Lý do trẻ tăng trưởng chậm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy, chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố.

Chơi thể thao là một cách hiệu quả để trẻ tăng chiều cao. Ảnh minh họa
Chơi thể thao là một cách hiệu quả để trẻ tăng chiều cao. Ảnh minh họa

Ít vận động, thừa dinh dưỡng

Theo các chuyên gia, việc kết hợp thói quen tập thể dục và một chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ giúp mang lại kết quả tích cực về mặt lâu dài trong việc tăng chiều cao ở trẻ. Tập luyện các môn thể thao không chỉ giúp tăng cường thể lực cho trẻ, mà còn giúp cơ thể tăng tiết ra các hormone giúp phát triển chiều cao.

Theo ThS.BS Dương Công Minh - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tăng chiều cao ở trẻ. Cụ thể, tình trạng trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố.

Trong trường hợp này, điều trị biếng ăn, suy dinh dưỡng sớm sẽ giúp trẻ bắt kịp sự tăng trưởng của các bạn cùng lứa tuổi. Trong khi đó, với trẻ dư cân béo phì, các bé thường rất thèm ăn.

Đa số trẻ thừa năng lượng là từ cơm và chất béo từ dầu mỡ. Đối với trẻ có tình trạng dư cân ít, nên cho bé sử dụng các loại sữa tươi không đường. Ngoài ra, trẻ béo phì vẫn cần nhận đủ lượng canxi cần thiết cho việc tăng chiều cao của cơ thể, khắc phục tình trạng béo phì.

Trẻ không thích uống sữa cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng tới chiều cao. Trường hợp đầu tiên là trẻ hoàn toàn không thích uống bất kỳ một loại sữa nào. Khi đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ ăn thêm những thực phẩm được làm từ sữa (sữa chua, phô mai…).

Đồng thời, thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi như: Cua đồng, tôm, tép, ốc, cá con ăn luôn cả xương. Trường hợp thứ hai là trẻ không thích uống sữa bột, chỉ thích uống sữa tươi. Ý thích này có thể chấp nhận được, vì như thế sẽ tạo sự hứng thú giúp trẻ uống đủ lượng sữa cần thiết cho cơ thể.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt, giúp trẻ hồng hào. Cần chú ý cho bé ăn những thức ăn giàu sắt, “bổ máu” như huyết, gan, thịt, cá, tôm tép, đậu đỗ, rau lá xanh. Vitamin C trong rau quả tươi giúp bé hấp thu tốt chất sắt có trong thức ăn.

Lưu ý tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Từ đó, đề phòng nhiễm giun sán làm mất chất sắt của trẻ. Để phòng ngừa thiếu kẽm, cha mẹ cần chú ý cho bé ăn thịt, cá, trứng, sữa và nhất là hải sản (nghêu, sò, hàu…). Trong khi đó, cần sử dụng muối Iode trong chế biến thức ăn hằng ngày để ngừa thiếu Iode.

Trẻ ít vận động, luyện tập cũng có thể bị ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng chiều cao. Một số lý do có thể là vì trẻ học tập quá căng thẳng, có thói quen thích những trò chơi ở trạng thái tĩnh như đọc sách, chơi game. Hoặc, không gian sống của trẻ quá chật hẹp, không thuận tiện cho việc luyện tập.

Trong trường hợp này, cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ vận động, luyện tập ít nhất là 1 giờ mỗi ngày. Các hình thức vận động có thể là đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, chơi cầu lông, đi xe đạp, bơi lội, giúp mẹ làm việc nhà, leo cầu thang….

Không có điều kiện để tiếp xúc nhiều ánh nắng cũng có thể tác động tới chiều cao của trẻ. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa nhi để được hướng dẫn sử dụng một chế phẩm vitamin D phù hợp cho cơ thể trẻ.

