(GD&TĐ) - Giáo dục đại học là một hoạt động rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên cho tới nay, hoạt động này mới chỉ được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc, hiệu quả pháp lý không cao. Trong khi đó, trong một nhà nước pháp quyền, mọi hoạt động của xã hội dù lớn hay nhỏ cũng được điều chỉnh bởi pháp luật.
Ngành giáo dục đại học trước hết cần thoát khỏi tư duy bao cấp để đào tạo những con người năng động, biết thích nghi với mọi môi trường công tác, có thể cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho mình và tạo ra việc làm cho người khác trên thị trường lao động. Khi các cơ sở được tự chủ, sáng tạo ra cách làm mới thì họ cần phải biết ranh giới được phép làm để phát huy hết năng lực, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng trong toàn hệ thống.
Nền giáo dục đại học có chất lượng đòi hỏi đầu tư rất lớn. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước thì khó có thể phát triển nhanh và đáp ứng kịp thời đòi hỏi chất lượng lao động ngày một nâng cao được. Vì vậy cần huy động nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và phát triển hợp tác quốc tế. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài, dựa trên nền tảng pháp luật ổn định, do đó không thể được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật được mà phải bằng một bộ luật cụ thể để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động này.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Sự ra đời của Luật Giáo dục Đại học như vậy là rất cần thiết. Ban soạn thảo Luật đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, đã chuẩn bị dự thảo luật rất công phu, lắng nghe ý kiến của đại biểu quốc hội, của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và quần chúng nhân dân qua nhiều kênh khác nhau. Ban soạn thảo đã nhận được trên 500 ý kiến đóng góp cho dự thảo luật và đã chắc lọc, phân tích tỉ mỉ để bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện dự thảo. So với dự luật lần đầu, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua lần này đã có những thay đổi cơ bản, cả về cấu trú logic cũng như nội dung của luật. Ví dụ như vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục đại học trong phiên bản đầu tiên còn rất mờ nhạt, sau đó được đưa vào với nguyên tắc Bộ giao quyền tự chủ cho các trường một cách có điều kiện và nay, tự chủ được xem là một thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học, khi nhà trường đủ điều kiện hoạt động thì có đầy đủ quyền tự chủ theo luật định; hoặc như vấn đề phân tầng và xếp hạng đại học cũng vậy, trong dự thảo đầu tiên vấn đề này không được đề cập đến thì nay được đưa vào cụ thể và định lượng; vấn đề gây tranh cãi nhất là “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trước đây không được qui định trong dự thảo thì nay được đưa vào với những tiêu chí cụ thể để phân biệt hai hình thức hoạt động này…
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta khó có thể tăng một cách đột biến. Chi phí đơn vị (đầu tư cho mỗi sinh viên trong một năm học) còn rất thấp so với các nước phát triển. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách để phục vụ kịp thời cho công cuộc phát triển đất nước nên chúng ta không thể chờ đợi đến khi được đầu tư cao thì mới có thể nâng cao được chất lượng đào tạo tương xứng được. Bài toán đặt ra là làm thế nào cải thiện được chất lượng đào tạo trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Giải pháp đột phá để tối ưu hóa bài toán đầu tư-chất lượng trong dự thảo Luật giáo dục đại học là đổi mới về cơ chế quản lý. Các giải pháp này được thiết kế trong dự thảo luật bao gồm:
Một là thuộc tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được xem là đổi mới tư duy cơ bản, chuyển hoàn toàn tư duy bao cấp sang tư duy năng động, sáng tạo trong quản lý đại học. Chỉ Thị 296 của Thủ Tướng Chính Phủ đã nêu rõ lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi sự đổi mới căn cơ về tư duy từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo ở trung ương đến tận cơ sở. Cơ chế này sẽ bắt buộc các trường năng động, phát huy năng lực sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Khi Luật giáo dục đi vào cuộc sống, hệ thống các trường đại học của chúng ta sẽ được phân tầng thành các nhóm trường theo mục tiêu đào tạo và xếp hạng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập. Từ đó nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp. Người học, người sử dụng lao động cũng có thông tin về chất lượng của cơ sở đào tạo để lựa chọn. Điều này sẽ thúc đẩy lãnh đạo các trường phải phấn đấu liên tục, nâng cao hiệu quả quản lý để xây dựng thương hiệu chất lượng, đảm bảo sự phát triển lâu dài.
Hai là khuyến khích các trường nâng cao chất lượng bằng cơ chế tài chính. Đối với trường tư thục, nếu phần lợi nhuận được dùng để tái đầu tư phát triển nhà trường thì được miễn thuế. Mặt khác, nếu phân chia lợi nhuận thấp hơn mức lãi suất của trái phiếu chính phủ, các trường này còn được hưởng cơ chế của trường tư thục “không vì lợi nhuận” với các ưu tiên về chính sách và đầu tư của chính phủ. Đối với các trường công lập, mức học phí do chính phủ qui định nhưng dự luật tạo cơ chế cho các trường được thu học phí cao tương xứng với các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Ba là khuyến khích các trường dù công lập hay tư thục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn kết với doanh nghiệp, phát triển hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực về chất xám cũng như cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo.
GS.TSKH. Bùi Văn Ga
Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo