Đạo diễn hé lộ về phim tài liệu '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” sắp được phát sóng có nhiều chi tiết xoay quanh công tác giáo dục và nâng cao dân trí.

Hình ảnh Bác Hồ (do NSND Bùi Bài Bình thủ vai) trong phim 'Nhà tiên tri' - 1 trong 13 phim chiếu trong Tuần lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh Bác Hồ (do NSND Bùi Bài Bình thủ vai) trong phim 'Nhà tiên tri' - 1 trong 13 phim chiếu trong Tuần lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử to lớn và sâu sắc của Đảng, được coi như Cương lĩnh và chiến lược đầu tiên về văn hóa.

Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” không chỉ xoay quanh các dấu mốc quan trọng của lịch sử, chủ đạo nội dung còn đề cập nhiều vấn đề về giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí trong suốt quá trình 80 năm qua.

Tỉ mỉ chọn lọc từng chi tiết

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư cho biết, bộ Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã hoàn thành tổng duyệt với sự tham gia của Hội đồng duyệt phim quốc gia, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ VH,TT&DL.

Đây là bộ phim quan trọng mà Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư được Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh giao nhiệm vụ. Bởi vậy, từ kịch bản, cảnh quay, tư liệu, thuyết minh… đòi hỏi tính chính xác cao, và ê-kíp làm phim đã phải chọn lọc tỉ mỉ từng chi tiết.

Theo NSƯT Trịnh Quang Tùng, bộ phim có nội dung nhìn lại chặng đường 80 năm - kể từ khi Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư tháng 2/1943.

Bộ phim được xây dựng gồm 4 phần: Phần 1 tập trung khẳng định giá trị của bản đề cương. Đồng thời khẳng định tầm nhìn của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử to lớn và sâu sắc, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng.

Phần 2 đề cập nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng 80 năm qua về phát triển văn hóa. Khẳng định sự kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Phần 3 tập trung vào nội dung Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Ở đó, một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Phần 4 thể hiện quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.

Đại diện Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư cũng cho biết, trong phim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khoảng 2 phút. Đó là một đoạn nội dung cốt lõi của việc nhìn lại Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bộ VH,TT&DL họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bộ VH,TT&DL họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Đề cập mối quan hệ văn hóa - giáo dục

Theo Bộ VH,TT&DL, tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (từ ngày 25/2 đến 3/3) sẽ công chiếu 13 bộ phim. Phim truyện được chọn chiếu trong dịp này gồm: Bình minh đỏ, Cơn giông, Phượng cháy, Nhà tiên tri. 5 phim tài liệu gồm: Hồ Chí Minh - Năm 1946, Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh - Năm 1946, phần 2), Văn hóa soi đường quốc dân đi, Chầu văn - âm hưởng linh thiêng, 80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam.

Phim hoạt hình: Đôi cánh kim cương, Tái sinh, Kỳ tích đầm Dạ Trạch, Nguồn cội.

Bật mí thêm về nội dung Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư cho hay, bộ phim có nhiều chi tiết xoay quanh công tác giáo dục và nâng cao dân trí.

Nội dung đề cập nhiều vấn đề về vai trò và tác động của văn hóa đối với giáo dục, mối quan hệ giữa giáo dục đối với phát triển văn hóa xuyên suốt hành trình 80 năm qua.

Đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế, văn hóa - giáo dục đứng trước thách thức đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào còn là một bài toán khó, trong khi văn hóa và giáo dục có mối liên hệ chặt chẽ không tách rời.

Có nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục phải đổi mới căn bản, thậm chí “dỡ đi làm lại” theo mô hình nước khác. Một số ý kiến có sự hợp lý nhất định theo từng thời kỳ, giai đoạn. Tuy nhiên, soi chiếu dưới chủ trương phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đổi mới giáo dục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chọn lọc sao cho phù hợp.

Bởi vậy, theo đạo diễn Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Biến văn hóa thành một lực lượng để khơi dậy tinh thần, khát vọng yêu nước là tinh thần mà phim hướng tới.

Nó dựa trên nền tảng câu chuyện Đề cương văn hóa của Đảng, có cả tính thống nhất, nhất quán của Đảng trong việc đưa ra những mục tiêu cho phát triển văn hóa, đất nước trong 2 giai đoạn chiến tranh và hòa bình.

80 năm thu gọn trong một bộ phim có thời lượng 35 phút quả là rất khó. Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư đã phải huy động khối tư liệu đồ sộ, từ đó chắt lọc tìm ra những yếu tố “đắt” nhất hướng đến chủ đề văn hóa, cũng như mối biện chứng khăng khít giữa văn hóa và giáo dục, giữa văn hóa với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố khác.

Dự kiến, Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” sẽ phát sóng vào 20 giờ 30 phút ngày 27/2 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Các đài truyền hình T.Ư và địa phương cũng phát sóng bộ phim trong dịp kỷ niệm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.