Tăng chiều cao ở trẻ là nhu cầu chính đáng của cha mẹ. Tuy nhiên, cần tìm hiểu dựa trên những nghiên cứu khoa học, tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi tác động đến việc tăng chiều cao của trẻ.
Hiện, có nhiều cách giúp tăng chiều cao mà cha mẹ cần nắm được ngay từ khi con còn nhỏ để tận dụng các giai đoạn vàng.
Cảnh báo thuốc tăng chiều cao
Chuyên gia khuyến cáo, bất cứ chất dinh dưỡng nào dù tốt đến đâu cũng cần được hấp thụ với liều lượng hợp lý. Canxi hay vitamin D là những chất hỗ trợ phát triển chiều cao. Tuy nhiên, trẻ cần được dùng đúng liều đúng cách thì mới phát huy tác dụng, nhất là ở giai đoạn vàng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người. Có thể kể đến là yếu tố di truyền, quyết định khoảng 23%.
Bên cạnh đó là chế độ dinh dưỡng, chiếm khoảng 32% trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Điều này cho thấy, đây là một yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng.
Cùng với đó là chế độ vận động quyết định khoảng 20%. Ngoài những yếu tố kể trên, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, chế độ nghỉ ngơi, bẩm sinh, chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời kỳ mang thai…
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải (Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội), trong quá trình lớn lên, trẻ có những giai đoạn phát triển chiều cao mà cha mẹ cần lưu ý để có các biện pháp chăm sóc phù hợp. Đó là giai đoạn từ 0 - 2 tuổi. Theo một số nghiên cứu, 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai sẽ được quyết định ở giai đoạn này.
Trong giai đoạn thai kỳ nếu mẹ có chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh, em bé sinh ra có thể đạt chiều cao chuẩn lớn hơn 50cm. Trẻ dưới 12 tháng tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất thì chiều cao có thể tăng thêm 25cm. Ở năm tiếp theo, trẻ có thể tăng thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt. Giai đoạn 3 - 13 tuổi, chiều cao của bé có thể tăng thêm 10 cm, và những năm tiếp theo là 5 - 8 cm mỗi năm.
Giai đoạn dậy thì là thời điểm vàng cuối cùng để phát triển chiều cao của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ có thể tăng 8 - 12 cm mỗi năm nếu được chăm sóc tốt. Trong đó, bé trai và bé gái sẽ có sự khác nhau về độ tuổi phát triển chiều cao. Cụ thể bé gái phát triển chiều cao tốt nhất từ 10 - 16 tuổi, còn bé trai là từ 12 - 18 tuổi. Còn ở giai đoạn sau dậy thì, chiều cao của trẻ vẫn sẽ tăng nhưng chậm và không đáng kể.
Cẩn trọng khi dùng thuốc tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Ảnh minh họa: INT. |
Số liệu mới nhất trong Tổng điều tra toàn quốc năm 2020 cho thấy, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới, và nữ đạt 156,2cm. So với kết quả của 10 năm trước, nam thanh niên cao trung bình 164,4cm, tăng 3,7cm.
Năm 2010, nữ thanh niên chỉ cao trung bình 153,6cm thì sau 10 năm, chiều cao này đã tăng thêm 2,6cm. Chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước.
Hiện, có nhiều cha mẹ tìm mua thuốc uống tăng chiều cao cho con. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên rằng cần cẩn trọng khi dùng thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết, về cơ bản, thuốc tăng nhiều cao là các sản phẩm thuốc được quảng cáo là chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ phát triển chiều cao như canxi, vitamin D, collagen, glucosamine, chondroitin. Đây đều là những dưỡng chất tốt và cần thiết cho sự phát triển của xương khớp.
Nhưng thị trường thuốc tăng chiều cao cho trẻ em với nhiều mẫu mã và công dụng. Mỗi loại thuốc đều đi kèm những dòng quảng cáo hấp dẫn, thu hút. Không ít loại thuốc còn cam kết “tăng chiều cao cấp tốc”; “tăng chiều cao ngay sau tháng đầu tiên”.
Nhiều sản phẩm được quảng cáo là có xuất xứ từ nước ngoài…“Nhìn chung, thuốc tăng chiều cao cho trẻ em sẽ cung cấp một lượng dưỡng chất cần thiết và phù hợp ở từng giai đoạn phát triển. Nhưng để quyết định có nên cho trẻ uống thuốc tăng chiều cao hay không, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ thông tin và trao đổi với bác sĩ kỹ lưỡng”, bác sĩ Hải thông tin.
Không phải cứ bổ sung nhiều dưỡng chất là tốt. Bất cứ chất dinh dưỡng nào dù tốt đến đâu cũng cần được hấp thụ với liều lượng hợp lý. Canxi hay vitamin D là những chất hỗ trợ phát triển chiều cao. Tuy nhiên, trẻ cần được dùng đúng liều đúng cách thì mới phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên thận trọng với những cam kết sẽ giúp trẻ cao lên trong thời gian ngắn hay những thuốc chưa được kiểm chứng. Một số phụ huynh dùng nhiều sản phẩm thành phần tương tự nhau mà không biết sẽ gây thừa liều.
Ví dụ, sản phẩm bổ sung D3 cũng quảng cáo giúp hấp thụ canxi tăng chiều cao, sản phẩm bổ sung canxi tăng chiều cao cũng có chứa D3. Nếu không chú ý, có thể sử dụng liều D3 quá cao so với nhu cầu của cơ thể trẻ. Thừa các vitamin và khoáng chất dài ngày, cơ thể không tự đào thải được dẫn đến nguy cơ gây hại gan thận.
