Áp lực từ nhiều phía
Phát biểu đề dẫn, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề: Giáo dục là lĩnh vực được toàn xã hội, từng gia đình, từng cá nhân quan tâm sát sao và ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng toàn diện.
Vì vậy, dù một hiện tượng rất nhỏ cũng tác động rộng lớn trong toàn xã hội. Mỗi hiện tượng bất thường xảy ra thì có cách nhìn rất khác nhau, tạo nên các luồng ý kiến, thậm chí là phán xét nhiều chiều, nhất là trong thời kỳ phát triển của công nghệ số, mạng xã hội.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Phụ huynh, học sinh, xã hội…
Theo TS. Trần Bá Trình - Trung tâm NC&PT Nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo viên. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên trong hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Áp lực quá lớn thì dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả; ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.
Ngược lại, nếu không có áp lực thì có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục, có bề dày truyền thống hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa – xã hội của người Việt Nam.
“Tại sao, trước áp lực, có giáo viên chủ động xác định và thực hiện giải pháp; lấy chính áp lực là động lực phát triển nghề nghiệp; nhưng lại có giáo viên thụ động trông chờ các giải pháp của ngành, của lãnh đạo nhà trường. Như vậy, cần có cái nhìn mở, đa chiều về nguyên nhân của áp lực đối với giáo viên” - TS. Trần Bá Trình nêu vấn đề.
Giáo viên hiện nay đang phải đối diện với nhiều áp lực |
Theo TS.Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, một trong những áp lực của giáo viên hiện nay đó là áp lực từ phía bên ngoài.
Chẳng hạn như: Thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục học sinh cũng là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình thì lại tập trung vào việc bắt lỗi và lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng.
TS .Nguyễn Thị Thu Anh đề xuất, một trong những giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên đó là xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường.
Theo đó, tất cả các thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên các các giá trị vật chất và tinh thần, được thể hiện qua hình ảnh của giáo viên, nhân viên, học sinh và bầu không khí đặc trưng của nhà trường.
Xây dựng môi trường làm việc tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, đề cao các giá trị nhân văn, tình yêu thương giữa các thành viên trong tập thể nhà trường. Đặc biệt là tinh thần làm việc hết lòng vì sự tiến bộ của HS.
Ban giám hiệu thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân giáo viên.
Quan tâm động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các hoạt động công đoàn nhằm gắn kết các thành viên trong nhà trường, tạo tâm lí tích cực, hạnh phúc trong giáo viên, cán bộ, nhân viên và lan tỏa, tạo động lực phấn đấu cho HS.
Chúng ta phải động viên, bảo vệ những nhà giáo tốt
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao Trường Đại học sư phạm Hà Nội, không chỉ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên mà còn rất quan tâm đến nghiên cứu, tư vấn những vấn đề liên quan đến giáo viên.
Theo Bộ trưởng bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều việc cần nhìn nhận, đặc biệt là những bất cập yếu kém. Nếu không nhìn nhận thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và chúng ta không chủ động để giải quyết tận gốc vấn đề thì chúng ta sẽ bị lúng túng
Ai cũng biết giáo dục phải ổn định, nhưng ổn định trong sự thay đổi. Mong muốn của xã hội là giáo dục phải thay đổi nhưng thay đổi thế nào để không sốc, tạo được động lực cho giáo viên. Khi giáo viên thực sự coi sự đổi mới này như nhiệm vụ của mình và tìm thấy cơ hội đổi mới, khi đó sẽ thành công.
TS.Nguyễn Thị Thu Anh |
Bộ trưởng ghi nhận, đại đa số các thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề. Nếu không yêu nghề sẽ không vượt qua được những khó khăn. Lương giáo viên cũng là một vấn đề nhưng để theo được nghề và cao hơn là yêu nghề thì lương chưa phải là giải pháp căn cơ.
Muốn yêu nghề, muốn cống hiến phải ổn định công việc, thu nhập ổn định, đây là nhu cầu chính đáng. Vị thế của các thầy cô rất lớn, đây là nghề cao quý, nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta phải chủ động để tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Trách nhiệm của Bộ là lắng nghe tham mưu của các nhà giáo. Trước hết hôm nay lắng nghe các thầy, cô của cơ sở đào tạo giáo viên.
Bộ cũng đã lắng nghe từ cơ sở, từ giáo viên và sẽ đến những vùng khó khăn nhất để có cái nhìn tổng thể, thực tế và để lắng nghe áp lực của thầy cô. Chúng ta phải nghe từ thực tiễn.
Nhận xét chủ đề của buổi tọa đàm rất hữu ích, Bộ trưởng cho rằng, để nhìn nhận áp lực này cần nhìn rất nhiều thành tố, trước hết từ chính thầy cô và môi trường các thầy cô đang hoạt động. Chúng ta cần những giải pháp căn cơ. Giải pháp nào mà nhận được sự ủng hộ của giáo viên thì sẽ thành công.
Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo viên chịu nhiều áp lực nhưng không vì thế mà đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Và không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát lên làm cho các thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Đâu sai thì phải sửa ngay, không sửa được thì đưa ra khỏi Ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ.
TS. Trần Bá Trình phát biểu tại buổi tọa đàm |
Tới đây, sẽ tập trung vào các trường sư phạm, khi nhà trường tuyển sinh được những giáo sinh phù hợp, không chỉ là điểm cao mà còn phải có phẩm chất riêng như: kiên nhẫn, yêu nghề. Nếu không có phẩm chất đó có thể xảy ra vi phạm.
Trong quá trình đào tạo, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường các em có thể tự ứng xử được trước nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực.
Bộ trưởng cho biết, tới đây ngành Giáo dục triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại giáo viên để thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường. Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ.
Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi, hay sổ sách đánh giá cho sinh viên. Tới đây các Sở GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa.