Những gia sư tuổi teen của trẻ bất hạnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những gia sư “tuổi teen” ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) là điểm tựa, tiếp thêm động lực cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Những gia sư tuổi teen của trẻ bất hạnh

Ươm mầm ước mơ

Cứ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, sau giờ học buổi chiều trên trường, hàng chục học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn lại chia nhau đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố (Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn) dạy học miễn phí. Lớp học được ra đời bởi Đội Công tác xã hội thuộc Đoàn Thanh niên nhà trường. Trần Lương Khánh Hân, học sinh lớp 11A4, Chủ nhiệm Đội Công tác xã hội cho hay, cách đây 6 năm, trong một lần đi tình nguyện tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, các thành viên trong nhóm đã nảy ra ý tưởng dạy học thêm cho các em đang lưu trú nơi đây.

“Các em lưu trú nơi đây đa phần không có bố mẹ, hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm đã lên kế hoạch chi tiết để thống nhất lập nên những lớp học miễn phí cho các em sau giờ học trên trường, đồng thời kêu gọi những bạn có chung ý tưởng ở các trường khác tham gia”, Khánh Hân chia sẻ.

Sau khi thống nhất ý tưởng và được sự cho phép của Đoàn Thanh niên Trường và lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, các bạn đoàn viên bắt tay vào tổ chức lớp học. Mỗi tuần lớp được tổ chức 6 buổi. Số lượng học sinh đăng ký học hơn 30 em, từ lớp 3 đến lớp 9.

Do các em học sinh có độ tuổi khác nhau nên câu lạc bộ đã chia thành từng nhóm lớp để dạy. Để giúp học sinh đạt hiệu quả cao trong học tập, các tình nguyện viên dành thời gian tìm tòi phương pháp mới, đưa ra các trò chơi, vận dụng bài học, cùng phần thưởng để các em tiếp thu, ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng.

Làm gia sư hơn một năm nay, Nguyễn Hoàng Nhật Uyên, học sinh lớp 11, Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU cho biết, em dạy kèm Tiếng Anh và Toán cho 3 em học sinh nơi đây. Theo lời Nhật Uyên, bản thân từ lâu đã có ý tưởng giúp cho các em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Để tham gia giảng dạy thì điều đầu tiên là có học lực giỏi, xuất sắc, nắm vững kiến thức. Khi được ba mẹ cho phép, em đã sắp xếp lịch học cho hợp lý nhất để không ảnh hưởng. Gần một năm dạy học nơi đây, không khí lớp học lúc nào cũng vui vẻ, hào hứng. Sau thời gian học trên lớp, em đã chuẩn bị kỹ bài học trước khi đến dạy cho các em. Những buổi ban đầu các em nơi đây khá rụt rè nhưng dần dần các em đã tự tin hơn và học tốt hơn”, Nhật Uyên tâm sự.

Học sinh Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố miệt mài ôn tập.

Học sinh Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố miệt mài ôn tập.

Truyền động lực đến những mảnh đời bất hạnh

Nguyễn Phước Quý Nhiên, học sinh lớp 10/9, Trường THPT Phan Châu Trinh đảm nhiệm bộ môn Ngữ văn cho 5 học sinh lớp 8. Quý Nhiên cho hay, em nhận làm gia sư như một cái duyên:

“Trong một lần đến thăm trung tâm, em cảm nhận được những khó khăn và thiệt thòi của các em nơi đây. Khi biết thông tin đội công tác xã hội sẽ tổ chức dạy học, em đã xung phong được dạy môn Ngữ văn. Thông qua những tiết học, em mong muốn được chia sẻ kiến thức mà mình đã học, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với các em, như một người chị trong gia đình”.

Cũng như Quý Nhiên, sau thời gian trên trường, Trần Phi Hà – lớp 11 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vội vàng đến trung tâm để dạy Toán cho nhóm học sinh lớp 5.

“Trước khi đến đây dạy, em phải hoàn thành việc học tập của bản thân. Cụ thể, khi đi học trên trường, những giờ rảnh rỗi sẽ tranh thủ ôn lại kiến thức, hoàn thành các bài tập. Khi bước vào dạy học, em sẽ đem hết những kiến thức mà mình đã được học trên trường để truyền đạt lại cho các em. Với mong muốn các em có thể tiếp thu, học tốt hơn”, Phi Hà bộc bạch.

Từ những lời động viên, sự tận tâm, tận tình của các “giáo viên đặc biệt”, nhiều em nhỏ trong trung tâm đã có sự tiến bộ hơn trong quá trình học tập của mình. Em Huỳnh Thùy Bảo Nhi (sinh năm 2015), học sinh lớp 3 chia sẻ, các anh chị gia sư rất nhiệt tình, những gì em không hiểu đều được giải đáp. “Gia đình em khó khăn, nên em rất vui khi được học ở lớp này. Nhờ lớp dạy phụ đạo của các anh chị gia sư nên em được học kèm môn Toán và Tiếng Việt. Em sẽ cố học thật tốt để không phụ lòng các anh chị và thầy cô”, Bảo Nhi nói.

Em Lê Thị Mai Linh - học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Đại Nghĩa được học kèm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh… và là một trong những học sinh có nhiều tiến bộ. Từ học sinh trung bình, Linh vươn lên đạt thành tích khá và năm học này, em đặt mục tiêu đạt học sinh giỏi.

“Không chỉ dạy học, các anh chị còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống giúp em dần quên đi những mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, tự tin hơn trong giao tiếp. Hy vọng, các buổi học thêm được duy trì thường xuyên để giúp chúng em học tốt hơn nữa”, Mai Linh tâm sự.

Thầy giáo Lê Trung Vương - Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho hay, học sinh tham gia dạy học miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tập hợp qua hoạt động Đoàn của trường. Đây là những học sinh có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực vào các hoạt động của trường.

Tùy nhu cầu học tập của trẻ em tại trung tâm, học sinh nhà trường triển khai dạy kèm nhiều môn như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh... Cũng theo thầy Vương, tiêu chí chọn tình nguyện viên của Đội là năng lực, tận tâm và nhiệt huyết. Các bạn như vậy không chỉ giúp đỡ các em học mà còn “giữ lửa” để các em có hứng thú với chuyện học hành.

Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa được học sinh nhà trường thực hiện nhiều năm qua. Không chỉ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn cải thiện thành tích học tập, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hoạt động này còn giúp học sinh nhà trường trau dồi kỹ năng mềm, biết sống có trách nhiệm và sẻ chia với cộng đồng. - Thầy Lê Trung Vương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.