Đánh giá không điểm số - Thuận lợi từ kinh nghiệm sẵn có

GD&TĐ - Năm học 2014 - 2015, quy định đánh giá thường xuyên không dùng điểm số với học sinh tiểu học được triển khai với tinh thần phấn khởi, tích cực, sẵn sàng, đặc biệt là những cơ sở đã triển khai Mô hình trường học mới (VNEN).

Đánh giá không điểm số - Thuận lợi từ kinh nghiệm sẵn có

Bà Nhan Thị Hằng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai: Thuận lợi từ những kinh nghiệm sẵn có

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 đánh giá học sinh tiểu học được áp dụng từ năm học 2014 - 2015 thay thế thông tư 32/20009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009.

Tại Gia Lai, nội dung đánh giá mới này đã được áp dụng tại 70 trường thực hiện Mô hình trường học mới (VNEN) ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố từ năm học 2013 - 2014.

Các phòng GD&ĐT đã triển khai đến tất cả các trường trên địa bàn nắm bắt sơ bộ qua những lần tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cấp huyện và cụm trường.

Tôi cho rằng, cách đánh giá mới này sẽ là yếu tố tích cực nhằm khuyến khích dạy học thực chất, giảm áp lực về điểm số, động viên kịp thời, thường xuyên giúp học sinh học tập tích cực, phát huy tính tự học, tự đánh giá, được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.

Giáo viên, với cách đánh giá mới sẽ nhiệt tình, tâm huyết và luôn sẵn sàng tiếp cận với những yêu cầu đổi mới về cách dạy, cách học, cách đánh giá của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận khó khăn với giáo viên ở một số trường chưa thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), chưa được tiếp cận, chưa hiểu cách làm và chưa cảm nhận được sự tiến bộ của cách đánh giá mới nên còn e ngại nhất là việc nhận xét học sinh thay cho việc ghi điểm.

Bên cạnh đó, mặc dù đã tuyên truyền về cách đánh giá mới nhưng một số phụ huynh chưa thấu hiểu tinh thần này nên bước đầu cũng có một số phản ứng với việc đánh giá chủ yếu bằng nhận xét ở một số môn học mà không còn cho điểm như trước đây.

Sở GD&ĐT Gia Lai đã quán triệt tinh thần đổi mới này vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học tại công văn số 1291/SGDĐT-GDTH ngày 25/8/2014.

Theo đó các Phòng GD&ĐT đã triển khai tinh thần đổi mới này đến tất cả các trường tiểu học.

Cụ thể là: Tiếp tục thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.

Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về những kiến thức kĩ năng học sinh đã thực hiện được và những kiến thức kĩ năng chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.

Tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014 và theo dự kiến của Bộ sẽ tổ chức tập huấn vào cuối tháng 9/2014.

Theo đó, Sở GD&ĐT Gia Lai sẽ tiếp thu và tổ chức tập huấn đến cốt cán các Phòng GD&ĐT và yêu cầu các Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn đến tận giáo viên trước khi thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Chỉ đạo kịp thời để thực hiện quy định mới thống nhất toàn tỉnh

Năm học 2012 - 2013, tỉnh Bến Tre được Bộ GD&ĐT chọn Trường tiểu học Bùi Sĩ Hùng, huyện Bình Đại thực hiện Dự án Mô hình trường tiểu học mới (VNEN).

Năm học 2013 - 2014, Sở đã triển khai nhân rộng số trường tham gia trong toàn tỉnh là 8 trường.

Thực hiện Mô hình trường tiểu học mới, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm đánh giá thường xuyên bằng nhận xét đối với học sinh, chương trình thí điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc tiếp cận và làm quen cách đổi mới trong đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Mặc dù có những thuận lợi như trên, nhưng để quy định mới được triển khai một cách tốt nhất, chúng tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT sớm tập huấn hướng dẫn thực hiện Thông tư 30 và phát hành chính thức mẫu học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục.

Về phía Sở GD&ĐT, sau khi Bộ GD&ĐT tập huấn cho các tỉnh, thành, Sở sẽ triển khai ngay đến giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh thực hiện, nhằm giúp giáo viên nắm và thực hiện đúng theo mục đích đánh giá mà thông tư đã đề ra.

Sau khoảng 1 tháng thực hiện (khi thông tư có hiệu lực), Sở GD&ĐT Bến Tre sẽ tổ chức hội thảo để các trường chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện Thông tư 30 như: Cách ghi chép, sử dụng học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn ….;

Đồng thời, qua đó Sở GD&ĐT sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và có chỉ đạo kịp thời để giáo viên thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Ông Hà Huy Giáp - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang: Ngành sẽ có những quy định chặt chẽ

Năm học 2013 - 2014, việc đánh giá học sinh thay vì chấm điểm không chỉ thực hiện ở khối lớp 1 mà còn áp dụng từ lớp 1 đến 4 tại các trường học VNEN (trường học kiểu mới) toàn tỉnh.

Qua năm đầu thí điểm cho thấy việc đánh giá học sinh đem lại hiệu quả thiết thực, học sinh biết rõ được điểm mạnh, điểm yếu của mình để từ đó vươn lên trong học tập. Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT chỉ đạo thực hiện đồng loạt toàn bậc tiểu học từ ngày 15-10.

Việc đánh giá của giáo viên ngoài đánh giá về kiến thức, kĩ năng còn bao quát đến sự hình thành, phát triển một số năng lực và phẩm chất của học sinh. Giáo viên nhận xét trực tiếp hàng ngày ở các mặt, hoạt động giáo dục. Hàng tháng, cô giáo ghi vào sổ theo dõi từng em. Việc chấm điểm chỉ thực hiện ở bài kiểm tra cuối kỳ 1 và cả năm.

Nội dung Thông tư cũng quy định rõ hiệu trưởng được giao quyền tự chủ, tự chỉ đạo ra đề kiểm tra ở trường mình. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá thi đua của giáo viên, nhà trường sẽ có sự thay đổi.

Cuối năm học, sẽ không còn danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến mà biểu dương, khen học sinh theo từng lĩnh vực cụ thể như kết quả phấn đấu, rèn luyện ở các môn văn hóa, thể thao, văn nghệ hoặc các hoạt động giáo dục... Giáo viên chủ nhiệm dựa trên cơ sở bình bầu của học sinh trong lớp và kết hợp với ý kiến của phụ huynh học sinh để đề xuất hiệu trưởng khen thưởng.

Ngành sẽ có những quy định chặt chẽ để giáo viên đưa ra được nhận xét cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng hình thức, mang tính đối phó. Thời gian tới, Sở triển khai tập huấn, hướng dẫn chi tiết, đồng thời các cấp quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trong năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.