Những giá trị trường tồn của 'Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 50 tham luận của các nhà nghiên cứu đã làm rõ những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và đặt văn kiện trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

TS Nguyễn Thị Túy phát biểu tại hội thảo "Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay". Ảnh: Mạnh Tùng.
TS Nguyễn Thị Túy phát biểu tại hội thảo "Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay". Ảnh: Mạnh Tùng.

Ngày 7/11, Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay".

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943. Đây là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

Đề cương ra đời đã thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.
Bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Túy (Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, đứng trước xu thế toàn cầu hóa, sự hội nhập, giao lưu trên lĩnh vực văn hóa và sự bùng nổ của thông tin, nhất là mạng Internet, nhiều thời cơ, vận hội mới được mở ra. Đồng thời, bối cảnh mới cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách cho Việt Nam.

Căn cứ vào nhiệm vụ, định hướng phát triển đất nước, nâng cao tư duy của Đảng về phát triển nền văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ cấp thiết. Do đó, việc luận giải những nội dung cốt lõi của bản Đề cương và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, đặc biệt ở thời kỳ đổi mới là cấp thiết.

Hơn 80 năm qua, Đề cương vẫn giữ nguyên tính thời sự, là nền tảng tư tưởng trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại.

Cũng trong chiều dài lịch sử, đất nước trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng đường hướng về văn hóa vẫn giữ được tính nhất quán. Ba nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về văn hóa của Đảng.

Hội thảo khoa học quốc gia "Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay" được tổ chức tại Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: Mạnh Tùng

Hội thảo khoa học quốc gia "Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay" được tổ chức tại Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Nguyễn Văn Thưởng (Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng) mang đến hội thảo tham luận "Bài học mang tính thời sự về sự lãnh đạo của Đảng với văn hóa từ Đề cương về văn hóa Việt Nam".

Theo đó, có 3 bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa được rút ra từ Đề cương.

Thứ nhất, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải xác lập và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.

Thứ hai, luôn đứng vững trên lập trường lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - LêNin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam.

Thứ ba, các quan điểm, chủ trương phải xuất phát từ thực tiễn, mang tính khách quan, hội đủ các điều kiện tới mức độ chín muồi.

TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) liên hệ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 với bối cảnh hiện nay trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Ngày nay, công nghiệp văn hóa trở thành động lực góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tư tưởng cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cơ sở vững chắc đối với công tác xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Theo TS Lê Quang Cần, việc phát triển công nghiệp văn hóa với tinh thần "khoa học", "dân tộc" và "đại chúng", kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa trong nước và quốc tế sẽ vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phát triển giá trị kinh tế của văn hóa.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất các giải pháp giáo dục, bồi dưỡng thẩm mỹ và nhận thức đúng đắn về văn hóa cho sinh viên để nâng cao bản lĩnh, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.