“Như vậy, việc bổ sung thuốc hay thực phẩm giúp trẻ tăng chiều cao là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định hay lựa chọn thuốc tăng chiều cao cho trẻ”, bác sĩ Hải khuyến cáo, đồng thời cho biết, có rất nhiều cách tăng chiều cao cho con mà không cần dùng thuốc. Trong đó có tăng cường vận động, ngủ đủ giấc đúng giờ và không thức khuya, tăng cường chăm sóc sức khoẻ tâm lý…
Bổ sung dinh dưỡng theo lứa tuổi
Phần lớn thời gian của trẻ em Việt hiện nay đều gói gọn trong việc đến trường, đi học thêm, về nhà nghỉ ngơi. Quỹ thời gian của trẻ em dành cho hoạt động thể chất rất ít, thậm chí không có.
Bên cạnh đó, kiến thức tăng chiều cao, nhận thức tầm quan trọng ngoại hình trước đây gần như chưa có. Phải đến khoảng thời gian gần đây, người Việt mới nhận ra tầm quan trọng của ngoại hình cũng như tìm hiểu về những kiến thức tăng chiều cao.
Chúng ta cần nhận thức rõ là tăng trưởng chiều cao không chỉ là việc có vóc dáng đẹp hơn, mà chiều cao tốt sẽ giúp giảm nguy cơ thừa cân béo phì khi trưởng thành, vì vậy giảm nguy cơ các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, tiểu đường… trong tương lai - TS.BS TRƯƠNG HỒNG SƠN (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam).
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng mang tính chất quyết định chiều cao, đặc biệt là ở trẻ em. Điều này cho thấy, việc xây dựng và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ mang đến một cơ thể khỏe mạnh mà còn cải thiện chiều cao tích cực.
Đó là lý do cần chú trọng đến thực đơn ăn uống hàng ngày, đảm bảo kết hợp đầy đủ và hài hòa cả về số lượng lẫn chất lượng các nhóm chất dinh dưỡng. Từ đó, giúp quá trình tạo xương sụn diễn ra thuận lợi hơn, nhờ đó, phát triển chiều cao tốt hơn.
ThS, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội) cho biết, nhiều người quan niệm muốn cao lớn thì chỉ cần tập trung bổ sung canxi. Thực ra, quan điểm này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi để cao lớn và khỏe mạnh thì rất cần một chế độ dinh dưỡng để tăng chiều cao hợp lý.
Đối với trẻ dưới 6 tháng thì sữa mẹ là nguồn thức ăn chính. Nhưng từ 6 tháng trở đi, đặc biệt là trên 1 tuổi, sữa không còn là chính, thay vào đó, bé đã bắt đầu ăn dặm nên hãy chú trọng vào thực đơn để có thể cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất để tốt cho sự phát triển chiều cao. Ngoài thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây… thì cần lưu ý đến việc bổ sung canxi cho các giai đoạn này.
Đối với trẻ trong độ tuổi dậy thì là “giai đoạn vàng” của quá trình phát triển chiều cao. Đây là cột mốc quan trọng quyết định chiều cao của trẻ. Giai đoạn dậy thì thường bắt đầu từ 10 - 14 tuổi ở các bạn nữ và từ 12 - 16 tuổi ở các bạn nam. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý và đặc biệt là sự phát triển vượt trội về chiều cao.
Đặc biệt, đây cũng được xem là “cơ hội cuối cùng” để cải thiện chiều cao bởi nếu qua độ tuổi này, sụn tăng trưởng ở các đầu xương sẽ không còn phát triển, hoạt động tiết hormone cũng giảm dần, hệ thống xương dần ổn định và chắc chắn, xương không còn phát triển dài ra mà thay vào đó sẽ tăng lên về chất lượng xương.
Dinh dưỡng cân đối là một trong những cách để tăng chiều cao hiệu quả. Ảnh: Shutterstock. |
“Dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của cơ thể và việc tăng chiều cao tuổi dậy thì. Nếu dinh dưỡng không hợp lý, trẻ sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, từ đó dẫn đến trẻ thấp còi và khiến trẻ không đạt được chiều cao tối ưu. Do đó, một chế độ ăn cân bằng là điều rất cần quan trọng trong giai đoạn này”, bác sĩ Hằng thông tin.
Mỗi ngày, cần chú ý cung cấp cho trẻ các bữa ăn với các thực phẩm giàu kẽm, mangan, phốt pho và đặc biệt là protein bởi protein là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc tăng chiều cao ở tuổi dậy thì.
Cụ thể, ngoài 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm chất: Đạm, béo, đường bột và vitamin, khoáng chất, bạn cần bổ sung thêm 2 - 3 bữa phụ từ sữa và trái cây. Chế độ này sẽ đảm bảo đủ năng lượng để trẻ hoạt động tốt các sinh hoạt hàng ngày.
Sau tuổi dậy thì thì quá trình phát triển chiều cao sẽ bị chậm lại, muốn cải thiện chiều cao phải tập trung mạnh vào những nhóm chất như canxi, collagen type II, protein, vitamin D… Do đó, hãy bổ sung nhiều thực phẩm tôm, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc… kết hợp với chế độ luyện tập, vận động từ 90 - 120 phút/ngày để cơ thể gia tăng sản xuất hormone tăng trưởng, từ đó, cải thiện chiều cao tích cực.
Nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng, cần tập trung bổ sung dinh dưỡng để góp phần tăng chiều cao ở trẻ. Cha mẹ hoàn toàn có thể can thiệp vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện và thúc đẩy sự phát triển của chiều cao. Nên ưu tiên chọn sữa và chế phẩm từ sữa, trái cây và rau củ, trứng, hải sản, cá…