế tắc, khủng hoảng niềm tin.
Giải tỏa áp lực cho giáo viên…
TS Nguyễn Thị Thu Anh |
Từ thực tế nêu trên, TS Nguyễn Thị Thu Anh đề xuất, cần tìm ra các biện pháp giải tỏa kịp thời các áp lực cho giáo viên. Trước tiên cần xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường. Theo đó, tất cả các thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên các các giá trị vật chất và tinh thần, được thể hiện qua hình ảnh của giáo viên, nhân viên, học sinh và bầu không khí đặc trưng của nhà trường.
Ngoài ra, Ban giám hiệu cần thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để tạo động lực cho họ phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân giáo viên. Cùng với đó, cần tạo động lực phấn đấu bằng các biện pháp xây dựng môi trường thi đua tích cực trong nhà trường. Xây dựng niềm tin và sự tự tôn về giá trị bản thân trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên để hình thành ý thức phấn đấu, thi đua không ngừng. Mỗi giáo viên cần chủ động phát huy thế mạnh bản thân, tự tìm niềm vui trong sáng tạo nghề nghiệp, hạnh phúc với những cống hiến cho giáo dục.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục lòng nhân ái, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống. Theo đó, các trường có thể đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục lòng nhân ái, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống trong các giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp. Dưới sự cố vấn của giáo viên chủ nhiệm, học sinh cùng nhau thiết kế các tiểu phẩm, các trò chơi, các tiết mục văn nghệ đặc sắc để truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc, tạo dựng các giá trị của con người như: Yêu thương, Đoàn kết, Tôn trọng, Trách nhiệm, Khoan dung, Trung thực…
Khi học sinh được thiết kế và triển khai các hoạt động trải nghiệm, các em sẽ thêm tự tin, chủ động, sáng tạo, biết thể hiện sự yêu thương, biết trân trọng cuộc sống và tránh xa các tệ nạn xã hội. Bản thân mỗi giáo viên, nhân viên khi tham gia các hoạt động giáo dục lòng nhân ái, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cũng được phát triển năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục, phát triển các ý tưởng sáng tạo, thoát li được thói quen dạy học khô cứng, làm học sinh cảm thấy áp lực.
Đặc biệt, theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, nhà trường, giáo viên cần phòng ngừa và giải quyết các tiêu cực, xung đột. Cụ thể, ban giám hiệu nhà trường cần chủ động nắm bắt các hoạt động, các vấn đề của giáo viên và học sinh để có kế hoạch phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra. Ban giám hiệu cũng cần thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động. Khi xảy ra vấn đề khủng hoảng cần giải quyết trên nguyên tắc không làm phức tạp vấn đề và không làm tổn thương học sinh.