“Ở những vùng không khí và môi trường xung quanh bị ô nhiễm, trẻ dễ nhiễm bệnh. Từ đó, dẫn đến chậm tăng trưởng (ăn kém trong thời gian bệnh, rối loạn tiêu hóa do dùng thuốc kháng sinh kéo dài để điều trị bệnh, sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng như canxi và các yếu tố liên quan đến tăng trưởng chiều cao...)”, ThS.BS Minh cho biết.

“Chìa khoá” tăng chiều cao

Cha mẹ cần bổ sung đủ sắt, kẽm cho trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần bổ sung đủ sắt, kẽm cho trẻ. Ảnh minh họa.

Để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, việc khuyến khích các bé vận động và tập thể dục là vô cùng cần thiết. Theo bác sĩ Tùng Duy - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi chơi thể thao, phần mắt cá chân, đầu gối và các cơ vùng cột sống được kéo giãn và kích thích giúp trẻ cao lớn hơn. Tuy nhiên, nếu chơi thể thao không đúng cách, kéo dài, trẻ có thể bị kiệt sức thay vì phát triển chiều cao.

Phụ huynh có thể cho trẻ chơi bóng rổ. Khi chơi bóng rổ, các động tác nhảy, chạy, ném bóng được diễn ra một cách liên tục. Đây là điểm mấu chốt giúp các đĩa đệm được kéo giãn và được bơm nhiều máu đến hơn. Từ đó, kích thích quá trình tăng trưởng giúp chiều cao phát triển tối đa.

Hơn nữa, bóng rổ là một hình thức tập luyện tim mạch hoàn hảo để giúp trẻ đốt cháy nhiều chất béo và calo nhiều hơn. Khi có một thân hình gọn gàng, trẻ cũng sẽ trông cao lớn hơn.

Ngoài ra, bơi lội là một môn thể thao giúp xương chắc khỏe và tăng chiều cao rất tốt. Bởi, khi bơi, trẻ phải vận động toàn bộ cơ thể và chân tay một cách tối đa. Từ đó, khuyến khích sự phát triển và tăng trưởng của xương. Trong số các tư thế, bơi ếch là tốt nhất để giúp trẻ phát triển chiều cao.

Bóng đá cũng là một trong những môn thể thao giúp trẻ tăng chiều cao. Khác với hai môn thể thao trên, thay vì sử dụng cánh tay và bàn tay, trẻ cần sử dụng đôi chân và bàn chân rất nhiều trong bóng đá.

Các tình huống chạy, nhảy, sút chuyền hay rê bóng đều đòi hỏi kỹ năng và những tình huống bật nhảy nhiều. Đó là những động tác giúp trẻ cao hơn. Đặc biệt, nếu chơi bóng trong độ tuổi thiếu niên, xương của trẻ sẽ chắc khỏe, thậm chí ngăn ngừa loãng xương.

“Nếu bố mẹ muốn giúp trẻ tăng trưởng chiều cao thì đạp xe là một sự lựa chọn rất tốt. Đạp xe chủ yếu tập trung vào các cơ dưới cơ thể như cơ đùi và bắp chân. Môn thể thao này kích thích cơ lưng. Đồng thời, giúp cột sống và các cơ vùng bụng hoạt động nhịp nhàng hơn.

Bố mẹ hãy thử đặt chiều cao của yên xe cao hơn để trẻ duỗi chân ra nhiều hơn. Từ đó, kích thích kéo dài các cơ vùng đùi và chân. Khi các cơ được kéo giãn, xương của trẻ có nhiều không gian để phát triển hơn. Nhờ đó, chiều cao của trẻ sẽ được cải thiện”, bác sĩ Duy gợi ý.

Bên cạnh đó, bóng chuyền là một môn thể thao khác giúp trẻ có thân hình cao lớn hơn. Phụ huynh cũng có thể cho trẻ tập yoga thường xuyên. Những tư thế kéo giãn và mở rộng cơ thể khi thực hiện các động tác vặn xương và cơ trong khi tập yoga được chứng minh giúp tăng thêm một vài cm chiều cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