Mang con chữ đến với trẻ nghèo
Hơn 10 năm qua, đều đặn mỗi buổi tối từ 18 đến 20 giờ hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tuyên Bình vẫn cần mẫn mang con chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên tại lớp học tình thương xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng (Long An).
Những em đang theo học tại lớp học đặc biệt này đều là con của các gia đình gốc Việt, di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống. Không giấy tờ, không nhà cửa, ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định, đa phần các em đều không biết chữ.
Nắm bắt được thực tế địa bàn cũng như hoàn cảnh của các em nhỏ, đồn Biên phòng Tuyên Bình đã tham mưu Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập lớp học đặc biệt này.
Từ khi thành lập lớp học, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phối hợp Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Hưng, Trường Tiểu học Tuyên Bình tổ chức lớp theo kiểu “bình dân học vụ”. Học trò có khi ít, khi nhiều, có ngày học, ngày nghỉ do cuộc sống mưu sinh nhưng thầy giáo thì chưa lúc nào vắng mặt.
Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình như những đứa trẻ học tại trường chính quy, các chiến sĩ đứng lớp vào tất cả buổi tối trong tuần. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp từng em.
Hiện nay, lớp học đặc biệt này có 31 trẻ theo học. Đồn Biên phòng Tuyên Bình phân công 4 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp. Học sinh theo học tại đây được phân chia theo 2 phòng học khác nhau. Một phòng dạy cho các em theo chương trình lớp 1, phòng còn lại dạy chung tất cả các em theo chương trình kiến thức từ lớp 2 đến lớp 5.
Em Nguyễn Thị Huyền, năm nay đã 14 tuổi, hiện em theo học lớp 1 là một trong những học sinh có hoàn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại lớp học tình thương này. Hàng ngày dù công việc bán vé số kiếm tiền phụ giúp gia đình hàng ngày rất vất vả, tuy nhiên cô học trò này luôn sắp xếp đến lớp đều đặn.
Nói về việc học tập của bản thân, Huyền vui mừng chia sẻ: “Từ khi tham gia học tại đây, không chỉ biết đọc, biết viết mà em còn quen thêm nhiều bạn mới. Các thầy rất hiền và chỉ bảo rất tận tình”.
Những "thầy giáo" quân hàm xanh vẫn miệt mài mang con chữ, phép tính đến với trẻ nghèo ở xã Tuyên Bình. |
Hạnh phúc của người lính
Chị Ngô Thị Ánh có 2 con đang theo học tại lớp học tình thương chia sẻ, từ khi về đây sinh sống, được các anh bộ đội biên phòng đến tuyên truyền, vận động cho con đi học để biết chữ nên gia đình đã đăng ký cho con theo học lớp học tình thương.
“Giờ đây các con đã biết đọc, biết viết nên gia đình Cảm ơn các anh bộ đội biên phòng rất nhiều vì đã dạy con tôi cái chữ, còn tặng nhiều đồ dùng học tập”, chị Ánh vui mừng nói.
Được biết, suốt hơn 10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội đồn Biên phòng Tuyên Bình vẫn cần mẫn mang con chữ, phép tính giúp các em không có điều kiện được đi học. Hàng trăm đứa trẻ theo học tại lớp học đặc biệt này đã biết đọc, biết viết, biết và làm các phép tính. Đó thực sự là món quà ý nghĩa nhất với những người lính quân hàm xanh.
Đại úy Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tuyên Bình, người cán bộ gắn bó nhiều năm với trẻ em nghèo nơi đây cho biết: “Chúng tôi dạy các em 2 môn chính là Tiếng Việt và Toán theo chương trình chính quy từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi ngày, nhìn thấy các em biết đọc, biết viết, tôi thật sự rất vui và hạnh phúc. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để mang con chữ đến cho các em”.
Còn đối với Binh nhất Nguyễn Vũ Luân, một trong những “thầy giáo” tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương dù chưa có nghiệp vụ sư phạm cũng như kinh nghiệm nói trước đông người, nhưng với sự giúp đỡ của đồng đội và các thầy cô giáo trên địa bàn chàng chiến sĩ này giờ đây đã tự tin đứng lớp.
Luân cho biết: “Bản thân chưa có nghiệp vụ sư phạm, nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các giáo viên, sự động viên của cấp ủy, Ban Chỉ huy đồn cùng đồng đội, đã tiếp thêm thêm niềm tin, động lực, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức sư phạm để gắn bó với lớp học đến nay. Giờ đây nhìn thấy học trò đến lớp đều đặn, nhiều em đọc viết thành thạo tôi cũng như đồng đội tham gia giảng dạy tại đây rất vui mừng”.
Hiện nay, các đơn vị trong bộ đội Biên phòng đã phối hợp với ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì trên 30 lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương, với gần 100 cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia công tác quản lý, hỗ trợ giảng dạy, với trên 700 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, các em học sinh ở khu vực biên giới, biển đảo; vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học trở lại trường.